Đời sống xã hội

Đồng bào Chăm Hồi giáo ở An Giang chung tay bảo vệ môi trường

Thúy Hạnh 15/11/2023 - 17:29

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng, đồng bào Chăm Hồi giáo ở An Giang đã triển khai và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường với tiêu chí: “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Là vùng đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang có nét đặc thù của một tỉnh nông nghiệp, vừa có đồng bằng, vừa có núi, vừa có đường biên tiếp giáp với Campuchia. Đồng bào dân tộc Chăm chiếm khoảng 0,59% dân số toàn tỉnh, sống quần tụ, đùm bọc lẫn nhau, tập trung theo từng xóm, làng.

15-11-phu-nu-cham-islam-giu-gin-ve-sinh-sach-se-tai-khu-dan-cu.jpg
Phụ nữ Chăm Islam giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại khu dân cư

Năm 2004, Ban Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang được thành lập. Đây là cầu nối vững chắc của chính quyền, đoàn thể với cộng đồng Chăm theo đạo Hồi (Islam). Tỉnh An Giang có 12 thánh đường, 16 tiểu thánh đường, các thánh đường và các tiểu thánh đường cũng là trung tâm văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng của cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam. Đồng thời, thánh đường được xem là một jama, một đơn vị quản lý tín đồ.

Đạo Islam giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống dân tộc Chăm Islam. Hầu như, mọi quy định trong lối sống cộng đồng đều bị chi phối bởi giáo lý. Giáo luật Islam giải thích rõ vai trò của môi trường là một trong những yếu tố quan trọng nhất của vũ trụ. Nếu không có những tán cây, các lưu vực cấp nước sẽ bị giảm bớt. Nếu không có khả năng của rừng hấp thụ khí cabonic trong khí quyển sẽ bị giảm. Nếu không có không khí trong sạch, sức khỏe và sự sinh tồn của các vạn vật sẽ bị đe dọa bởi các chất ô nhiễm.

15-11.jpg
Các thánh đường đều có quy ước làm vệ sinh vào thứ 6 hàng tuần

Hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường (BVMT) và biến đổi khí hậu (BĐKH), các thánh đường đều có quy ước làm vệ sinh vào thứ 6. Thứ 6 là ngày quan trọng của các tín đồ Hồi giáo. Ngày này, các tín đồ nam giới từ trẻ em đến người già đều phải hành lễ tại thánh đường.

Mỗi lần đi lễ ở thánh đường, sau phần đọc kinh cầu nguyện, giáo cả hoặc phó giáo cả khuyên dạy các điều hay, các chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường. Để cho cuộc sống tốt đẹp, các tín đồ ở gần thánh đường không được đi phương tiện đến, các vị trí lấy nước đều có dán dòng chữ ‘không được lãng phí nước”. Khi hành lễ, mở thông thoáng các cửa sổ, không bật đèn, không bật quạt và máy lạnh. Nhất là cấm hút thuốc lá tại thánh đường.

Ông Sahot Hamid, thành viên ban quản trị thánh đường Nei Man cho biết: “Các vị chức sắc, chức việc ở thánh đường thường xuyên phối hợp với nhau để tuyên truyền, vận động nâng cao dân sinh, dân trí cho người dân. Tại đây, nghe đạo lý và những chính sách của Đảng và Nhà nước được lồng ghép trong các bài giảng đạo. Đặc biệt là phong trào “Ngày thứ 6 xanh”. Sau khi hành lễ, các vị giáo cả sẽ đưa ra vấn đề BVMT và BĐKH. Đây không phải là vấn đề của riêng ai hay của riêng tổ chức tôn giáo nào, mà nó là vấn đề toàn cầu, nơi ta ở, ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta”.

Bằng những hành đông thiết thực, nhiều mô hình đã được triển khai như mô hình “xả chay xanh” trong tháng Ramadan. Các tín đồ đầu tư sử dụng chén, đĩa có thể phân hủy, tái sử dụng hoặc mang từ nhà. Đặc biệt, để các tín đồ sử dụng đúng cách, tất cả các thánh đường đều có 2 thùng rác lớn với dòng chữ hướng dẫn phân loại “rác tái chế” và “rác không tái chế”.

Chị em phụ nữ cũng dần có ý thức tiết kiệm, tránh lãng phí trong sử dụng thực phẩm trong tháng Ramadan, đồng thời chỉ sử dụng giỏ nhựa hay túi vải đi chợ. Mỗi thánh đường và các hộ gia đình đều có ký kết với xe rác công cộng để lấy rác nên tránh được việc xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch như trước.

Có được thành công này là nhờ các ban ngành, và đại diện các thánh đường, từ đó người dân thay đổi nhận thức, có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Lúc trước, người ta không biết nên vứt bỏ xuống sông. Bây giờ, thấy ô nhiễm môi trường, xe rác qua lấy, trước cửa nhà cũng sạch sẽ hơn”, bà Ro Phi Á, người dân xã Châu Phong, thị xã Tân Châu cho biết.

Ông Mohamad, người đã sống ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong gần 60 năm cho biết: “Cộng đồng người dân tộc Chăm trước đây chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Nhờ được tuyên truyền nâng cao nhận thức và chính quyền địa phương lập ra tổ thu gom rác, người dân đã có ý thức đưa rác ra ngoài tập trung một chỗ để nhân viên thu gom rác tới mang đi”.

Còn ông Nguyễn Xuân Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, thị xã Tân Châu cho biết: “Đảng ủy, Ủy ban nhân dân tuyên truyền cho bà con về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, phối hợp cùng giáo cả, phó giáo cả tuyên truyền cho các tín đồ khi đến thánh đường làm lễ”.

Có thể nói, qua công tác tuyên truyền, đồng bào Chăm Islam đã nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương nói chung, nhiệm vụ bảo vệ môi trường nói riêng.

Thúy Hạnh