Đời sống xã hội

Độc đáo trang phục nữ dân tộc Pà Thẻn

Huyền Linh 16/11/2023 - 15:26

Dân tộc Pà Thẻn là một trong những dân tộc thiểu số rất ít người sống chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang); ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Linh Phú (Chiêm Hoá), tỉnh Tuyên Quang. Đồng bào Pà Thẻn vẫn lưu giữ được những phong tục văn hoá đặc sắc, độc đáo. Trong đó, trang phục nữ dân tộc Pà Thẻn với sắc đỏ rực rỡ luôn là điểm nhấn, tạo ấn tượng với du khách.

16-11-doan-ha-giang-trinh-dien-trang-phuc-nu-dan-toc-pa-then-thu-hai-tu-phai-sang-tai-lien-hoan-cac-lang-van-hoa-du-lich-cong-dong-6-tinh-viet-bac-nam-2023-tai-tinh-tuyen-quang..jpg
Đoàn Hà Giang trình diễn trang phục nữ dân tộc Pà Thẻn (thứ hai từ phải sang) tại Liên hoan các làng văn hoá du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc, năm 2023 tại tỉnh Tuyên Quang.

Theo người cao tuổi ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình), sở dĩ màu đỏ là màu sắc chủ đạo trên trang phục của nữ dân tộc Pà Thẻn, bởi vì nó thể hiện sự kín đáo. Mỗi bộ trang phục gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm. Điểm trên trang phục là màu trắng, tạo nên sự hài hoà về màu sắc. Những hoa văn trên trang phục thường được thêu, dệt thủ công bằng tay rất cầu kỳ, thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người con gái Pà Thẻn.

Là người đồng bào Tày về làm dâu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) chị Ma Thị Bấm, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Thượng Minh chia sẻ: Nhiều năm làm dâu của người Pà Thẻn chị đã học được cách thêu, dệt trang phục váy áo của người phụ nữ nơi đây. Điểm nổi bật nhất trên trang phục nữ Pà Thẻn đó là chiếc áo.

Áo của phụ nữ Pà Thẻn là loại áo dài nữ, xẻ ngực, không có cổ và khuy cài, thân sau rất dài nhưng thân trước chỉ ngắn đến thắt lưng và có 2 dây dài. Màu đỏ là màu chủ đạo trên áo nhưng điểm thêm các màu khác bằng cách ghép trên thân áo các mảnh vải đen, trắng vàng và các hoa văn hình học sặc sỡ được dệt sẵn khâu đáp vào.

16-11-phu-nu-pa-then-xa-hong-quang-tuyen-quang-giu-gin-nghe-det-tho-cam-truyen-thong..jpg
Phụ nữ Pà Thẻn ở Tuyên Quang giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Hoa văn trên váy, áo được thêu thủ công thường có hình con chó, con rồng, mắt cua… Theo người xưa, những hình đó gắn liền với đời sống của đồng bào Pà Thẻn. Để hoàn chỉnh một bộ trang phục mất khá nhiều công, thường từ 2-3 tháng liên tục, còn tranh thủ làm có khi mất nửa năm. Trang phục truyền thống thường được chị em mặc vào các dịp lễ, Tết, hay trong các ngày quan trọng.

Chiếc mũ đội đầu cũng là điểm nhấn của bộ nữ phục, chị em thường dùng loại khăn dài vấn đầu gồm 1 đôi, khăn trong làm bằng vải sợi bông nhuộm chàm, khăn ngoài được làm bằng vải màu đỏ dệt xen lẫn sọc trắng. Khi kết hợp với trang phục, khăn trong được quấn nhiều vòng xung quanh đầu, tạo thành một vành rộng, sau đó mới quấn khăn màu đỏ bên ngoài. Quấn xong, người phụ nữ dùng chỉ khâu đính để giữ cho khăn được chắc chắn, vì vậy có thể tháo ra khỏi đầu mà không cần quấn lại nhiều lần.

16-11-phu-nu-pa-then-xa-hong-quang-tuyen-quang-phoi-hop-to-chuc-cac-lop-day-nghe-det-theu-thu-hut-dong-dao-chi-em-tham-gia..jpg
Phụ nữ Pà Thẻn ở xã Hồng Quang phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề dệt, thêu, thu hút đông đảo chị em tham gia.

Đặc biệt, để duy trì việc làm trang phục truyền thống, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề dệt, thêu, thu hút đông đảo chị em tham gia. Chị Sìn Thị Thơm, thôn Thượng Minh, huyện Lâm Bình chia sẻ: Nhờ tham gia các lớp dạy nghề dệt, hầu hết chị em phụ nữ trong thôn đến nay có thể dệt thành thạo và tự làm trang phục cho mình. Ngoài ra, chị em còn thêu, dệt các sản phẩm phục vụ nhu cầu làm quà, tặng phẩm của khách du lịch, góp phần tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Cùng với các dân tộc thiểu số khác, trang phục nữ dân tộc Pà Thẻn có những nét đặc trưng và vẻ đẹp riêng. Đây không chỉ là văn hoá, mà còn là nét đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào Pà Thẻn luôn được gìn giữ và phát huy.

Huyền Linh