“Bức tường thành” nơi phên giậu
Hàng bao năm nay, chuyện “giữ đất” ở vùng biên ải Cốc Pàng có thể coi là một khúc ca bi tráng của lớp lớp thế hệ con dân đất Việt. Họ đã và đang sinh sống nơi núi cao vực sâu, bom mìn chiến tranh còn giăng mắc trong lòng đất, để tạo nên thế trận lòng dân, “bức tường thành” vững chắc nơi phên giậu của Tổ quốc.
Cam khó miền rừng
Khi chưa đến, Cốc Pàng (Bảo Lạc, Cao Bằng) trong tôi là một vùng đất mà trước đây, nói một cách văn hoa thì “cái cây rừng nếu có chân thì nó cũng bỏ mà đi”. Những tên xã, tên bản chỉ nghe đã đủ gợi lên toàn hình dung hoang vắng: Cốc Sâu, Khuổi Đẳm, Khuổi Tẳng, Khuổi Sá, Nà Nộc, Nà Cam, Nà Luông, Nà Mìa, Nà Nhùng, Nà Rại, Vằng Có..., nơi khe suối nhiều hơn bước chân người.
Đường lên Cốc Pàng xa thăm thẳm, toàn những dốc, những đèo nối tiếp nhau. Nhìn từ trên cao, bản làng Cốc Pàng ẩn khuất trong núi, trong mây và lẫn trong màu xanh ngằn ngặt của rừng. Mỗi thớ đất, màu cây ở vùng đất này đều chứa đựng bao huyền tích xa xưa, từ thủa “ông Đùng bà Đà” nở ra trăm trứng từ trái bầu khô, từ điệu Khắp dẫn hồn con cháu đi tìm tiên tổ, từ những câu Sli, câu lượn phong tình…
Nằm giữa lưng chừng núi, Đồn Biên phòng Cốc Pàng hứng trọn bốn mùa gió cả. Mùa mưa, nước chạy vòng quanh, không khí sũng nước những tưởng chỉ cần chạm nhẹ là sầm sập đổ mưa nguồn. Mùa khô thì hanh hao, nắng nỏ. Bộ đội muốn tắm cũng phải dè sẻn vì cần để dành nước ăn cho suốt 5 tháng mùa khô. Thế nên ở Đồn mới có cái cảnh oái oăm: Mùa mưa anh em tăng gia, rau xanh chất đầy kho, đến mức hư hỏng phải bỏ đi thì mùa khô đành tạm hài lòng với bát canh bí đao lõng bóng nước, thiếu rau xanh.
Bình minh ở Cốc Pàng thường đến muộn và cũng sẽ sớm nhường chỗ cho hoàng hôn. Không gian lúc chiều xuống cô đọng, trầm buồn nhang nhác gương mặt những người đàn ông Sán Chỉ trong lúc đi rừng săn con thú. Khói chiều lam tím toả vào khoảng xanh trên từng mái nhà nơi bản xa khiến khách thượng sơn thấy xiết bao ấm áp. Đã có biết bao máu xương, mồ hôi nước mắt đổ trên mảnh đất này để đổi lấy những chiều bình yên như chiều nay.
Cách nay đây chưa lâu, người ta nhắc đến hai xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) và Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc) là ngụ ý ám chỉ sự gian nan, khổ ải mà người lính biên phòng phải chịu đựng. Nhân dân các dân tộc Nùng, Mông, Lô Lô, Sán Chỉ thì cơ cực không nói sao cho thấu. Họ sống phiêu dạt nơi đầu rừng xó núi, cây ngô xơ xác, con lợn, con gà còm cõi, bệnh dịch hoành hành.
Đồng bào vốn đã quen nay đây mai đó, bộ đội vận động năm lần bảy lượt mới chịu cắm bản. Vậy mà chỉ cần một mùa đói là bà con rủ nhau di cư. Bộ đội lại tất tưởi tỏa đi tìm, lưỡi đá thử thách chân người, cây rừng đan ngăn lối.
Mãi rồi anh em cũng nghĩ ra được một cách, đó là trèo lên đỉnh núi cao nhất, hướng tầm mắt về bốn phía, hễ thấy nơi nào có sợi khói mỏng mảnh lọt qua tàng lá dày là bươn bả lao về phía ấy. Gặp được người thì khuôn mặt đã sưng húp vì bị cành cây cào rách, chân sưng mọng lúc lỉu những con vắt no tròn bọng máu như quả sung bám thân cây. Đến rồi về không, rồi lại đến. Nói mỏi cả miệng chưa chắc bà con đã chịu quay về. Nhiều lúc người lính dân vận tủi cực quá phải bật thốt lên cảm thán: “Đồng bào ơi là đồng bào!”.
Thắm đượm tình quân dân
Nói đến cái tình của bộ đội Cốc Pàng đối với đồng bào nơi biên ải, không thể không nhắc đến câu chuyện cách đây hơn chục năm. Đó là đận đỉnh Chín Chín Cua tuyết phủ trắng xóa. 16 hộ dân tộc mông di cư từ xã Sơn Vỹ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang bỏ bản cũ đến định cư trên đỉnh núi Lũng Cò cao chót vót thuộc địa phận xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã có người chết vì giá rét, bà con không ai có áo ấm, củi đốt lò cũng đã cạn.
Biết tin, Ban chỉ huy Đồn liền góp áo ấm ủng hộ đồng bào. Thấy vậy, các chiến sỹ ai nấy cũng đều lần giở ba lô tìm áo ấm mang lên xin được đóng góp. Những chiếc áo còn nồng mùi mồ hôi lính nhanh chóng được chuyển lên đỉnh Lũng Cò. Trưởng bản Sần Mỳ Sếnh ôm lấy đại úy Quan Văn Hùng (lúc bấy giờ là cán bộ vận động quần chúng của Đồn biên phòng Cốc Pàng) mà rưng rức như trẻ nhỏ. Khóc vì chẳng biết nói gì. Những chiếc áo ấm tình quân dân cá nước đã làm tan đi tuyết lạnh ngày đông.
Cùng với việc bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc, trong nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cốc Pàng đã thực hiện nhiều việc làm cụ thể, thiết thực để cùng chung tay sẻ chia những khó khăn của nhân dân vùng biên giới.
Có thời điểm trên địa bàn các xóm: Nà Rại, Nà Mìa, Cốc Pàng... xuất hiện mưa đá, gió lốc. Ngay lập tức, Ban chỉ huy Đồn đã họp, phân công nhiệm vụ cho các Tổ công tác xuống kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại của thiên tai tại các xóm.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Tổ công tác đã cơ động vượt hơn chục cây số đường rừng xuống xóm Nà Mìa. Nhưng chỉ đi xe máy được hơn 5km, do đường quá khó phải gửi xe dọc đường đi bộ. Đến nơi, thấy cảnh nhà của nhân dân bị lốc, mưa đá tàn phá nặng nề… cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương sơ cứu những người dân bị thương, cử người về báo cáo tình hình với Ban chỉ huy Đồn.
Ngay sáng hôm sau, Đồn đã tăng cường lực lượng xuống xóm cùng ăn, cùng ở, cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ riêng xóm Nà Mìa, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã huy động hơn hàng trăm ngày công giúp dân lợp lại mái nhà, chằng chống nhà cửa.
Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ cho người dân xóm Nà Mìa hàng nghìn tấm lợp, và trên hàng trăm bộ quần áo. Sau 4 ngày với sự giúp đỡ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ biên phòng và lực lượng dân quân, tự vệ, người dân Nà Mìa đã cơ bản khắc phục được hậu quả thiên tai.
Kể từ đó, đồng bào hết lòng tin yêu bộ đội, tự giác đoàn kết chung tay bảo vệ đường biên cột mốc. Cán bộ biên phòng thỉnh thoảng lại được bà con cất công vào tận Đồn mời lên bản dự lễ mừng cơm mới, lễ đầy tháng con và xin cho đứa bé được làm con nuôi bộ đội. Các đồng chí trong Ban chỉ huy Đồn thì có thêm vai trò mới là làm “đại diện” trong các đám hỏi vợ cho trai bản.
Để đảm nhiệm được vai trò quan trọng này, các anh phải hiểu thật rõ phong tục tập quán và thuộc nhiều điệu hát của đồng bào để có thể hát đối đáp mời rượu, mời cơm gia đình nhà gái trong lễ xin dâu. Đã có chiến sỹ đổi họ theo đồng bào để thêm gần, thêm gắn bó với dân.
Lũy thép nơi biên cương
Những ngày tháng khó khăn đó đã lùi xa, cái thời mà cán bộ chiến sĩ của đồn biên phòng Cốc Pàng phải thay nhau bám trụ "4 cùng": Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào; động viên đồng bào giữ bản, giữ rẫy, giúp đồng bào vạch mặt bọn người xấu xúi giục đồng bào đi theo Chúa.
Năm này qua năm khác, những người chiến sĩ biên phòng đã hoà mình vào cuộc sống của từng bản làng để giúp đồng bào từng bước thay đổi các tập tục canh tác cũ, rồi định canh định cư phát triển kinh tế. Đồn Biên phòng dần trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà con mỗi khi gặp khó khăn trắc trở trong cuộc sống.
Khi đã có cái ăn cái mặc, đồng bào đã biết quý đất, quý rừng và gắn bó với mảnh đất biên cương tổ quốc. Họ không còn đốt rừng, khai phá tài nguyên bừa bãi hoặc tiếp tay cho bọn buôn lậu vận chuyển hàng hoá, ma tuý qua biên giới. Nhiều hộ đồng bào dân tộc đã xây sửa được nhà và cho con em đi học.
Bản Lũng Cò xưa nay đã hạ sơn và đổi tên thành bản mới Khuổi Khâu (có nghĩa là Suối Sâu). Một điểm trường đã mở cho trẻ em Khuổi Khâu đến trường trong năm học mới. Hạ sơn rồi nhưng cái đói vẫn theo chân, cái rách vẫn quẩn gối. Dù được sự giúp đỡ rất lớn từ chính quyền địa phương và đồn Biên phòng nhưng cái khó của Khuổi Khâu vẫn còn trước mặt.
Có cán bộ cắm bản kể với chúng tôi rằng, xưa kia, một năm có 12 tháng thì đến ba bốn tháng người Khuổi Khâu chỉ ăn mèn mén (ngô xay nấu chín ) mà không hề biết đến miếng thịt, dù là thịt mỡ. Nương ngô cách xa bản mới cả ngày đường nên trong nhà hầu như chỉ có trẻ con và người già. Người lớn đi tối mịt mới về, có khi ở lại trông nương cả tháng. 100% người dân nơi đây mù chữ vì bản cũ ở qúa xa, lại hiểm trở nên không thể xây dựng được điểm trường.
Thế nhưng mấy năm gần đây, nhờ có các công trình dân sinh do chính phủ đầu tư nên đời sống của người dân Cốc Pàng cũng dần thay đổi. Từ thực tế của địa phương, được sự nhất trí của cấp trên, Đồn Biên phòng đã cử cán bộ tăng cường xuống trực tiếp giúp xã phát triển kinh tế.
Các hoạt động giúp dân chuyển dịch cây trồng, trồng ngô lai trên đất dốc, trồng cỏ voi chăn bò, phát triển cây hồi, đàn bò, đàn dê… đã trở thành mô hình kiểu mẫu trong việc giúp dân giảm đói nghèo. Các thôn bản tại Đức Hạnh và Cốc Pàng đã cơ bản xóa được vấn đề “trắng” Đảng viên, Đảng bộ xã được công nhận trong sạch, vững mạnh. Nói cách khác, các anh đã vực dậy một vùng đất vốn lâu này u trì trong nghèo đói.
Giờ, khi qua rừng Sở đang mùa hoa với mùi tinh dầu ngái thơm quẩn theo bước chân người, khi qua Lũng Mần, Chè Lỳ A, Chè Lỳ B đến Cà Mèn, khi vượt dốc Chín Chín Cua mới thực sự cảm nhận được những gian truân của người lính biên phòng phải trải qua để giữ gìn từng tấc đất cho Tổ quốc, mới thấy rưng rưng thương bước tuần tra qua nắng lửa, tuyết dầy.
Ở Cốc Pàng, nhìn đâu cũng chỉ thấy đá núi và mây trời giăng lối, nhưng bằng sự cố gắng nỗ lực của chính quyền và đồng bào, vùng đất này đang thay đổi diện mạo mỗi ngày, thắp lên một điểm sáng ở vùng biên cương còn nhiều gian khó.