Nhà rông – Trái tim của mỗi buôn làng Tây Nguyên
Từ lâu, nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống của đồng bào. Và nó cũng được xem như là nơi chứa đựng linh hồn, “trái tim” của mỗi buôn làng.
Biểu tượng văn hóa
Cho đến ngày nay người ta vẫn chưa thể xác định rõ nguồn gốc nhà rông có từ khi nào. Chỉ biết là từ rất xa xưa nhà rông đã hiển hiện trong đời sống của người dân Tây Nguyên. Không những vậy, ngôi nhà được ví như “biểu tượng văn hóa” của cộng đồng các dân tộc trên đất bazan này còn đi vào thơ ca, hội họa và các áng sử thi được truyền từ dời này sang đời khác.
Ở Tây Nguyên, không phải dân tộc nào cũng có nhà rông, và tên gọi cũng mỗi vùng mỗi khác. Người Bar Nar, Ja Rai gọi là Rôông; người Cơ Tu miệt Tây Quảng Nam gọi là Nhà Gươl; người Tà Ôi, BRu vùng Thừa Thiên, Quảng Trị gọi là Ron, Rộn, Roong; người Xơ Đăng, Ka Dong gọi là Mrao Chuông, Mrao Tôông; người Mơ Nông, Ê Đê ở Đăk Lăk gọi là Nhà Dài…. Nhưng tên gọi chung nhất, phổ biến nhất vẫn là nhà rông.
Đồng thời, mỗi dân tộc có kiểu làm nhà rông khác nhau. Kích thước nhà rông nhỏ và thấp nhất là của người Giẻ Triêng. Nhà rông của người Xê Ðăng cao vút. Nhà rông của người Gia Rai có mái mảnh, dẹt như lưỡi rìu. Nhà rông của người Ba Na to hơn nhà Gia Rai, có đường nét mềm mại và thường có các nhà sàn xung quanh. Điểm chung của các ngôi nhà rông là được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn làng.
Nhà rông của mỗi dân tộc cũng có lối kiến trúc, tạo dáng và trang trí hoa văn khác nhau. Nhưng thường thì sàn nhà rất rộng, được thiết kế gắn liền với văn hóa quây quần uống rượu cần của đồng bào. Sàn thường được làm từ ván gỗ hay ống tre nứa đập dập, khi ghép không khít nhau mà các tấm cách nhau khoảng 1 cm. Nhờ thế mà khi người dân tập trung ăn uống, nước không bị chảy lênh láng ra sàn. Mặt khác, kiểu sàn này giúp cho việc vệ sinh nhà dễ dàng hơn.
Chiều dài của mỗi ngôi nhà rông thường khoảng chừng 10m, rộng 4 – 6 m, cao 15 – 16m, nóc nhà có 2 mái được lợp bằng cỏ tranh hay lá. Sàn nhà được ghép bằng những tấm ván gỗ hay lồ ô, 2 đầu nhà đặt 2 bếp lửa để sưởi ấm vào những ngày đông và để tổ chức lễ hội. Hai bên vách được đan bằng tre, nứa, lồ ô, tạo nên một dải hoa văn rất độc đáo và lạ mắt. Cửa chính được mở ở giữa một vách chính, cửa phụ được mở ở hông bên phải của cửa chính.
Cầu thang thường có 7 đến 9 bậc, tuy nhiên mỗi dân tộc lại có trang trí khác nhau. Trên thành và cột của cầu thang, người Gia Rai hay tạc hình quả bầu đựng nước, người Bana khắc hình ngọn cây rau dớn, còn người Giẻ Triêng, Xơ Đăng thường đẽo hình núm chiêng hoặc mũi thuyền.
Nếu như mái đình miền xuôi gắn liền với hình ảnh cây đa, thì nhà rông Tây Nguyên có cây nêu. Cây nêu được trang trí nhiều họa tiết, đặt ở phía trước sân chính giữa của ngôi nhà rông để phục vụ các lễ hội lớn của buôn làng. Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, cây nêu là nơi hội tụ các vị thần linh. Ở từng lễ hội, cây nêu mang một hình ảnh biểu tượng khác nhau như cây nêu trong lễ đâm trâu có 4 nhánh, lễ mừng lúa mới cây nêu chỉ có 1 nhánh...
Tuy có thể khác nhau về tên gọi, hình dáng, kích thước hay hoa văn, họa tiết, song có một điểm chung là nhà rông luôn có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào. Bởi họ quan niệm rằng nhà rông là nơi thu hút khí thiêng của đất trời để bảo trợ cho dân làng. Do đó trong mỗi nhà rông đều có một nơi trang trọng để thờ các vật được người dân cho là thần linh trú ngụ như con dao, hòn đá, sừng trâu... Ngoài ra, nơi này còn như một bảo tàng lưu giữ các hiện vật truyền thống gắn liền với lịch sử hình thành buôn làng như cồng chiêng, trống, vũ khí, đầu các con vật hiến sinh trong ngày lễ.
Trong ngôi nhà rông, diễn ra hầu hết các sinh hoạt mang tính cộng đồng, như Hội đồng Già làng hội họp và đưa ra những quyết định liên quan đến vận mệnh của cả cộng đồng; đưa ra những phán quyết theo luật tục. Đây cũng là nơi tổ chức các lễ hội, sinh hoạt vui chơi giải trí. Đêm đêm, bên ánh lửa bập bùng, những người già thường trao truyền các bản Khan, Hơ Mon, Hơ Ri (trường ca, sử thi) cho con cháu.
Trăn trở bảo tồn
“Việc xây dựng nhà rông thường được các già làng và những người lớn tuổi trong làng lựa chọn sao cho có vị trí quan trọng nhất, thường được chọn ở ngay chính giữa làng và được xây dựng đầu tiên. Sau đó, người dân mới dựng nhà ở xung quanh và mặt của nhà thường hướng về phía nhà Rông. Đây là kiến trúc làng cổ mà hiện nay rất ít làng còn lưu giữ”, già A Biu, dân tộc Ba Na ở làng Plei Klech, xã Ngọk Bay, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, chia sẻ.
Còn già A Xép, dân tộc Ba Na, ở làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum, cho biết thêm, mỗi khi phải chuyển buôn đến một vùng đất khác hoặc do buôn đông người quá không có đất đủ sinh sống phải tách buôn, thì già làng và mọi người đi tìm nơi mới. Khi đã chọn được đất ở thì bắt đầu tiến hành cất nhà rông. Nếu trong thời gian xây dựng không có biến cố gì xảy ra thì coi như “Giàng đã đồng ý”. Lúc đó mọi người mới bầu già làng mới và cho chuyển nhà dân đến dựng xung quanh.
Thường thì những ngày dựng nhà rông, bà con không lên nương lên rẫy. Mỗi người đều có mong muốn được góp sức lực và của cải của mình để dựng lên mái nhà chung. Người khúc cây, người tấm ván mang góp để cho thợ đục đẽo. Những người già trong làng thì sắm vai trò “chỉ huy công trình”. Nói chung già, trẻ, trai, gái, ai cũng được phân công nhiệm vụ riêng. Vì thế khi nhà rông được dựng lên, ai cũng thấy hân hoan, hạnh phúc, bởi ở đó có một phần mồ hôi và công sức của mình.
Già Đinh Văn Drem, ở Plei Hle Ktu (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), cho biết: “Nhà rông của Plei Hle Ktu được dựng từ lâu lắm rồi, tôi không nhớ nữa. Nhưng khi ấy tôi vẫn còn là thanh niên, ngày ngày cùng mọi người đẽo, tạc các bức tượng trang trí, rồi phụ giúp thợ lợp mái tranh. Vui lắm. Trong làng ai có gì góp nấy, từ khúc gỗ, thanh nứa đến nồi nước uống phục vụ dân làng”.
Cũng theo già Drem, mỗi khi làng chuẩn bị có lễ cúng, nhà rông lại nhộn nhịp, rộn ràng bởi các già đến ngồi chẻ tre, chuốt nan làm cây nêu hay bàn cúng. Đám thanh niên thì đảm nhận những việc ít quan trọng hơn như đem bộ cồng chiêng ra lau chùi, tập luyện. Các thế hệ trong làng vì thế cứ mãi gắn kết, bền chặt.
Có một thực tế là dù một mái nhà rông có thể kiên trì, trụ vững chắc với dân làng từ vài thập kỷ đến trăm năm, song vẫn không thể chống chọi lại sự bào mòn của thời gian. Việc sửa chữa hay phục dựng gặp rất nhiều khó khăn, khi những người già – lớp người nắm bắt kinh nghiệm – dần khuất núi.
“Nhà rông sử dụng lâu thì cũng phải hư hỏng. Mỗi lần thấy có chỗ nào hỏng hóc, các già làng đều kêu gọi dân làng đóng góp công sức, của cải để tu sửa. Một góc thủng trên vách cũng phải được đan lại, ván mục phải thay thế ngay, có như vậy mới gìn giữ được lâu dài. Tiếc là mái tranh bây giờ không còn, đành phải dùng mái bằng tôn thôi”, già A K’lắc ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, chia sẻ.
Dùng vật liệu thay thế, đó cũng là cách làm của nhiều ngôi làng trên địa bàn Tây Nguyên để giữ lại dáng dấp của nhà rông truyền thống. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự việc dùng gạch và các vật liệu hiện đại đang khiến diện mạo của nhiều nhà rông mới trên địa bàn huyện trở nên khô khan, cứng nhắc và vô hồn. Bên cạnh đó, những bếp lửa trong nhiều nhà rông cũng không thường xuyên được truyền hơi ấm. Thanh niên trong các ngôi làng không còn coi sàn nhà rông là nơi ngả lưng mỗi khi đêm về như ông bà vẫn làm trước đây.
“Trước đây thanh niên cả làng vẫn thường cùng nhau ra nhà rông ngủ mỗi tối. Nhưng do trước đây nhà nào cũng nhỏ, lại đông người nên thanh niên chưa vợ đều háo hức đến nhà rông ngủ lại, nghe già làng kể chuyện. Bây giờ thì nhà nào cũng rộng rãi rồi nên ít người đến lắm”, già A K’lắc tâm sự.
Thậm chí ở nhiều buôn làng, người ta còn xây dựng nhà rông bằng bê tông, cốt thép. Dưới những mái tôn đỏ thẫm lợp trên các cột bê tông thô nhám thì dường như tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang xoay quanh ánh lửa bập bùng trong các lễ hội cũng dần lạc điệu. Bị bê tông hóa, người dân không còn gần gũi nhà Rông như xưa...
Hy vọng rằng, các cấp chính quyền, nhất là ngành văn hóa của các tỉnh thuộc Tây Nguyên tìm ra lời giải trong bài toán trùng tu, xây dựng nhà rông, để nó mãi là “nhà thiêng”, là “trái tim” của mỗi buôn làng.