Văn hóa

Bảo tồn di sản Lễ mừng thọ của người M'nông

Khánh Vy 21/11/2023 - 04:40

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lawsk tổ chức Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông”. Đây là một trong những hoạt động của Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, năm 2023.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; các nhà khoa học, giảng viên chuyên ngành đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng; đại diện lãnh đạo Phòng Văn hosa- Thông tin các huyện: Lắk, Krông Bông và Buôn Đôn; các nghệ nhân, già làng dân tộc M’nông trên địa bàn tỉnh.

Lễ mừng thọ của người M'nông Gar tại huyện Lắk ra đời từ rất sớm, không ai biết nó có từ bao giờ, chỉ biết nó là phong tục được giữ gìn qua các thế hệ. Lễ mừng thọ được tổ chức đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Đây là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà.

1600462234.jpg
Lễ mừng thọ của người M’nông tại buôn Đung (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).

Trong nghi lễ vòng đời của người M’nông ở huyện Lắk thì lễ mừng thọ vẫn được tổ chức thường xuyên và giữ nguyên phong tục truyền thống. Khi cha mẹ đã trên tuổi 60, con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.

Trước kia, lễ mừng thọ cho cha mẹ thường được người con gái cả tổ chức nhưng ngày nay tất cả các con đều được tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ mình. Buổi lễ mừng thọ thường tổ chức vào tháng 1 hoặc 2 dương lịch hằng năm sau khi đã kết thúc mùa nương rẫy.

Lễ mừng thọ của người M’nông được tổ chức đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa; là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; thể hiện tình yêu thương, kính trọng người cao tuổi và lòng biết ơn của con cháu dành cho đấng sinh thành. Lễ vật chính gồm một con lợn, ba chén cơm, một con gà, một quả bầu khô đựng đầy nước, một bếp than đỏ, một ché rượu cần lớn và 3 ché rượu cần nhỏ.

Trong nghi lễ cúng mừng thọ của người M’nông Gar gồm có các lễ vật: 3 ché rượu cần, 1 con heo, 3 chén đựng cơm; 3 chén rượu cần, 3 ống lồ ô, 1 hô lô đựng đầy nước. Ngay từ sáng sớm mọi thành viên trong gia đình đều tất bật mỗi người một công việc, bà con trong buôn làng đến chung vui với gia đình.

Khi tất cả các lễ vật được chuẩn bị đầy đủ thì các thủ tục của nghi lễ cúng mừng thọ sẽ bắt đầu. Thầy cúng gọi Yang gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức lễ mừng thọ, cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu.

Sau đó thầy cúng sẽ mời người cha người mẹ cầm rượu cần uống và tiếp tục cầu khấn, trao chiếc còng giống như một tín vật của thần linh thể hiện sự gắn kết giữa con người với thần linh mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất. Sau đó các thành viên trong gia đình lần lượt thay phiên nhau mời bố mẹ uống rượu cần, gắp thức ăn và nói lời cầu chúc cha, mẹ. Ngay sau lễ cúng mừng thọ gái trai trong buôn làng sẽ đến chúc thọ, cùng nhau múa hát, uống rượn cần.

Với người M’nông, mỗi khi tổ chức nghi lễ dù lớn hay nhỏ tại gia đình đều có sự quan tâm, tham gia của cộng đồng buôn làng. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, giáo dục cho con cháu trong gia đình, giáo dục buôn làng nếp ăn lối ở, tính siêng năng, trung thực và sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.

Ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch đã ban hành quyết định số 1841/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ mừng thọ của người M’Nông (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

1911-toan-canh.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, tạo nên nét đẹp văn hóa đa màu sắc. Tuy nhiên, không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, trong đó lễ hội truyền thống nói chung và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông nói riêng còn đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định. Những người am hiểu về di sản văn hóa dân tộc ngày càng ít dần, lớp trẻ không mặn mà với văn hóa dân tộc, không gian canh tác nương rẫy bị thu hẹp, một số bến nước không còn sử dụng... Nguyên nhân là do quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội, tín ngưỡng, công nghệ... làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của đồng bào các dân tộc.

Theo TS Trương Thông Tuần, Trung tâm Khoa học Xã hội nhân văn Tây Nguyên, thuộc Trường Đại học Tây Nguyên, lễ mừng thọ còn là kênh lưu truyền văn hóa của người M’ Nông. Lễ hội mừng thọ của người Mnông được ghi danh, lý do là nó tổng hợp rất nhiều yếu tố văn hóa bên trong, như văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực hay là văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của người Mnông. Rồi văn hóa tổ chức cộng đồng, văn hóa của các dòng họ, văn hóa là hát kể sử thi hoặc kể chuyện gia phả cũng tổng hợp ở trong lễ mừng thọ.

Chính vì những giá trị đó, việc phục dựng lễ mừng thọ của người Mnông không chỉ tái hiện không gian văn hóa truyền thống của người Mnông mà còn góp phần giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các phong tục tập quán của các dân tộc. Từ đó nâng cao nhận thức trách nhiệm trong công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh, con người Đắk Lắk, đặc biệt là văn hóa truyền thống của các dân tộc. Các ý kiến tại hội thảo cũng thống nhất rằng, việc nghiên cứu, phục dựng nghi lễ này cần được thực hiện trong đời sống thực tế của cộng đồng và do cộng đồng làm chủ thể.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận, thảo luận và đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông nhằm khai thác hiệu quả di sản gắn với phát triển du lịch địa phương, góp phần tạo thu nhập bền vững, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân tại địa phương…

Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp để khai thác hiệu quả di sản gắn với phát triển du lịch, góp phần tạo thu nhập bền vững; nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Đắk Lắk. Nội dung, giải pháp trong tham luận tại Hội thảo được sử dụng, tham khảo trong quá trình xây dựng các đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ mừng thọ của người M’nông trong thời gian tới.

Khánh Vy