Văn hóa

Đặc sắc Lễ hội cầu mùa

T.Thành - T.Anh 15/11/2023 - 06:36

Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Trong xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác nhau xâm nhập vào đời sống xã hội đã tác động không nhỏ, thậm chí có nguy cơ phai mờ, biến dạng văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa dân tộc Khơ Mú, thời gian qua, chính quyền và nhân dân Mường Ảng đã và đang cố gắng, nỗ lực bảo tồn nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Trong đó phải kể đến việc phục dựng lại Lễ hội cầu mùa của dân tộc Khơ Mú ở bản Tọ Cuông (xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên).

Mang đậm lễ nghi nông nghiệp

Hiện nay, toàn huyện Mường Ảng có trên 1.400 người dân tộc Khơ Mú sinh sống, chủ yếu tập trung thành từng bản ở các xã như bản Cha Cuông, Tọ Cuông (Ảng Tở), bản Pá Nặm (Mường Lạn), bản Huổi Cắm (Búng Lao). Người Khơ Mú sống chủ yếu bằng kinh tế làm nương rẫy với cây lương thực chủ yếu là ngô, khoai, sắn.

Dân tộc Khơ Mú có nhiều nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu riêng. Trong quá trình phát triển của xã hội, các phong tục tập quán của họ đã bị mai một dần theo thời gian, hiện nay việc bảo tồn cũng gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, dân tộc này còn không có chữ viết riêng nên công tác lưu trữ gặp rất nhiều khó khăn. Cộng với giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến phong tục tập quán, bản sắc của dân tộc mình… thế nên việc bảo tồn và giữ gìn các nét văn hóa chủ yếu qua truyền miệng và thông qua các lễ hội.

img_5367.jpg
Ông Quàng Văn Cá là một trong những người hiếm hoi am hiểu về văn hóa của dân tộc Khơ Mú

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa dân tộc Khơ Múc, những người đam mê, gắn bó với bản sắc dân tộc đã nỗ lực, mày mò, tìm tòi sưu tầm và phục dựng lại những lễ hội truyền thống và một số bài múa dân gian của dân tộc mình. Trong đó có ông Quàng Văn Cá, một trong số ít những người hiểu biết về các lễ hội truyền thống của người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông.

Từ nhiều năm nay, ông Cá đã cùng với các cán bộ Phòng Văn hóa huyện Mường Ảnh chọn lọc những nét văn hóa phù hợp, có giá trị nhân văn và có tính giáo dục cao để lưu giữ, bảo tồn. Đặc biệt là những sinh hoạt văn hóa có tính đại chúng, hấp dẫn, thu hút được đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi tham gia. Đồng thời kiên quyết loại bỏ các hủ tục lạc hậu, gây tốn kém, lãng phí, thậm chí mang tính chất mê tín dị đoan.

Ngoài ra, ông Cá còn nỗ lực, mày mò, tìm tòi sưu tầm và dựng lại được Lễ hội cầu mùa, cầu mưa và một số bài múa dân gian như Múa chập chòe (Hưm mạy), múa tăng bu; khôi phục một số nhạc cụ và hướng dẫn thế hệ trẻ cách sử dụng, Pí, đàn môi, đàn nhị...

Ông Cá chia sẻ, từ năm 17 tuổi, ông đã theo ông và cha mình đi làm lễ cúng trong những dịp lễ hội của bản, nên cũng có hiểu biết về nghi thức và hình thức tổ chức các lễ hội truyền thống của dân tộc, đặc biệt là các bài khấn.

Theo ông Cá thì trong số các lễ hội của người Khơ Mú, Lễ hội cầu mùa đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con. Đây là một lễ hội mang đậm tính lễ nghi nông nghiệp. Và cũng là dịp để đồng bào bày tỏ sự tri ân, lòng kính ngưỡng đối với các vị Thần tối cao đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đồng thời, lễ hội này còn làm nổi bật tinh thần lao động, sự cần cù, chịu khó của người Khơ Mú.

Tôn vinh cây lúa

Lễ hội thường được tổ chức vào tháng 10 - 11 hàng năm, khi bà con vừa trải qua mùa gặt, “lúa đã đóng bồ, rơm phơi vàng ngõ”. Ngày tổ chức thường do thầy cúng lựa chọn kỹ càng. Lễ hội có 2 phần, một phần là do đàn ông làm chủ lễ và phần lễ còn lại là do đàn bà làm chủ lễ.

Đối với đàn bà làm chủ lễ thì thường diễn ra ở khu vực trồng lúa nương. Khi lúa chín, chủ nhà nhờ từ 5 – 15 người phụ nữ cùng một thầy cúng lên nương làm lễ cúng tại nương đến khi gặt lúa xong mới được về. Những người phụ nữ gặt lúa theo hình thức là tuốt hạt thóc vào bung chứ không được dùng liềm cắt. Sau khi tuốt xong thì bắt đầu mổ lợn, gà ăn mừng tại nương. Sau đó việc tuốt lúa tiếp tục diễn ra và có thể kéo dài hàng tuần.

Ngày nay, một phần vì hủ tục lạc hậu mất thời gian, tốn kém nên người dân không còn áp dụng hình thức do đàn bà làm chủ lễ, mà thường chọn đàn ông làm chủ lễ vì nhanh gọn hơn, không rườm rà và phần lễ chỉ diễn ra trong ngày.

Lễ cầu mùa do đàn ông làm chủ lễ gồm 4 phần: phần lễ cúng các vị thần, phần lễ cúng tôn vinh cây lúa, phần lễ đập lúa và phần hội (gồm các trò chơi dân gian, múa hát). Công việc chuẩn bị lễ vật dâng cúng được chuẩn bị chu đáo bao gồm gạo nếp, gà trống, bát đũa, các bung lúa, vòng cổ, vòng tay, quần áo, khăn, vải, sáp ong, cây nêu...

anh-bai-dac-sac-le-hoi-cau-mua-2.jpg
Điệu múa Chọc lỗ tra hạt của người Khơ Mú

Khi mọi lễ vật được chuẩn bị xong, sáng hôm sau thầy cúng và các thanh niên trong bản dậy sớm đồ xôi, làm thịt gà, luộc chín đặt các lễ vật và đồ lề khác lên bàn cúng (cây nêu) ở khu vực cúng (tại ruộng lúa của một gia đình trong bản). Thầy cúng mặc quần áo truyền thống (áo đen, quần đen, khen đen vấn quanh đầu) đứng trước bàn cúng đọc bài cúng với nội dung nhằm cầu cho lúa thóc được nhiều, cầu cho vụ sau mưa thuận gió hòa, thần đất, thần nương rẫy, thần sông, thần núi cho cây lúa tốt tươi, bông to, hạt mẩy, muông thú không phá hoại...

Đọc lời khấn xong, thầy cúng tung thanh âm dương (khuổng hai) 2 lần. Nếu thanh cúng cùng úp hoặc cùng ngửa thì các thần đã phù hộ cho dân bản theo ý muốn. Tiếp đó thầy cúng cùng các thanh niên và bà con trong bản ra khu vực đống lúa, thầy cúng đập “làm phép” một bó còn lại cho mọi người đập và mang thóc về nhà.

Sau khi mang thóc về nhà, mọi người cùng nhau liên hoan mừng cho một vụ mùa bội thu. Thầy cúng sẽ đánh hồi trống để “khai mạc” cho phần hội. Đó cũng là lúc mọi người bắt đầu tham gia các điệu múa, trò chơi dân gian truyền thống như tung còn, kéo co, đẩy gậy...

Bài toán bảo tồn

Ông Lò Văn Mau, người uy tín của bản Tọ Cuông năm nay ngoài 70 tuổi cho biết: “Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua nhờ được sự đầu tư, quan tâm đúng mực mà nhiều lễ hội truyền thống của người Khơ Mú được phục dựng lại như Lễ hội Xên bản, cầu mưa, cầu mùa...

Ngoài ra, còn một số lễ tổ chức theo quy mô hộ gia đình như Lễ tra hạt, mừng cơm mới... Những người già như chúng tôi thấy lễ hội truyền thống của dân tộc mình được phục dựng lại và được lưu truyền cho con cháu đời sau chúng tôi thấy rất vui mừng phấn khởi”.

Cũng theo ông Mau thì ngày nay do sự phát triển của công nghệ thông tin, những người hiểu biết và quan tâm đến văn hóa dân tộc không nhiều. Ngay cả những người già trong bản như ông cũng không thể nhớ hết được các bài cúng từ xưa do tổ tiên truyền lại. Đây là điều mà ông lo lắng. Bởi nếu giới trẻ thờ ơ thì sau này không còn có ai duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay trong bản Tọ Cuông, ngoài ông và ông Cá ra thì chưa ai có thể đứng trủ trì trong các công việc lễ hội, cưới hỏi ma chay trong bản...

anh-bai-dac-sac-le-hoi-cau-mua-3.jpg
Vui văn nghệ trong Lễ hội cầu mùa

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc được coi là mục tiêu cấp bách, quan trọng hàng đầu, nhằm bảo vệ nền văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập, tạo cho lớp trẻ có sức đề kháng trước sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì để tiếp tục phát huy, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình, người Khơ Mú nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung thì cần phải bắt đầu từ chính mỗi dân tộc.

Bởi với tình yêu, sự trân trọng, tự hào về truyền thống của dân tộc mình sẽ tạo động lực cho các thế hệ lưu giữ, nuôi dưỡng và phát triển trong cộng đồng. Đặc biệt là cần truyền lửa cho thế hệ trẻ, vì chính họ là cốt lõi để các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc trường tồn và phát triển.

Các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống cũng cần thành lập các đội văn hóa, văn nghệ liên thế hệ của thôn bản, của xã để tăng cường tập luyện các bài hát, bài múa truyền thống của dân tộc... Tăng cường phối kết hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể các cấp tuyên truyền, giáo dục cho dân bản hiểu tầm quan trọng, mục đích ý nghĩa của việc bảo tồn nét văn hóa dân tộc, nhất là đối tượng thanh niên cần phải biết quý trọng và phát huy nét tinh hoa văn hóa của dân tộc mình. Có như thế thì mạch văn hóa truyền thống mới không bị đứt gãy.

T.Thành - T.Anh