Độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na
Với dân tộc Ba Na ở Kon Tum, nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời. Sản phẩm thổ cẩm của dân tộc này có những hoa văn trang trí với màu sắc và ý nghĩa văn hóa riêng biệt so với các dân tộc khác. Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm do các nghệ nhân dân gian Ba Na làm ra đã dần tạo được thương hiệu và sự đón nhận của đông đảo du khách gần xa.
Quy trình tạo ra sản phẩm thổ cẩm Ba Na
Dân tộc Ba Na là một trong 7 dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, gồm có 3 nhánh là Ba Na, Rơ Ngao và Jơ Lâng, sinh sống chủ yếu ở các huyện như Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và thành phố Kon Tum.
Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na đã có từ lâu, được truyền dạy từ đời này sang đời khác và duy trì cho đến ngày nay. Để làm ra sản phẩm thổ cẩm đẹp, sắc sảo đòi hỏi người nghệ nhân phải có năng khiếu, sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo cũng như sự sáng tạo.
Theo đó, các thiếu nữ Ba Na từ lúc 12 – 13 tuổi đã được ông bà, cha mẹ cho đi nương, rẫy hái bông, se sợi, dệt vải để may quần áo, chăn màn, các vật dụng bằng thổ cẩm dùng phổ biến trong đời sống thường ngày. Dệt thổ cẩm khi ấy được xem là tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, sự khéo léo của người phụ nữ, nên đa phần phụ nữ Ba Na khi xưa đều rất khéo tay trong việc đan dệt, kéo sợi.
Trong các công đoạn tạo ra sản phẩm thổ cẩm đẹp thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu là rất quan trọng. Các sợi bông sau khi thu hoạch được phơi khô, loại bỏ hết tạp chất, tiếp tục lấy kén bông để tách bông ra khỏi hạt bằng dụng cụ cán bông.
Sau khi tách bông khỏi hạt, người Ba Na sử dụng dụng cụ bật bông để làm cho bông tơi xốp, mịn màng hơn, thuận lợi khi xe thành sợi. Sau khi bông đã bật tơi xốp, người ta sử dụng dụng lông nhím vón bông thành từng cục hình trụ tròn với chiều dài khoảng 20cm, rồi tiếp tục đưa bông vào dụng cụ xa kéo sợi. Lúc này bông đã được xe thành sợi và cuộn vào thoi sợi.
Người Ba Na nhuộm sợi bằng các loại củ, cây trong tự nhiên, sau đó họ phơi sợi dưới bóng mát. Để thuận lợi trong quá trình dệt, người làm sợi tiếp tục cuộn tròn sợi như quả bóng bằng dụng cụ cuộn sợi. Trước khi đưa vào khung dệt để dệt vải thổ cẩm, người Ba Na giăng sợi trên khung theo số lượng chỉ nhất định, tương đương với khổ vải. Sau khi giăng sợi xong, đưa thảm sợi vào khung dệt để dệt vải thổ cẩm.
Nghề dệt thủ công của người Ba Na ở Kon Tum đã tạo ra những sản phẩm mang nét văn hóa độc đáo riêng có trong trang phục, không thể pha trộn với các dân tộc khác. Đặc biệt là sự sáng tạo trong cách dệt hoa văn.
Đến nay, người Ba Na ở Kon Tum vẫn duy trì cách dệt những hoa văn truyền thống đồng thời sáng tạo nên những hoa văn, màu sắc mới nhưng không làm mất đi những giá trị cũ. Trong mỗi bộ trang phục khi khoác lên người đều mang những ý nghĩa riêng. Ví dụ như trang phục để mặc khi tham gia những nghi lễ thường được dệt tỉ mỉ, màu đỏ được sử dụng nhiều hơn và hoa văn cũng sặc sỡ hơn trang phục mặc thường ngày.
Công nhận nghề dệt là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Không chỉ tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, những sản phẩm dệt của người Ba Na đã tạo điều kiện phát triển kinh tế thông qua trao đổi hàng hóa giữa dân tộc Ba Na với nhau và các tộc người lân cận. Nghề dệt còn là một chuẩn mực về vẻ đẹp để đánh giá giá trị của người phụ nữ Ba Na, thể hiện sự tinh tế, tài hoa, khéo léo và tính thẩm mỹ của người dệt, là điểm nhấn để các chàng trai Ba Na lựa chọn làm bạn đời.
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quý báu của nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã có những biện pháp tích cực, thiết thực để khuyến khích người dân duy trì và gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của nghề dệt trong cộng đồng.
Theo đó, khuyến khích người dân trồng bông, sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống trong quá trình dệt. Có chính sách hỗ trợ để cải tiến khung dệt, giúp người sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dệt, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Quảng bá sản phẩm dệt của người Ba Na gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Nghệ nhân Y Hướt (dân tộc Ba Na, ở làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) chia sẻ, kế thừa từ cha ông, từ lâu nay bà vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm như một niềm đam mê. Hiện bà vừa dệt thổ cẩm vừa truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ với mong muốn gìn giữ và bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình.
“Với dân tộc Ba Na, nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời. Sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na có những hoa văn trang trí với màu sắc và ý nghĩa văn hóa riêng biệt so với các dân tộc khác. Sản phẩm thổ cẩm được thêu dệt bởi các gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, đen phối cùng nhiều màu sắc khác nhau thể hiện mong ước của con người được hòa quyện với thần linh, đất trời”, bà Y Hướt nói.
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) cho biết: Thời gian qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự nỗ lực của cộng đồng người Ba Na trên địa bàn, nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na đã dần phục hồi và phát triển, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế.
“Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa công nhận nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Ba Na tại các huyện: Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 238/QĐ-BVHTTDL ngày 14/02/2023”, bà Thu cho biết.
Như vậy, đến nay tỉnh Kon Tum đã có tổng cộng 1 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là “Sử Thi Ba Na; Lễ hội “Ét đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) và nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na”.