Tò he - Hồn quê giữa lòng phố thị
Bằng khối óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, các nghệ nhân đã thổi hồn vào những thùng bột nếp ngũ sắc, biến chúng thành những con tò he có hồn cốt với đủ hình thù phong phú. Những món đồ chơi dân gian ấy không chỉ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ, mà còn có sức hấp dẫn rất riêng với du khách quốc tế.
Từ bao đời nay đã lưu truyền câu: “Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò” hay "Tò he mỗi cái một đồng/ Em mua một cái cho chồng em chơi/ Chồng em đánh hỏng thì thôi/Em mua cái khác em chơi một mình".
Không biết tò he có từ bao giờ nhưng với những câu đồng dao cổ, ca dao trên thì tò he là một trong những trò chơi dân gian có từ rất lâu và ngày nay ngay giữa Hà Nội, vẫn có một làng nghề truyền thống lưu giữ nét đẹp này. Đó là làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), nơi được coi là "cái nôi" sinh ra nghề nặn tò he - một nghề "độc nhất vô nhị", tính đến nay đã được gần 300 năm tuổi.
Trước đây, nặn tò he là một nét văn hoá dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm để cúng lễ nên thường có hình thù các con vật. Cũng vì thế mà tò he trước đây còn có tên gọi khác là "đồ chơi chim cò".
Các cụ ở vùng quê Xuân La kể rằng, bấy giờ còn đói nghèo, trẻ con trong vùng chỉ có vài món đồ chơi giản đơn tự tạo như con công, gà, bò, lợn, cá... từ nguyên liệu bột tẻ pha bột nếp hoặc bột dong và từ đó có tên “bánh chim cò”. Ở một số vùng quê miền Bắc, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi...
Nguyên liệu làm tò he là gạo nếp, gạo tẻ đem trộn đều, ngâm nước, sau đó đem xay hoặc giã thành bột; gạo nếp thì dễ làm và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Bột thành phẩm được nhào kỹ đến khi không dính tay rồi mới nắm thành những nắm nhỏ, đem luộc chín, quan trọng là kỹ thuật luộc bột và làm bột phải theo thời tiết. Mùa đông thì làm bột dẻo hơn mùa hè.
Qua khâu đoạn này, người nghệ nhân nặn tò he sẽ đem "đấu" màu và nặn hình. Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ nước màu có nguồn gốc thiên nhiên, từ các loại lá cây, rau củ ăn được. Chẳng hạn như màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ cây nhọ nồi, màu xanh từ lá trầu không, lá riềng. Cần phải qua nhiều công đoạn công phu, đặc biệt khâu làm bột, thì mới làm ra được sản phẩm tò he bóng mượt và màu sắc tươi đẹp. Để màu sắc tự nhiên, tươi tắn, giữ lâu vẫn đẹp, đòi hỏi kỹ thuật pha màu phải chuẩn.
Ở làng nghề truyền thống tò he Xuân La, hầu như cả làng ai cũng biết nặn tò he. Nặn tò he đã ngấm vào đất, vào nước, vào máu mỗi người dân nơi đây. Từ những cụ già 70, 80 tuổi đến những em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1, đều mang trong mình niềm say mê, hứng khởi với những “con giống bột”. Những người thợ tài hoa giờ đây không chỉ nặng những con vật truyền thống chim, cò mà còn làm ra những món đồ chơi, con vật sinh động, ngộ nghĩnh, khiến trẻ em và cả người lớn ngỡ ngàng, thích thú.
Ngày nay các nghệ nhân Xuân La đã cập nhật sở thích, thị hiếu của các khách hàng trẻ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Rất nhiều những hình tò he lạ mắt, phong phú như những nhân vật trong truyện cổ tích, truyện tranh được nặn ra như: Aladin, Người nhện, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới,...
Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ nặn tò he hết sức đơn giản, nhưng thực tế đây như một môn nghệ thuật, đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt. Công đoạn nặn tò he quan trọng là kỹ thuật luộc bột, làm bột phải ước lượng theo thời tiết. Mùa đông thì phải làm bột dẻo hơn mùa hè. Gạo phải chọn gạo nếp dẻo, nếp cái hoa vàng thì chất lượng hàng tốt và dễ làm hơn.
Tỉ mỉ với những nắm bột cùng chiếc lược trên tay, Chị Đặng Thị Luyện chia sẻ: “Lớn lên từ quê hương có nghề truyền thống nặn tò he nên những đứa trẻ làng tôi khi đó ai cũng biết làm. Tôi cũng vậy, từ nhỏ, tôi đã biết nặn tò he như một lẽ đương nhiên. Do yêu thích nên tôi gắn bó với nghề đến nay”.
Chị Luyện thường làm tò he tại các khu vui chơi, cổng trường. Đồ nghề của chị chỉ vỏn vẹn 1 tấm mút xốp để cắm tò he; 1/2 chiếc lược cũ để tạo hình, vài bịch bột màu,... ấy vậy mà với đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, chị có thể làm ra hơn 100 mẫu tò he. Mỗi con tò he, anh chỉ mất 1-2 phút để hoàn thiện. Các tác phẩm của chị không chỉ đẹp mà còn có hồn.
Nặn tò he tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Làm nghề này phải có óc tưởng tượng tốt, có hoa tay mà cao hơn nữa đó còn là tính nhẫn nại, cần mẫn và tình yêu thương con trẻ. Nặn được ra hình thù các con vật không khó, nhưng làm cho con vật có linh hồn, cảm xúc thì không phải ai cũng làm được – Chị Luyện chia sẻ thêm.
Giữa những biến thiên của thời cuộc, tò he đã từng có giai đoạn tưởng chừng mai một, cùng đó, sự bùng nổ của kinh tế thị trường đã khiến cho nguyên liệu phối màu từ thiên nhiên hiếm hơn, trong khi lớp trẻ chọn nhiều nghề có thu nhập cao để làm giàu và bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp lấn át các món đồ chơi dân gian. May mắn thay, nơi đất nghề vẫn còn những nghệ nhân thuỷ chung, họ âm thầm gìn giữ và từng bước làm hồi sinh tò he.
Không chịu khoanh tay đứng nhìn làng nghề ngày càng mai một, những nghệ nhân và những người tâm huyết với nghề tò he Xuân La luôn ý thức được giá trị văn hóa tinh thần của những con tò he, đã tìm mọi cách để khôi phục lại nghề của làng. Bằng sự nỗ lực đáng kể, hơn 20 năm trở lại đây, tò he Xuân La về cơ bản đã được phục dựng và từng bước tìm được chỗ đứng trong đồ chơi Việt. Việc Câu lạc bộ nghệ nhân tò he Xuân La ra đời cũng là bước ngoặt góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề.
Để đến gần hơn với công chúng, Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều cuộc thi nặn tò he, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thường xuyên phối hợp biểu diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, tại các lễ hội, triển lãm, đón tiếp các đoàn khách thăm quan du lịch làng nghề, liên kết giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he tại trường học giúp học sinh và sinh viên hiểu, làm quen với đồ chơi truyền thống.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho hay, làng nghề nặn tò he ở Phú Xuyên là làng nghề độc đáo với nhiều nghệ nhân có đôi "bàn tay vàng". Cả làng hiện nay có khoảng gần 500 hộ làm nghề, hàng chục người đã được phong nghệ nhân. Nghề tò he giải quyết việc làm cho hơn 1.600 lao động. Họ rất khéo léo, tỉ mỉ để đưa ra được sản phẩm đậm chất dân gian, giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Hiện sản phẩm tò he đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
"Chúng tôi mong muốn UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương… tiếp tục có những chương trình xúc tiến, quảng bá, mở thêm những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống để làng nghề tò he huyện Phú Xuyên nói riêng và làng nghề Hà Nội nói chung được nhiều người dân, du khách trong và ngoài nước biết đến", ông Xuân nhấn mạnh.
Hiện nay, những nghệ nhân làng Xuân La vẫn trực tiếp làm và truyền dạy cho con cháu những sản phẩm của làng nghề. Tuy nhiên, niềm mong mỏi lớn nhất của họ là làm sao thời gian tới làng nghề tiếp tục phát triển và những thế hệ sau luôn tự hào, coi trọng và gìn giữ.
Đồng thời nhận được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc định hướng phát triển cho làng nghề. Đặc biệt là sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra chất liệu mới để làm tò he không những đẹp mà còn bền hơn. Có như thế, làng nghề Xuân La mới phát triển hết nội lực của mình và tò he Việt Nam mới có thể bước chân vào "sân chơi" lớn hơn.