Triển khai đã phát huy hiệu quả chính sách
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 3.600 hộ với trên 19.500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã biên giới 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Những năm qua, nhiều chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước được áp dụng và triển khai đã phát huy hiệu quả, cuộc sống của đồng bào đổi thay.
Niềm vui ở rẻo cao
Hôm ấy Thao Văn Lâu - Bí thư kiêm Trưởng bản Ché Lầu, xã Sơn Thủy, huyện vùng cao Quan Sơn không lên nương cùng vợ để thu hoạch đám rẫy ngô cuối cùng của gia đình vì bận đón khách dưới xuôi lên thăm. Đứng trên đỉnh con dốc, bóng Thao Văn Lâu chắc đậm đổ dài trên con đường bê tông rộng rãi, thoáng đãng dẫn vào bản.
“Bản mình đã có đường bê tông kiên cố từ hơn 2 năm nay rồi, vui lắm! Giờ nông sản bà con làm ra đã được đưa đến tay thương lái, bọn trẻ đã không còn phải nghỉ học giữa chừng vì những ngày mưa rừng nữa rồi. Cuộc sống của đồng bào người Mông ở Ché Lầu đang đổi thay rõ rệt từng ngày” - Thao Văn Lâu bắt chặt tay tôi hồ hởi khoe ngay khi vừa giáp mặt.
Vừa dẫn chúng tôi vào thăm bản, Thao Văn Lâu cho biết: Vốn là bản đặc biệt khó khăn nằm tại khu vực biên giới, cách trung tâm xã Na Mèo, huyện Quan Sơn hơn 10km. Ché Lầu có 65 hộ với 300 nhân khẩu đều là người Mông. Bao năm qua, bản gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, muốn vào đây phải di chuyển qua những con đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội… Tuy nhiên, Chương trình 30a đến đã thắp lên niềm tin cho vùng đất nghèo khó này.
Năm 2020, UBND huyện Quan Sơn đầu tư làm đường giao thông từ bản Son đi Ché Lầu với chiều dài 5,1km. Đến năm 2022, huyện cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện làm đường giao thông nội bản Ché Lầu và đường giao thông nội bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy). Hiện 2 con đường giao thông nội bản này đều đã hoàn thành thông suốt từ bản lên tới trung tâm xã nên người dân đi lại rất thuận tiện.
Có đường, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, hướng dẫn người dân trồng lúa nước hai vụ/năm; đưa giống lúa Nhật J02 vào sản xuất với diện tích 4ha. Bên cạnh đó, xã tiếp tục đưa Dự án nuôi lợn nái sinh sản, hỗ trợ cho 40 hộ tham gia số tiền gần 200 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của nhân dân là 28 triệu/người/năm… “Từ một bản bốn không (không điện, không đường, không trường, không trạm), đến nay, đời sống đồng bào người Mông ở Ché Lầu đã thực sự đổi thay nhờ các chương trình ưu việt của Đảng và Nhà nước. Thoát nghèo và có thể giàu lên từ chính đồng đất quê mình là điều có thể” - Thao Văn Lâu vui vẻ nói.
Rời Ché Lầu, chúng tôi xuôi về bản Suối Tôn, xã Phú Sơn - đây là bản người Mông duy nhất của huyện Quan Hóa. Dăm năm về trước, nếu ai đã một lần đặt chân đến đây, hẳn sẽ còn ám ảnh với con đường vào bản nhỏ, hẹp, dốc dựng đứng trơn trượt hiểm trở. Tuy nhiên đến nay, con đường bê tông rộng hơn 4m đã vào tận bản.
Hiệu quả từ thay đổi trong cách nghĩ, cách làm
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Nhà nước như: Chương trình 134, Chương trình 30a, Chương trình 167 của Chính phủ... Đồng thời, tỉnh ban hành nhiều đề án, chính sách đặc thù dành cho đồng bào, trong đó, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào Mông...
Để đạt được những thay đổi nhanh chóng, theo Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo Phạm Đức Lương: Ngoài các chính sách, chương trình của Đảng và Nhà nước được áp dụng và triển khai hiệu quả còn là do đồng bào đã biết thay đổi từ trong tư duy sản xuất. Nếu như trước kia, tư tưởng của bà con chỉ là sản xuất tự cung, tự cấp, trông chờ vào chính sách hỗ trợ gạo của nhà nước... Thì nay, người dân đã biết hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, buôn bán và tạo nên những giá trị kinh tế vượt trội.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa thì để bà con dân tộc Mông thay đổi từ cách nghĩ đến cách làm, xã đã tăng cường công tác dân vận. Đồng thời, tăng cường cán bộ, công chức vào sinh hoạt với chi bộ thôn, bản. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ tại các bản. Nhờ các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đến nay, người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa mới.
Ông Hà Văn Thủy - Phó Bí thư huyện ủy Quan Hóa cho biết: Những thành quả mà các bản đồng bào Mông đạt được hôm nay, ngoài nỗ lực của người dân còn là hiệu quả từ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ chương trình, dự án của nhà nước mang lại. Từ các yếu tố này đã góp phần giúp nhiều gia đình ở bản Mông vươn lên phát triển kinh tế, chung sức xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.