Đời sống xã hội

Lâm Đồng: Ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ái Vân 15/11/2023 - 04:39

Ứng dụng khoa học công nghệ cao là một mục tiêu quan trọng của Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/10/2015.

Trong đó tập trung ưu tiên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hoá, tạo sinh kế cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

14-11-anh-ya-than-xa-ka-don-dang-cham-soc-dan-bo-thuong-pham-cua-gia-dinh.jpg
Anh Ya Than, xã Ka Đơn đang chăm sóc đàn bò thương phẩm của gia đình

Tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo xã xác định ngành nông nghiệp là nội dung quan trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, xã Ka Đơn đã gắn chương trình xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt phát triển ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, từ đó tăng năng suất cây trồng trên cùng một diện tích đơn vị.

Hiện nay, diện tích trồng rau thương phẩm trên địa bàn xã Ka Đơn là trên 1.377 ha, trong đó có hơn 300 ha diện tích trồng rau trong nhà lưới, 420 ha rau tưới nhỏ giọt, 11 ha diện tích trồng rau trong nhà kính và hơn 700 ha phủ bạc.

Gia đình anh Ya Than, thôn Ka Rái 1, là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mạnh dạn tiên phong phát triển trồng rau công nghệ cao. Hai năm nay, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình anh đầu tư gần 1,5 ha nhà lưới trồng cà chua, ớt sừng… Vụ ớt sừng năm nay, gia đình anh thu được 15 tấn, thu về khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài trồng rau thương phẩm, anh Ya Than còn phát triển chăn nuôi bò vỗ béo, mỗi năm anh đầu tư từ 8 đến 10 con bò lai. Sau gần một năm nuôi, trung bình mỗi con anh bán từ 55 đến 60 triệu đồng/con, lãi khoảng 15 đến 20 triệu đồng/con.

Anh Ya Than chia sẻ, từ khi chuyển sang trồng rau trong nhà lưới, kinh tế mang lại cao hơn rất nhiều lần so với trồng ngoài trời, trồng rau trong nhà lưới tránh được thời tiết nắng mưa thất thường, không như trồng ngoài trời như trước kia. Mặc dù ban đầu, vốn đầu tư cao nhưng năng suất, chất lượng, sản lượng đều tăng cao. Nhờ đó mà bà con nông dân chúng tôi làm nông nghiệp không mất công chăm sóc, hiệu quả lại đạt cao hơn rất nhiều.

Ông Dương Văn Chí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng nói, những năm qua, Hội Nông dân xã Ka Đơn đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông, Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về phát triển rau thương phẩm công nghiệp cao cho bà con trên địa bàn xã. Đặc biệt, bà con dân tộc thiểu số áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng thông minh khá nhiều, đều thu được kết quả tốt, năng suất chất lượng đều được nâng lên.

Gia đình anh Ya Đa, thôn Ka Đơn có gần 2 ha đất nông nghiệp, từ trước tới giờ anh chỉ tập trung trồng lúa nước, nên chỉ đủ ăn, không có tích luỹ. Nhờ chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, anh tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rau thương phẩm, được đi tham quan các mô hình tiêu biểu, hiệu quả ở các địa phương khác.

Sau thời gian học hỏi, tìm tòi anh cũng nắm được một chút kỹ thuật, kỹ năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, áp dụng, phát triển nông nghiệp cho gia đình mình. Ban đầu anh chỉ đầu tư vài sào để trồng hành tây, xà lách, cà chua… khi đã có thu nhập ổn định, anh đầu tư toàn bộ diện tích trồng hết rau thương phẩm.

anh-ya-than-01-11.jpg
Vườn rau của anh Ya Đa

Hiện tại, với gần 2 ha đất trồng rau thương phẩm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh từ 30 đến 50 triệu đồng/vụ.

Anh Ya Đa cho biết: ''Từ khi gia đình tôi chuyển sang trồng rau thương phẩm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, gia đình tôi có thu nhập ổn định, ngoài ra được chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng máy móc tiên tiến giúp tôi không mất nhiều công chăm sóc, đầu tư ít vốn, hiệu quả cao hơn''.

Xác định ngành nông nghiệp là mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương, chiếm đến 60% trong các thành phần kinh tế. Đến nay, kinh tế nông nghiệp của xã Ka Đơn được phát triển, chuyển dịch theo hướng thông minh, nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất chất lượng cây trồng tăng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng/người/năm.

Ông Trần Thiện Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cho hay: Để thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, hàng năm xã Ka Đơn đã xây dựng kế hoạch để phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến cáo bà con trồng những cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất để tăng năng suất chất lượng cây trồng, từ đó diện tích cây trồng tăng lên rõ rệt, nhất là diện tích trồng rau thương phẩm được phát triển mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm gần đây.

Từ những kết quả đạt được trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Đảng bộ, chính quyền xã Ka Đơn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân phát triển thêm diện tích để trồng rau thương phẩm theo hướng công nghệ cao.

Để thực hiện tốt những chương trình đề ra, xã Ka Đơn tăng cường mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, tìm những cây trồng chất lượng, giá trị kinh tế cao để người dân đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã cũng vận dụng những cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tìm hướng liên kết với các công ty, doanh nghiệp tìm hướng bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra nông sản cho bà con.

Ái Vân