Đời sống xã hội

Lâm Đồng nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc K’ho

Thúy Hạnh 21/11/2023 - 13:14

Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu ôn hòa và mát mẻ quanh năm, cùng với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo, Lâm Đồng có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, cũng là một tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, Lâm Đồng cũng có nhiều tài nguyên về văn hóa dân tộc bản địa phong phú và đa dạng. Đây chính là tiềm năng và thế mạnh, để tỉnh phát huy được bản sắc văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

21-11-phat-trien-du-lich-tu-ban-sac-van-hoa-dan-toc-k-ho-la-mot-huong-di-moi-o-lam-dong.jpg
Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa dân tộc K’ho là một hướng đi mới ở Lâm Đồng

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng xác định bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và dân tộc K’ho nói riêng. Do đó, tỉnh đang dành nhiều sự quan tâm, nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời, tỉnh cũng hướng tới xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa mới. Nhiều di tích, văn hóa, tín ngưỡng được đầu tư kinh phí trùng tu, phục dựng và tôn tạo. Các giá trị văn hóa tinh thần, phi vật thể được lưu giữ và phát huy.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành “Quy định về quản lý, bảo vệ, đầu tư khai thác di tích, danh lam thắng cảnh tỉnh Lâm Đồng”, tạo điều kiện cho thực hiện bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Di sản văn hóa phi vật thể (Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên) đã được tổ chức sưu tầm và lưu giữ các bộ nhạc cụ truyền thống của người K’ho (chiêng, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr). Tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng ở các địa phương có đông người dân tộc K’ho sinh sống để lưu giữ văn hóa truyền thống dân gian.
Đồng thời, tỉnh cũng khôi phục các lễ hội truyền thống của người K’ho như Lễ Nhô wèr (cúng ruộng hàng năm của người K’ho nhóm Srê), lễ cầu mưa của dân tộc K’ho huyện Đam Rông, lễ Mang lúa về kho của người K’ho tại huyện Lâm Hà, lễ cưới của người K’ho huyện Lạc Dương… Khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’ho tại huyện Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh. Các món ăn truyền thống của người K’ho như cơm lam, heo đen, cá suối, đọt mây, rau bép, dưa sơ di, bầu hồ lô, rượu cần luôn được khách du lịch lựa chọn.

21-11-noi-tiep-truyen-thong-lop-tre-k-ho-dang-gin-giu-va-phat-huy-di-san-van-hoa-cua-ong-ba-de-lai.png
Nối tiếp truyền thống, lớp trẻ K’ho đang gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của ông bà để lại

Bên cạnh văn hóa cồng chiêng và ẩm thực truyền thống, người K’ho đang phục hồi nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Các nghệ nhân K’ho luôn sáng tạo những mẫu mã mới, kết hợp họa tiết thổ cẩm trên áo quần, túi xách, ba lô, ví cầm tay… để phục vụ du khách. Việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch đã mang lại nguồn thu nhập lớn, đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với nghề dệt thổ cẩm và phát huy hiệu quả văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận để làm du lịch, cộng đồng người K’ho đã có việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Nghệ nhân Păng Ting K’Rè, ở Bon Dơng 1, thị trấn Lạc Dương chia sẻ: “Làm dịch vụ văn hóa cồng chiêng phục vụ du khách, không chỉ tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa cồng chiêng là di sản do ông bà để lại, lớp trẻ cần phải biết phát huy”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương, ông Cil Poh cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc bản địa gắn với phát triển du lịch. Qua đó, mong muốn giới thiệu, quảng bá vùng đất, con người và văn hóa địa phương”.

Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc K’ho vẫn còn những hạn chế. Đó là điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng cán bộ, các cơ chế chính sách chưa thể đáp ứng kịp thời. Thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực.
Công tác quảng bá hình ảnh về bản sắc văn hóa dân tộc K’ho gắn kết với hoạt động du lịch vẫn còn hạn chế. Công tác tuyên truyền về bản sắc văn hóa dân tộc người K’ho chưa được chú trọng, chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch gắn với giá trị bản sắc văn hóa tiêu biểu. Kinh phí đầu tư cho công tác sưu tầm, phục dựng bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của K’ho của tỉnh còn hạn hẹp.

Trước ảnh hưởng chung của quá trình hội nhập quốc tế, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trước đây vốn “dấu mình” trong một không gian văn hóa riêng, thì nay đã ít nhiều có mối quan hệ và chịu sự tác động từ những nền văn hóa khác. Với bối cảnh đó, các giá trị di sản văn hóa đã và đang có những biến đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Mặt tích cực là tạo nên sự đa dạng về văn hóa, làm giàu bản sắc văn hóa cho các dân tộc. Song, mặt trái của quá trình đó đã vô tình tạo nên sự đồng dạng về văn hóa. Nhiều nơi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa nhận thức đúng và thực hiện tốt chủ trương của Hội nghị Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đồng bào còn coi nhẹ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của mình, coi đó là công việc của cán bộ địa phương.

Do vậy, để di sản văn hóa truyền thống độc đáo của người K’ho không bị mai một và hòa tan, thì cần được chung tay, góp sức của người dân cùng chính quyền các cấp bảo tồn và phát huy. Khai thác du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người K’ho là một hướng đi mới, có tính hấp dẫn cao trong các sản phẩm du lịch của địa phương.
Sự gắn kết này đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế và bảo tồn. Đây sẽ là một sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội của địa phương.

Thúy Hạnh