Ưu tiên chính sách đầu tư vùng DTTS
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rõ, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Những chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm phát triển toàn diện cuộc sống bà con dân tộc thiểu số.
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII còn chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS.
Nhiều kết quả tích cực
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS. Đến nay, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã (năm 2008: 96%); 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9% (năm 2008: trên 70%); 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa...
Đời sống của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; bình quân toàn vùng đồng bào DTTS&MN giảm 2-3%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm, các huyện nghèo giảm 5-6%/năm.
Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99,35%; cấp Trung học cơ sở là 92,27%; cấp Trung học phổ thông là 63,03%. Tỷ lệ học sinh 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở là 89,46%. Công tác phổ cập giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở tiếp tục được duy trì, củng cố, là thành tựu nổi bật được ghi nhận tại nhiều diễn đàn quốc tế.
Chương trình dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, ANQP, đối ngoại… Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc, miền núi được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định.
Công tác dân tộc đã phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước.
Hiện có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 2006-2012, tu bổ, tôn tạo 1.280 di tích vùng đồng bào DTTS&MN. Giai đoạn 2016-2018, có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử-văn hóa-danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS đã được xếp hạng di tích quốc gia. Đến nay đã thực hiện được 407 dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; có 145 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia.
Ưu tiên toàn diện
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số mục tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra chưa thực hiện được. Khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng, miền chưa được thu hẹp. Tỷ lệ DTTS chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo DTTS tính trên tổng số hộ nghèo cả nước còn cao, năm 2015 là 45,25%, năm 2016 là 48,22%, năm 2017 là 52,66% và năm 2018 là 55,27%, cao hơn 3 - 4 lần so với tỷ lệ dân số DTTS và có xu hướng tăng.
Vùng đồng bào DTTS&MN cơ bản không còn hộ đói nhưng Chính phủ vẫn phải cấp hàng chục ngàn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các tỉnh có đông đồng bào DTTS. Hiện nay cả nước vẫn còn 1.551 xã đặc biệt khó khăn; 51 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã; 13.222 thôn đặc biệt khó khăn. Công tác định canh định cư chưa hoàn thành. Hiện còn hơn 24.500 hộ (phần lớn là DTTS) di cư đang sống phân tán, chưa ổn định, chưa giải quyết được vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất (khoảng 303.578 hộ thiếu đất sản xuất).
Thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng DT&MN; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS.
Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế xã hội các vùng DT&MN, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS&MN; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoà nhập phát triển cùng với đất nước.
Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động nguồn lực khác. Đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hoá, tập quán từng dân tộc.
Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao. Chú trọng phát triển liên vùng, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng. Quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các DTTS.
Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào. Đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư mới gắn với quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát. Điều chỉnh cơ chế, chính sách, định mức khoán bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào.
Phấn đấu đến năm 2030 không còn địa bàn khó khăn. Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các DTTS.
Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Có biện pháp quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Định hướng mục tiêu đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; Giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới; Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, hằng năm thu hút 3% lao động sang làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ...