Xã hội

Phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hải Yến 17/11/2023 - 07:53

Bình Phước có 40 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với gần 204 nghìn người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1: từ năm 2022 đến năm 2025 (Chương trình), UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 270/KH-UBND thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trong công tác giáo dục, đào tạo. xem đây là giải pháp quan trọng, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

image001_ynkb.png
Bình Phước quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo cho đồng bào DTTS

Mục tiêu cụ thể về giáo dục, đào tạo bao gồm: tỷ lệ học sinh DTTS ở các cấp học: mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%; học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%; học trung học cơ sở trên 95%; học trung học phổ thông trên 80%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%. Phấn đấu 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS.

Đối với Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thuộc Chương trình, tỉnh Bình Phước đã phân công Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc, và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án; đồng thời UBND cấp huyện có liên quan chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn, kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện dự án theo định kỳ, đột xuất.

Dự án 5 bao gồm 4 tiểu dự án: Tiểu dự án 1: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông DTNT, và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; Tiểu dự án 2: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc; đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào DTTS; Tiểu dự án 3: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi; và Tiểu dự án 4: Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp.

Tổng nguồn vốn dành cho Dự án 5 là: 204.561 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 177.879 triệu đồng (nguồn đầu tư là 37.268 triệu đồng, nguồn sự nghiệp là 140.611triệu đồng) và Ngân sách địa phương: 26.682 triệu đồng (nguồn đầu tư là 5.590 triệu đồng, nguồn sự nghiệp là 21.092 triệu đồng).

Trong quá trình thực hiện các tiểu dự án trên, tỉnh Bình Phước đã tiến hành triển khai những mục tiêu cụ thể bao gồm: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông DTNT và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; Xây dựng nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa, công trình vệ sinh, nước sạch trường DTNT huyện Bù Đốp; Xây dựng bếp ăn và công trình vệ sinh cho trường TH Đăng Hà, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng;

Xây dựng công trình vệ sinh phục vụ bán trú cho trường TH Nguyễn Bá Ngọc, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng; Đầu tư cơ sở hạ tầng trường học xã Lộc Thành (xây phòng nhạc cụ dân tộc truyền thống); Thực hiện hỗ trợ tài liệu, sách giáo khoa, văn phòng phẩm tại 02 huyện Bù Đăng và Lộc Ninh; Mở lớp bổ túc văn hóa tại huyện Phú Riềng; Ban Dân tộc chủ trì tổ chức thực hiện mở lớp Bồi dưỡng kiến thức dân tộc và lớp Đào tạo tiếng dân tộc S’tiêng, Khmer;

Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm người lao động vùng DTTS và miền núi; Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú, Phú Riềng, thị xã Bình Long; Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; Thực hiện mở các lớp đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ ở các cấp tại các huyện Bù Gia Mập, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, thị xã Bình Long.

image003mzeq_trvy.jpg
Tỉnh chú trọng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là người DTTS

Trong những năm qua, để đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo cho con em đồng bào DTTS, tỉnh Bình Phước đã và đang tập trung phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú (DTNT) trên địa bàn tỉnh. Tính đến hiện tại, tỉnh có 7 trường DTNT, phân bố ở huyện Đồng Phú (01 trường THCS), huyện Đồng Xoài (01 trường THPT), huyện Bù Đăng (01 trường THCS và THPT), huyện Bù Gia Mập (01 trường THCS và THPT), huyện Bù Đốp (01 trường THCS), huyện Lộc Ninh (01 trường THCS), huyện Bình Long (01 trường THCS).

Đa số các trường đều được đầu tư xây dựng mới, trang bị đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, ký túc xá, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và ăn ở của học sinh. Tổng số học sinh DTTS hiện đang theo học ở các trường này là 2.319 em, gồm: 1.452 học sinh cấp THCS, 748 học sinh cấp THPT. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng THCS, THPT đạt trên 99%.4 tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh đầu vào của các trường phổ thông DTNT bảo đảm cơ cấu, tỷ lệ các nhóm DTTS tại chỗ và các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực từ khối trường phổ thông DTNT của tỉnh.

Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi bậc Tiểu học đến năm 2022 là 94%. Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi bậc Trung học cơ sở đến năm 2022 là 84,3%. Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi bậc Trung học phổ thông và tương đương đến năm 2022 là 94%. Tỷ lệ sinh viên DTTS học đại học, cao đẳng đến năm 2019 đạt gần 110 sinh viên/vạn dân. Tỷ lệ sinh viên DTTS được đào tạo sau đại học so với số sinh viên DTTS học đại học đến năm 2019 đạt 0,34%.

Trong 02 năm 2021, 2022 toàn tỉnh đã thực hiện đào tạo được 23.645 người, đạt 157,63% kế hoạch đề ra (15.000 người), trong đó người DTTS có bằng cấp chứng chỉ là 6.118 người, tương đương 25,87% tổng số người được đào tạo nghề; số người DTTS được giải quyết việc làm chiếm 15,95% tổng số người được giải quyết việc làm. Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non đến năm 2020 lần lượt là 5,4% và 69,7%, không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (Mục tiêu Kế hoạch số 308/KH-UBND lần lượt là 25% và 79%); đến năm 2022 là 5,2% và 64,4%.

Tỷ lệ lao động là người DTTS được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2022 là 35,92%. Nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường, đến năm 2022 là 70,84%. Góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở mức dưới 3,2%; tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn đạt trên 90%, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 là 62%, đạt 100% kế hoạch năm.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người DTTS nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào DTTS. Đẩy mạnh thực hiện thành công chính sách về giáo dục, đào tạo là một chính sách quan trọng để nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hải Yến