Văn hóa

Lễ cúng máng nước của dân tộc Xơ Đăng

Tạ Ngọc Sơn 17/11/2023 11:53

Với quan niệm tôn giáo là thuyết đa thần nên trong suy nghĩ của phần lớn đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì mỗi cái cây, ngọn cỏ, con sông hay trái núi... đều có một vị thần cai quản. Đồng bào dân tộc Xơ Đăng cũng vậy. Điều đó thể hiện rõ nét khi dân tộc này có một nền văn hoá lâu đời, độc đáo và đầy tính nhân văn với rất nhiều lễ cúng các thần linh như lễ cúng thần nước, thần lửa, thần rừng... Trong đó đặc biệt phải kể đến lễ cúng thần nước hay còn gọi là cúng máng nước - một trong những lễ lớn và quan trọng nhất của đồng bào.

Người Xơ Đăng cư trú tập trung ở tỉnh Kon Tum và một số ít ở miền núi của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, bao gồm các nhánh khác là dân tộc Mơ Nâm, Ka Dong... Với địa bàn cư trú luôn ở trên núi cao, canh tác chủ yếu trồng lúa và trỉa bắp trên rẫy nên với cuộc sống của người Xơ Đăng thì nguồn nước tự nhiên từ suối là vô cùng quan trọng.
Người Xơ Đăng thường tổ chức nghi lễ cúng máng nước (máng nước ở đây chính là đoạn ống nước đầu nguồn dẫn nước về làng để dùng trong sinh hoạt) với mục đích để cầu xin cho nước về dồi dào, phục vụ cho cuộc sống.
Nghi lễ được tổ chức mỗi khi mới thành lập làng, hoặc tổ chức hằng năm khi bước vào thu hoạch vụ mới, chuẩn bị cho lễ mừng lúa mới.

son-konplong.jpg
Ông A Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo ông A Sơn (người dân tộc Ca Dong, là một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, chia sẻ: “Trước khi chuẩn bị cúng, dân làng lên rừng hái rau, hái nấm và đi săn bắt chuột, sóc, thú rừng để làm thức ăn cho ngày hội”.

Trước đó, già làng phân công trai tráng đi đến nguồn nước, tiến hành sửa soạn cho lễ cúng. Nơi tiến hành là là đầu nguồn nước được đồng bào dùng những đoạn ống tre, ống lồ ồ được bắc từ con suối trong vắt trong rừng kéo ra gần làng cho tiện lấy nước sinh hoạt. Khu vực này sẽ trang trí ống dẫn nước bằng các màu sắc đen, đỏ, trắng, đây là màu sắc hoa văn đặc trưng của dân tộc Xơ Đăng, trang trí lên máng nước bằng hình ảnh chim bói cá, hình con cá…

Trước khi thực hiện lễ cúng, mỗi làng sẽ chuẩn bị hai con gà trống hoặc nếu điều kiện cho phép sẽ là một con heo loại trung bình. Tất cả đàn ông trong làng đều mang lễ vật vào địa điểm lấy nước trên dòng suối. Tại đây, già làng lần lượt cắt tiết heo, gà để cho tiết chảy xuống dòng suối, sau đó đọc lời cúng

mot-le-hoi-cua-nguoi-xo-dang.jpg
Một lễ hội của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Ông A Sơn bảo, nội dung lời cúng thường bắt đầu:“Ơi Giàng! Thần sông, thần suối, thần rừng, hôm nay chọn được ngày đẹp trời dân làng cúng thần nước. Mong thần nước đem điều xấu trôi đi xa và mang những điều tốt đẹp theo nguồn nước về từng nóc nhà. Cho mọi nhà yên vui mát lành, cho mọi người mạnh khoẻ, làm ăn nhiều như dòng suối, con nước, con cháu phải biết gìn giữ nguồn nước trong sạch, dồi dào để cuộc sống luôn khỏe mạnh, ấm no… ôi Giàng….!”
Cúng xong, thầy cúng sẽ đọc tiếp lời mời: “Ôi Giàng! Sau đây xin mời hộ gia đình Y Thịnh, hộ làm ăn giỏi vào lấy nước trước có được không ? Được thì vào lấy nước trước”.

Sau khi cúng xong, từng gia đình dùng một ống nứa múc nước từ trong máng nước đã được hòa với tiết gà, heo mang về nhà nhóm bếp nấu cơm, làm cỗ để mừng máng nước cho riêng gia đình mình. Sau đó các hộ gia đình đem rượu, thức ăn đến nhà rông để mở tiệc cùng vui chung. Bữa tiệc chung này có nhiều khi trở thành bữa tiệc cộng đồng lớn nhất trong năm.

mot-ngoi-lang-cua-nguoi-xo-dang.jpg
Một làng của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Lễ cúng máng nước ngày nay đã mai một rất nhiều vì nguồn nước sạch đã được dẫn về tận nhà của người dân. Nhưng đây vẫn là một phong tục đẹp, đầy tính nhân văn nên vẫn được đồng bào Xơ Đăng ít nhiều gìn giữ, nó thể hiện sự tôn trọng với Mẹ thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sống. Đồng thời, lễ hội cũng góp phần gắn kết tình đoàn kết trong cộng đồng. Chính vì thế mà thời gian gần đây, chính quyền các địa phương có người Xơ Đăng sinh sống đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, đề án nhằm bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này!

Tạ Ngọc Sơn