Phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy du lịch ở vùng đồng bào DTTS
Huyện Chư Păh là cửa ngõ quan trọng thuộc hành lang kinh tế phía Bắc của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có 26 dân tộc sống cư trú với số dân là 78.499 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 43.252 người, chiếm 55,09% dân số toàn huyện.
Theo Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Chư Păh đã xây dựng Đề án: “ Đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ Du lịch huyện Chư Păh giai đoạn 2021 – 2025” góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế địa phương; tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành trong quá trình phát triển kinh tế. Qua đó giúp tăng cường hợp tác, liên kết du lịch nói riêng và kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung giữa các địa bàn trong tỉnh Gia Lai và Tây Nguyên. Đồng thời, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Chư Păh có rất nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với nhiều cảnh quan, thắng cảnh đẹp, khí hậu trong lành, tài nguyên rừng và hệ động thực vật đa dạng, phong phú như: Núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya); hàng thông, Biển Hồ chè (xã Nghĩa Hưng), nhất là hàng thông “trăm tuổi” này được nhiều bạn trẻ yêu mến vẻ đẹp lãng mạn gọi bằng cái tên “con đường Hàn Quốc”; thác Công chúa (Làng Kép, xã Ia Mơ Nông); hồ Tân Sơn (thuộc địa bàn xã Nghĩa Hưng); núi Chư Nâm (xã Chư Đang Ya, xã Nghĩa Hưng); thuỷ điện Ya Ly (thị trấn Ia Ly). Đây là lợi thế để Chư Păh đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, tháng 8 năm 2023, tỉnh có khoảng 75.000 khách tham quan, du lịch đến tỉnh. Trong đó: Khách quốc tế là 900 lượt, khách nội địa 74.100 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 55 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 tổng lượt khách tham quan, du lịch đến tỉnh ước đạt 765.000 lượt, tăng 27,5%. Trong đó, khách quốc tế 5.100 lượt, khách nội địa 759.900 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 502 tỷ đồng, tăng 30,4%. (Riêng trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc Khánh, tổng lượt khách tham quan du lịch đến Gia Lai ước đạt 44.800 lượt, tăng 61% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 14,5 tỷ, tăng 65%).
Bên cạnh đó, còn có tài nguyên du lịch văn hóa, di tích lịch sử đa dạng với “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các lễ hội đặc sắc, làng nghề truyền thống và các loại hình văn hóa đặc trưng của người Jrai như: Làng Phung, làng Kép (xã Ia Mơ Nông) và các sản phẩm thổ cẩm mang nét đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên; nhà Rông (xã Hà Tây), không chỉ là nơi linh thiêng, là biểu tượng sức mạnh, mà nơi đây còn biểu trưng cho tinh thần cộng đồng và tình đoàn kết của cả đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống; tịnh xã Ngọc Như (thị trấn Phú Hòa); nhà thờ H'Bâu (dưới chân núi lửa Chư Đang Ya, xã Chư Đang Ya); chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng), kiến trúc chùa Bửu Minh là sự tái tạo và phát triển có chọn lọc những giá trị văn hóa vật thể, góp phần điểm tô và khắc họa phong phú vào quần thể kiến trúc tôn giáo tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Huyện Chư Păh hiện còn một số nghệ nhân cồng chiêng, đan lát, tạc tượng và dệt thổ cẩm.
Những năm gần đây, khi các giá trị văn hóa truyền thống đang dần được khôi phục, bảo tồn và phát huy, các nghệ nhân cũng được các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm nhiều hơn nhằm giúp họ phát triển góp phần giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tại địa phương như: Dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ, đan lát truyền thống, chế tác nhạc cụ, văn hóa cồng chiêng, cuối cùng là lễ hội.
Lễ hội cũng là một loại tài nguyên du lịch văn hóa phi vật thể có khả năng thu hút rất cao đối với du khách. Thông qua lễ hội, trong chừng mực nhất định, du khách có thể hiểu được phong tục, tập quán của cư dân địa phương.
Tại huyện Chư Păh hiện vẫn còn duy trì một số lễ hội của đồng bào dân tộc Jrai với những nét văn hóa đặc sắc như: Cúng nhà rông, mừng chiến thắng, cúng giọt nước (bến nước), lễ bỏ mả... Ngoài ra, hằng năm huyện Chư Păh đều tổ chức Lễ hội hoa Dã Quỳ và núi lửa Chư Đang Ya (được tổ chức Vietkings bình chọn là điểm đến lý tưởng nhất tỉnh Gia Lai) thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn.
Có thể khẳng định văn hóa và âm nhạc cồng chiêng thể hiện tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật đỉnh cao của các tộc người ở Tây Nguyên. Đây là một lợi thế trong việc phát triển du lịch của địa phương nhằm giúp du khách trong và ngoài người có thể trải nghiệm những nét đặc sắc về văn hóa bản địa của người Jrai, Bahar. Vì thế, “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” được UNSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định công bố hơn 30 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 3 miền Bắc -Trung – Nam. Trong đó, thêm nghề dệt truyền thống của nhóm A Rap được lưu truyền và tồn tại đến ngày nay.
Tại Lễ Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai vào tháng 11/2023, với chủ đề “Gia Lai – Những sắc màu văn hóa”, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trương Hải Long cho biết: ''Cồng chiêng được coi là tài sản quý giá, là bản sắc văn hóa riêng của mỗi tộc người Tây Nguyên, là biểu trưng cho sự linh thiêng, quyền lực và sự giàu có của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Với sự cổ vũ, động viên của lãnh đạo các cấp, nhân sĩ trí thức, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là niềm đam mê của các nghệ nhân cồng chiêng. Tôi tin tưởng rằng, trong những ngày diễn ra Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên tại Gia Lai năm 2023, tiếng cồng, tiếng chiêng của các dân tộc trong tỉnh, hòa cùng tiếng cồng chiêng của bạn bè các tỉnh Tây Nguyên sẽ ngân vang, bay xa không những trên lãnh thổ Việt Nam mà còn vượt qua biên giới quốc gia, hội nhập với khu vực và thế giới”.
Tận dụng, phát huy những thế mạnh về thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hoá, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, cũng là một hướng đi đang được huyện Chư Păh khuyến khích.