Phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở Đắk Lắk
Những năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Đắk Lắk đã trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền vận động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương. Họ đã và đang phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Đắk Lắk là tỉnh có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã phát triển rất nhanh và đạt được những thành tựu quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.
Có được những kết quả đó là do trong thời gian vừa qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách dành cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) Đắk Lắk có tuyến biên giới trải dài từ huyện Buôn Đôn tới huyện Ea Súp. Đây là địa bàn có ý nghĩa hết sức quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa và chiến lược về quốc phòng - an ninh. Theo thống kê, vùng đồng bào DTTS này có khoảng 20 người có uy tín, già làng, trưởng bản.
Đối với vùng đồng bào DTTS ở Đắk Lắk, hình ảnh già làng, người có uy tín luôn hiện hữu như những trụ cột giữa cộng đồng, thể hiện sự quan trọng và tôn trọng đối với truyền thống và giá trị của đồng bào DTTS trong khu vực. Họ nói buôn làng nghe, họ làm buôn làng tin tưởng làm theo. Họ như những cánh chim đầu đàn, dẫn dắt người dân buôn làng vượt qua mọi thử thách, luôn vững tin theo Đảng, Nhà nước.
Họ được xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, đóng vai trò quan trọng làm cầu nối không thể thiếu để đưa chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đến đồng bào DTTS cũng như giúp Đảng, Nhà nước hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Theo tìm hiểu của PV báo Công lý, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn có hơn 46km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Toàn xã có 13 dân tộc anh em sinh sống với hơn 6.580 nhân khẩu. Ở đây, đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản tại địa phương có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng các dân tộc.
Già Y Mosk Hra - người có uy tín của buôn Drang Phôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) chia sẻ, làm cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn rất gian lao và vất vả, bản thân ông đã đi khắp mọi nơi ở khu rừng này. Với ông, từ những cánh rừng già, những ngọn đồi cao đến những dòng suối sâu của khu vực biên giới này ông đều nắm rõ.
Mỗi khi tham gia vào hoạt động tuần tra biên giới, già Y Mosk Hra thường tự mình làm sạch vùng cỏ xung quanh cột mốc biên giới và chụp hình với cột mốc đó rồi sử dụng nó để tuyên truyền về vấn đề bảo về đường biên giới.
“Tôi muốn sử dụng hình ảnh này để tuyên truyền và kêu gọi đồng bào tham gia tích cực cùng Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương bảo vệ biên giới của Tổ quốc”, già Y Mosk Hra nói.
Còn tại xã biên giới Ia Rvê của huyện Ea Súp, người có uy tín thực sự đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Họ cũng là lực lượng nòng cốt của các tổ hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ đồng bào dân tộc thiểu số, vận động tín đồ hoạt động tôn giáo thuần túy đúng quy định của pháp luật.
Ông Phan Mạnh Hùng - người có uy tín ở thôn 10 (xã Ia Rvê, huyện Ea Súp) là một tấm gương sáng như thế. Ông không chỉ là người luôn đi đầu trong phong trào bảo vệ an ninh, quốc phòng khu vực biên giới mà còn là người tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia các mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: các Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; Tổ tự quản an ninh trật tự thôn; Câu lạc bộ Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới; Câu lạc bộ Bảo vệ đường biên, mốc giới.
Hiện, toàn xã có 12 Tổ an ninh thôn và Tổ tự quản đường biên, mốc giới được đông đảo người dân sống ở vùng biên tham gia. Điều này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong bảo vệ chủ quyền và an ninh khu vực biên giới.
Ông Phan Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới, ông vẫn tiếp tục nỗ lực phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, các cấp chính quyền bảo vệ biên cương của Tổ quốc, giữ vững trật tự an ninh khu vực biên giới. Những nỗ lực này sẽ tiếp tục mang lại những thành tựu tích cực và góp phần vào sự phát triển ổn định của khu vực và đất nước.
Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cho biết, xã Ia Rvê là một xã biên giới, với địa bàn rộng, dân cư không tập trung và không ổn định nên người có uy tín, già làng, trưởng bản tại địa phương có ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng các dân tộc.
“Họ đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, nêu gương sáng, không quản ngại khó khăn, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào. Họ đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà'', vận động đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Họ cũng là người giúp hòa giải, xử lý tốt các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu”, ông Lâm cho biết thêm.
Đánh giá về vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cộng đồng ở khu vực biên giới, bà H Yâo Knul - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, cho biết, người có uy tín có vị trí, vai trò to lớn trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống tốt đẹp. Nhờ đó, đồng bào DTTS đã có ý thức hơn, biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, buôn làng.
Để phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai hiệu quả nhiều chính sách dành cho người có uy tín trên địa bàn như: tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các hoạt động tại địa phương,…
Những chính sách và hoạt động này không chỉ góp phần vào việc phát triển cộng đồng mà còn thúc đẩy tinh thần tự giác và trách nhiệm của những người có uy tín, tạo ra một môi trường tích cực và hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của địa phương.