Gương sáng

Thắp lửa đam mê, giúp học sinh nghèo vượt khó

Thúy Hạnh 20/11/2023 - 06:42

Dáng người cao ráo, gương mặt phúc hậu cùng một nét đẹp cổ điển của người Khmer là đôi mắt sâu đen láy, bà Neáng Kim Cheng, sinh năm 1954 đã có hơn 30 năm tuổi Đảng, hai lần là đại biểu Quốc hội (khóa X, XI). Bà là một tấm gương điển hình, có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội, nhất là với học sinh đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Tri Tôn (An Giang).

Người đảng viên gương mẫu

Sinh thời, Bác Hồ đã từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, 2000, tập 4, tr.8). Lời dạy của Bác cũng đúng với tinh thần mà người Khmer dạy cho con, cháu, thông qua các câu tục ngữ, danh ngôn truyền từ bao đời như: “Chữ phát triển thì dân tộc hùng mạnh”; “biết từ học, giàu có từ tìm kiếm” hay “lười làm ăn thì không giàu, lười học thì dốt”...

17-11-23-ba-neang-kim-cheng-nguoi-dau-tien-tu-trai-sang-cung-cac-nu-dai-bieu-dan-toc-thieu-so-va-tong-bi-thu-nong-duc-manh-quoc-hoi-khoa-xi-ky-hop-lan-thu-11..jpg
Bà Neáng Kim Cheng (người đầu tiên từ trái sang) tại Kỳ họp lần thứ 11 - Quốc Hội khóa XI.

Thấm nhuần lời dạy của Bác và truyền thống hiếu học của dân tộc, các thế hệ trong gia đình bà Neáng Kim Cheng luôn tích cực tham gia sự nghiệp học tập và được địa phương công nhận là gia đình văn hoá tiêu biểu, gia đình có truyền thống hiếu học, gia đình gương người tốt - việc tốt nhiều năm liền.

Bà khuyên các con: “Tuổi còn trẻ, theo ngành Y, càng phải cố gắng noi gương gia đình, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân và nhiệm vụ đảng viên”. Con trai lớn Danh Chanh Đa của bà đã tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa Đại học Y - Dược Cần Thơ, hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ. Con gái út Danh Chanh Ry Gia cũng tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa và đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ.

Bà chia sẻ: “Từ khi vào Đảng (1986) đến nay, tôi luôn nhắc mình phải có ý thức gương mẫu trong công tác, lao động, giữ vai trò tiên phong đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương, đơn vị. Dù đã về hưu, tôi vẫn luôn tự hào vì bản thân là đảng viên, càng nhắc mình phải tiếp tục gương mẫu, tin vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

17-11-ba-neang-kim-cheng-trong-phien-hop-lan-thu-9-quoc-hoi-khoa-x.jpg
Bà Neáng Kim Cheng trong phiên họp lần thứ 9, Quốc hội khóa X.

Ở mỗi vị trí khác nhau, bà Neáng Kim Cheng đều có nhiều đóng góp cho xã hội. Do vậy, từ năm 1997 đến năm 2007, bà được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội 2 khóa liên tục (khóa X, XI). Trên cương vị là người đại biểu của nhân dân, bà đã có nhiều ý kiến xác đáng kiến nghị với Quốc hội liên quan đến chế độ, chính sách về giáo dục - đào tạo, bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người Khmer nói riêng …

Thắp lửa đam mê- giúp học sinh nghèo vượt khó

Tri Tôn là huyện miền núi, biên giới, đa tôn giáo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 37% dân số toàn huyện. Huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, trình độ mặt bằng dân trí thấp, một bộ phận cha mẹ học sinh do hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện toàn tâm, toàn ý chăm lo cho con, em mình học hành đầy đủ. Tỷ lệ học sinh của huyện bỏ học còn cao hơn so với các nơi khác trên địa bàn tỉnh An Giang.

17-11-23-ba-neang-kim-cheng-ao-den-cung-nha-tai-tro-trao-hoc-bong-cho-hoc-sinh.jpg
Bà Neang Kim Cheng (áo đen) cùng nhà tài trợ trao học bổng cho học sinh nghèo tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc Nội trú An Giang

Suốt thời gian công tác 25 năm trên cương vị Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tri Tôn và kể cả khi đã về hưu, bà Neáng Kim Cheng chứng kiến rất nhiều học trò có hoàn cảnh khổ cực phải bỏ học, mưu sinh cùng gia đình. Đảm nhận chức Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Tri Tôn, bà Neáng Kim Cheng rất chú trọng việc thắp lửa đam mê học tập và chăm lo cho học sinh nghèo vượt khó.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm hàng ngày, góp phần giáo dục cảm xúc cho các em học sinh, đồng thời tạo ra nguồn nội lực quan trọng cho hoạt động khuyến học ở cơ sở, bà Neáng Kim Cheng đã cùng Hội Khuyến học huyện Tri Tôn có sáng kiến thực hiện phong trào “Nuôi heo đất” – một hình thức tiết kiệm của học sinh trong các trường học trên địa bàn.

Ý nghĩa của phong trào này là tinh thần chia sẻ, giúp đỡ bạn bè vượt qua khó khăn, cùng nhau vững bước trên con đường chinh phục con chữ. Học sinh các lớp dùng tiền tiết kiệm của bản thân tự nguyện cho heo ăn. Số tiền tiết kiệm thu được dành để giúp đỡ các bạn học sinh cùng lớp, cùng trường có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được theo đuổi nghiệp học.

Kết quả phong trào ''Nuôi heo đất'' tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông năm 2017-2018 là trên 166 triệu đồng; năm 2018-2019 là trên 249 triệu đồng; học kỳ 1 năm 2019-2020 là gần 153 triệu đồng.

Trong điều kiện, tình hình nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn, nhưng Hội Khuyến học huyện Tri Tôn đã có sự linh hoạt và sáng tạo trong công tác vận động xây dựng Quỹ Khuyến học đạt hiệu quả. Quỹ Khuyến học được sử dụng vào mục đích cấp học bổng khuyến học, khuyến tài cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi, xuất sắc; cấp phát quà “Tiếp bước đến trường” cho học sinh là con em thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhằm tạo thuận lợi để các em được đến trường lớp học tập nâng cao trình độ học vấn.

Tính đến tháng 9 năm 2023, các cấp Hội đã huy động được nguồn quỹ là 7.142.106.500 đồng bao gồm tiền mặt và quà quy ra tiền cho 20.984 suất học bổng khuyến học - khuyến tài và quà tiếp bước đến trường.

Mong muốn các em tiếp tục được học tập nâng cao trình độ, bà Neáng Kim Cheng đã cùng Hội Khuyến học phát động phong trào xây dựng và phát triển gia đình học tập. Nhờ sự đồng thuận của cộng đồng, số lượng các gia đình đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (GĐHT) tăng lên. Từ năm 2017 chỉ có 7.166 GĐHT, cho đến nay đã phát triển được 23.882 hội viên mới, 15.923 GĐHT, 48 dòng học học tập.

Với tinh thần nhiệt huyết đầy đam mê trong công việc và có nhiều cống hiến trong sự nghiệp phát triển cộng đồng, bà Neáng Kim Cheng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A (2015 - 2019). Đó là sáng kiến trong hoạt động Hội Khuyến học đạt hiệu quả về công tác phát triển tổ chức cũng như huy động các nguồn quỹ Khuyến học để thực hiện nhiệm vụ Khuyến học, Khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Các cuộc thi do lãnh đạo huyện phát động cùng các Ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức Hội đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Khuyến học huyện Tri Tôn. Ở vị trí nào, bà Neáng Kim Cheng cũng đều nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, khắc phục mọi khó khăn để giúp cộng đồng vươn lên.

Những nỗ lực của bà được chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương ghi nhận. Năm 2009, bà Neáng Kim Cheng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cùng nhiều bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang…. Bà Neáng Kim Cheng cũng vinh dự được nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng năm 2016.

Là một tấm gương tiêu biểu có nhiều thành tích đóng góp xuất sắc trong sự phát triển cộng đồng và xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà Neáng Kim Cheng được tín nhiệm bầu đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II năm 2020. Bà chia sẻ: “Dù ở cương vị nào, tôi cũng luôn nỗ lực phấn đấu với cả tinh thần trách nhiệm, để thắp lửa đam mê cho học trò nghèo vượt khó. Tiếp sức cho học sinh nghèo có thêm điều kiện đến trường

Suốt một đời làm việc và cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục ở địa phương, dù ở cương vị nào, bà Neáng Kim Cheng cũng làm việc hết mình bằng cả tấm lòng cho học sinh thân yêu. Những cống hiến của bà đã làm đẹp thêm hình ảnh nhà giáo mẫu mực, nhiệt huyết. Bà Neáng Kim Cheng xứng đáng là tấm gương điển hình của ngành giáo dục huyện Tri Tôn, để các thế hệ giáo viên, học sinh nơi đây noi theo.

Thúy Hạnh