Ấn tượng bản du lịch “suối có vàng”
Đến với bản du lịch cộng đồng của người Mông “suối có vàng” ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước không gian núi rừng trong lành, nguyên sơ và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh thủy mặc.
Bản “suối có vàng”
Những ngày giữa tháng 11/2023, chúng tôi có dịp trở lại bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Bản là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.
Cũng như tất cả các bản Mông khác, Sin Suối Hồ nằm trên núi cao, khoảng 1.500 mét so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, có hệ thống sinh cảnh đa dạng và phong phú, con người thân thiện mến khách.
Sin Suối Hồ cách trung tâm thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) khoảng 30km. Chúng tôi đi qua các cung đường uốn lượn quanh co, hai bên là những thửa ruộng bậc thang trải dài lưng chừng núi tuyệt đẹp.
Có mặt tại bản Sin Suối Hồ, chúng tôi ấn tượng những ngôi nhà gỗ thấp truyền thống của đồng bào Mông, mô hình homestay,… với chiếc cổng được trang trí từ vật dụng trong lao động sản xuất thường ngày, nhìn rất bắt mắt mà không nơi nào có được.
Dưới tán cây cổ thụ tỏa bóng mát là các con đường bê tông được bà con vệ sinh sạch sẽ, nổi bật với hàng trăm giỏ hoa địa lan được sắp xếp ngay ngắn dọc theo hai bên.
Đến Sin Suối Hồ, ai cũng cảm nhận được tin thần trách nhiệm bảo vệ môi trường của bà con nơi đây, minh chứng là hộ dân nào cũng làm chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, dọc khắp ngả đường trong bản có rất nhiều giỏ đựng rác bằng mây, tre với dòng chữ “Tôi xin rác”.
Chứng kiến cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc Mông ở đây, ít ai biết được rằng cách đây hơn 10 năm, Sin Suối Hồ được biết đến là bản vùng sâu, vùng xa, biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức cũng như hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, tình hình an ninh trật tự vì thế còn nhiều phức tạp. Đặc biệt là tội phạm về ma túy.
Sau nhiều năm nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, người có uy tín trong bản, đến nay tình hình tội phạm ma túy tại Sin Suối Hồ đã giảm rõ rệt. Người dân chủ động thông tin với chính quyền để đưa người nghiện ma túy đi cai bắt buộc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng A Phùa - Bí thư Chi bộ bản Sin Suối Hồ cho biết: Các hộ dân luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật, đồng lòng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế - xã hội. Từ một bản 100% hộ nghèo, đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành một bản du lịch cộng đồng điển hình của tỉnh Lai Châu.
“Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”, bởi trong bản có dòng suối, con thác chảy quanh năm. Dòng suối xuyên rừng chảy vào bản tạo cảnh sắc thơ mộng và tinh khiết”, ông Phùa chia sẻ.
Đổi thay từ du lịch
Bản Sin Suối Hồ hiện có 148 hộ, 735 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Người dân chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng thảo quả, hoa địa lan và làm dịch vụ du lịch.
Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, năm 2015, bản được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận Khu Du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Dù mới bắt tay vào làm du lịch nhưng nơi đây đã trở thành điểm sáng về du lịch cộng đồng của tỉnh bởi cách làm bài bản, ý thức và tác phong dần chuyên nghiệp của người dân.
Đến nay, bản có 20 hộ làm dịch vụ du lịch, mỗi hộ có thể phục vụ từ 10 đến 15 khách/ngày. Đặc biệt, các “căn nhà tổ chim”, “nhà ếch”,… do bà con làm thời gian gần đây đã thu hút khá nhiều du khách trải nghiệm.
Ông Sùng A Phùa cho biết: Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ tự chỉnh trang nhà cửa, sửa chữa nhà vệ sinh, trang bị chăn gối... đạt tiêu chuẩn để đón khách. Cùng với đó, bà con chủ động nhân rộng các vườn địa lan để đón khách du lịch.
“Nhiều gia đình trong bản có mức thu nhập tăng đáng kể nhờ làm dịch vụ du lịch và bán địa lan cho du khách”, ông Phùa cho biết.
Vào thứ 7 hàng tuần, bản Sin Suối Hồ tổ chức họp phiên chợ để người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hình ảnh những cô gái, chàng trai Mông xúng xính trong trang phục truyền thống đã tô điểm cho không gian nơi đây thêm nhiều sắc màu.
Ngồi trong gian hàng bán trang phục truyền thống, chị Vàng Thị Ke (SN 1999) chia sẻ: “Trang phục truyền thống được bán với giá 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/bộ. Phụ thuộc vào lượng khách, mà thu nhập của gia đình tôi trung bình mỗi tháng khoảng 5 đến 6 triệu đồng”.
Đến tham quan tại Sin Suối Hồ, anh Vũ Đình Văn (SN 1996), du khách đến từ Thái Bình chia sẻ: “Tôi ấn tượng với không khí trong lành giữa những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt, tham quan những thác nước mát lạnh, ngắm các vườn địa lan,…
Đặc biệt, tôi rất ấn tượng khi được thưởng thức các món ăn mang hương vị độc đáo của người Mông như mèn mén, nước thảo quả, thịt treo gác bếp tại bản Sin Suối Hồ”.