Văn hóa

Độc đáo tục cưới hỏi trên đỉnh Trường Sơn

Nam Hoàng 17/11/2023 05:41

Cơ Tu là một trong những dân tộc sinh sống trên dọc dãy Trường Sơn. Trong đời sống hàng ngày, dân tộc này có rất nhiều phong tục, tập quán hết sức độc đáo, trong đó có tục cưới hỏi.

Cưới vào ngày trăng tròn

Người Cơ Tu (còn gọi là người Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca-tang) là một dân tộc nói ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn-Khmer. Đến nay, người ta biết đến dân tộc Cơ Tu có nền văn hoá vật thể và phi vật thể rất đa dạng và phong phú là cơ sở để cho cộng đồng người Cơ Tu tồn tại và phát triển. Dân tộc này có dân số khoảng 75 nghìn người, cư trú chủ yếu trên dãy núi Trường Sơn, tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang (Quảng Nam) và A Lưới, Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế).

Dù sống ở vùng đất nào, Quảng Nam hay Thừa Thiên – Huế, thì cộng đồng người Cơ Tu vẫn thể hiện những nét văn hóa mang đậm dấu ấn riêng. Cùng với những lễ hội đặc sắc như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu, lễ dựng cây nêu…, tục lệ cưới xin của dân tộc này cũng hết sức độc đáo.

Theo già làng Y Kông ở xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, thì khi nam nữ Cơ Tu đến tuổi trưởng thành, họ đều có quyền tìm hiểu nhau thông qua việc đi sim (poọc su), hay qua các dịp lễ hội, lên nương. Trong quá trình đó, nam giới thường tỏ tình với nữ giới thông qua quà tặng gọi là vật kỷ niệm.

anh-bai-doc-dao-tuc-cuoi-hoi-tren-dinh-truong-son-1.jpg
Già Y Kông: “Giờ cách tổ chức lễ cưới của người Cơ Tu đã văn minh và tiết kiệm hơn xưa”

Khi chàng trai và cô gái quyết định tiến tới hôn nhân, họ sẽ nói chuyện với hai gia đình để tiến hành các thủ tục cần thiết. Đầu tiên là lễ chạm ngõ (Ganoo), phần lớn là do một “bà mối” thực hiện.

Sau khi “bà mối” đã thương lượng định được ngày hỏi vợ, ngoài trầu rượu, nhà trai còn phải chuẩn bị mang sang nhà gái những cái ché làm lễ vật. Ché này về sau sẽ thành bình chứa những đồ vật quý để dành cho vợ chồng trẻ.

Đám hỏi có hàng chục người già, trẻ cùng tham dự. Bên nhà trai thường chọn những người lớn tuổi, có kiến thức, có lý lẽ, và nhất là biết đối đáp, để đến nhà gái. Chính những người này, bằng lối hát lý, sẽ thương lượng mọi chuyện với nhà gái. Ngược lại, phía nhà gái cũng phải lo chọn những người có uy tín, có lý lẽ khôn ngoan nhất để hát lý đối đáp với phía nhà trai. Hai họ trao đổi với nhau bằng những lời hát lý như vậy quanh những ché rượu. Đây là nét đẹp văn hóa độc đáo của người Cơ Tu.

Sau lễ hỏi một thời gian là lễ cưới, hay còn gọi là lễ Bhrớ Bhiếc. Thời gian giữa lễ hỏi và lễ cưới ngắn hay dài là tùy theo hai gia đình, có khi là phụ thuộc vào già làng. Vì nếu già làng không xin phép được thần linh trong năm thì lễ cưới đành phải đợi đến năm sau.

Lễ cưới thường được tổ chức vào ngày trăng tròn, thường là mùa trồng cây sắn. Đây là loại cây cho nhiều củ, với ước nguyện đôi vợ chồng sống hòa thuận, gắn bó và sinh con khỏe mạnh.

Khác với người Kinh, sau lễ Bhrớ Bhiếc, khoảng 2 – 3 năm sau, gia đình hai bên tổ chức lễ Pa Zùm (lễ trưởng thành) cho cô dâu, chú rể. Chỉ khi tổ chức lễ này, đôi vợ chồng có thể sinh con đẻ cái và cô dâu mới được về ở hẳn bên nhà chồng.

Khi định được ngày cưới, hai bên gia đình cùng nhau chọn ra những người lớn tuổi, có kiến thức, nhất là biết đối đáp đến nhà trai để giao lưu. Với lối “nói lý, hát lý”, họ sẽ thương lượng để đi tới sự thống nhất về tổ chức lễ cưới và cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Sau bữa tiệc linh đình, trước sự chứng kiến của người dân hai thôn bản, cô dâu và chú rể sẽ nói “lời hứa hẹn” để trọn đời gắn bó.

anh-bai-doc-dao-tuc-cuoi-hoi-tren-dinh-truong-son-2.jpg
Trai gái Cơ Tu được tự do tìm hiểu, yêu đương

Cũng trong ngày cưới, bên nhà gái sẽ mang sang nhà trai những lễ vật đã chuẩn bị như cơm lam, bánh sừng trâu, cơm gạo nếp, rượu Trơ’đin,… Ngược lại, bên nhà trai sẽ chuẩn bị thịt heo, ché, chiếu...

Kết thúc buổi lễ, ngoài những thứ được dọn lên đãi tiệc, nhà trai sẽ chuyển giao tất cả lễ vật đã chuẩn bị cho nhà gái. Bên nhà gái cũng làm như vậy.

Ba năm sau ngày cưới, lễ Pa Zùm sẽ được tổ chức tại nhà gái. Mâm cỗ được chuẩn bị gồm “một đĩa xôi; một con gà; hai chén rượu Trơ’đin” được đặt trước bàn thờ. Với nghi lễ này, họ mong cầu cho đôi vợ chồng trẻ khỏe mạnh, tự làm ra được cái ăn, sanh nhiều con cái. Từ đây, người con gái chính thức về nhà chồng và được phép sinh nở.

Ngày trước, trong đám cưới của người Cơ Tu còn có tổ chức lễ hội đâm trâu. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, tục này đã được bãi bỏ nhằm hướng đến cách tổ chức lễ cưới vừa văn minh, vừa tiết kiệm. Ngoài ra, cách đây khoảng 50 năm, các gia đình giàu có thường tổ chức tục “cướp vợ”. Ngày nay, tập tục ấy cũng không còn.

“Ngủ duông” để tìm hiểu bạn đời

Không chỉ độc đáo và đặc sắc trong nghi thức cưới hỏi, mà ngay cả giai đoạn làm quen, tìm hiểu nhau của các đôi trai gái người Cơ Tu đã có rất nhiều điều đặc biệt. Cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm, khi đã xong mùa vụ, các nam thanh nữ tú có thể chọn người mình thích để đi “ngủ duông”. Đó là hình thức trai gái tìm hiểu nhau một cách công khai trong mắt làng bản, không phải giấu giếm, lén lút.

Theo luật tục Cơ Tu, con trai muốn đi duông với các cô gái thì phải mang lễ vật như hạt cườm, vòng đeo cổ, các vật dụng có giá trị trong đời sống... đến nhà gái để xin phép. Lúc bấy giờ, cha mẹ cô gái có quyền quyết định con gái mình có đi “ngủ duông” hay không. Khi cha mẹ nhận lễ vật, tức là biểu thị đồng ý thì cô gái mới được phép “đi duông” cùng với chàng trai.

Nhà “ngủ duông” thường được làm ở nương rẫy, ven suối hoặc ở bìa rừng. Chàng trai nào có điều kiện thì dựng căn nhà tương đối kiên cố có đầy đủ vật dụng không thua gì một ngôi nhà nhỏ trong làng. Nhưng cũng có nhiều chàng trai chỉ chọn cách dựng một cái chòi nhỏ làm bằng cây lá có sẵn trong rừng, chủ yếu sao che được mưa nắng và mọi người không nhìn thấy.

anh-bai-doc-dao-tuc-cuoi-hoi-tren-dinh-truong-son-3.jpg
Vợ chồng mới cưới mang cỗ mời bà con dân bản

Thường thì các chàng trai Cơ Tu thích “ngủ duông” ở những nơi cách thật xa bản làng, có thể nằm tít tận trong rừng sâu hoặc nằm sát bìa rừng. Dù chọn nơi “ngủ duông” gần hay xa, chàng trai cũng phải thông báo cho già làng biết địa điểm.

“Ngủ duông” có thể diễn ra trong 3-5 tối, thậm chí có thể kéo dài đến hàng tuần. Người con trai, sau khi ngủ duông với một cô gái, thấy không ưng cái bụng, có thể lại mang lễ đến nhà cô gái khác để xin được “ngủ duông”. Có chàng trai “ngủ duông” với rất nhiều cô gái. Và ngược lại, không ít cô gái “ngủ duông” với rất nhiều người con trai trước khi lấy chồng.

“Nói là ngủ, nhưng với “ngủ duông” không có nghĩa là đến để ngủ, mà là tâm sự, tìm hiểu. Đôi nào thật sự “tâm đầu ý hợp” thì chỉ qua một vài đêm là đi đến hôn nhân chứ không phải tốn công lên rừng “ngủ duông” đến cả tháng trời”, già Y Kông chia sẻ.

Tuy nam nữ có quyền tự do tìm hiểu nhau qua hình thức “ngủ duông”, nhưng luật tục Cơ Tu cũng quy định rất rõ ràng và rất nghiêm khắc trong việc xử lý những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi hoặc có thai trước khi cưới.

Nếu vi phạm những điều cấm kỵ này, tùy mức độ vi phạm, thường thì chàng trai bị phạt rất nặng. Làng bắt chàng trai đó phải mua một con heo trắng, xách ngược 4 chân lên trời đi đến từng nhà một trong làng xin tha tội. Đến nhà nào thì gõ cửa, đặt con heo trắng xuống, vỗ vào mông rồi kể tất cả những việc mà mình đã làm với cô gái đó, rồi xin mọi người trong làng và Giàng tha thứ. Đôi khi chàng trai phải đền bù cho nhà gái nào là ché, chiêng, đồ trang sức quý... hoặc phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác và bị cộng đồng ruồng bỏ.

Đối với người nữ, nếu xảy ra tình trạng mang thai trước khi cưới sẽ bị đuổi ra khỏi bản làng và phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc suốt đời. Chính vì những hình phạt hết sức nặng nề này đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân từ xa xưa, cho nên trai gái người Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức. Rất hiếm khi xảy ra trường hợp “ăn cơm trước kẻng”.

Từ những luật tục trên có thể thấy được người Cơ Tu từ xa xưa cho đến ngày nay luôn có nền nếp trong việc giáo dục và dạy bảo con cái. Thế nên người con trai Cơ Tu đến tuổi trưởng thành, không ai là không biết lên rừng săn bắn, xuống suối bắt cá, bàn tay biết đan gùi, đan giỏ... Những cô gái Cơ Tu đến tuổi lấy chồng phải biết nấu ăn, dệt thổ cẩm, biết hát những bài dân ca truyền thống...

Có thể nói, tục “ngủ duông” là sự hội tụ của những nét đẹp văn hóa đặc sắc trong đời sống của người Cơ Tu. Tuy nhiên, theo thời gian, phong tục này giờ chỉ còn trong tâm thức của những già làng, trưởng bản. Còn tầng lớp thanh niên hiện nay rất ít người biết đến. Dù vậy, ý nghĩa giáo dục về tôn trọng bạn đời, không quan hệ bừa bãi trước hôn nhân của người Cơ Tu vẫn còn nguyên giá trị.

Nam Hoàng