Văn hóa

Khâu Vai - Bài thơ tình trên đỉnh núi

T.Thành 12/11/2023 17:38

Khâu Vai có lẽ là phiên chợ lãng mạn bậc nhất miền tột Bắc. Tháng này qua năm khác, những tiếng khèn, câu hát, những chén rượu mềm môi bên bát thắng cố đượm mùi núi rừng hay những câu chuyện tình đẫm lệ, và cả con người nữa - những sơn dân thô mộc đến từ sau rất nhiều đỉnh núi mây mù - đã thốc thổi thêm ngọn lửa nồng say nào đó vào cái phiên chợ nằm chon von trên biển đá này khiến nó trở nên quyến rũ đến lạ kỳ.

Câu chuyện tình đẫm lệ

Chợ tình Khâu Vai (hay còn gọi Khau Vai) là một phiên chợ nổi tiếng ở Hà Giang, mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ nằm ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Mỗi lần chợ họp, trai bản trên, gái bản dưới lại tìm về đây để gặp gỡ, giao lưu, hò hẹn.

Sự tích của phiên chợ lãng mạn bậc nhất miền cực Bắc này bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Út. Chàng Ba là người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Út không đồng ý vì chàng nghèo và khác dân tộc nên “không bắt cùng một con ma, không thờ cùng một thần sông, thần suối, thần rừng”. Thế nên người con trai Nùng không thể lấy người Giáy con gái về làm vợ.

phu-nu-mong-theu-ao.jpg
Chuẩn bị váy áo đi chơi chợ tình

Không cam chịu sự cấm cản của gia đình, dòng họ, chàng và nàng bỏ trốn lên hang núi Khâu Vai sống. Gia đình, họ tộc cô gái vác súng kíp, cung nỏ sang nhà trai để “đòi người”. Gia đình chàng trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra “tiếp đón”.

Từ hang núi, chàng Ba, cô Út nhìn xuống thấy cảnh hai phe lao vào nhau hỗn chiến, máu chảy đầu rơi nên không đành lòng. Họ thương cha, thương mẹ, thương dân bản hai làng bỗng trở nên thù hận nhau chỉ vì tình yêu của mình. Thế nên chàng và nàng quyết định chia tay nhau, thề kiếp sau sẽ thành vợ thành chồng. Ngày họ chia tay là ngày 27/3 âm lịch.

Khi đôi trai gái chia tay nhau, họ đã cắt máu thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 lại lên Khâu Vai để gặp mặt một lần. Mỗi lần gặp, họ hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm xa cách. Họ tâm tình, ca hát xuyên đêm rồi đến hôm sau lại trở về với cuộc sống ngày thường.

Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau. Họ tìm đến gốc cây rừng và ngồi bên hòn đá thề năm xưa, ôm chặt nhau cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Tình cờ hôm đó cũng là ngày 27/3. Dân làng đã dựng hai miếu thờ là “miếu Bà” và “miếu Ông” ngay chính nơi họ mất để tưởng nhớ về mối tình đẹp và nhiều nước mắt này. Và cũng từ đó, người dân trong vùng lấy ngày 27/3 làm ngày họp chợ.

Nơi giao lưu, hò hẹn

Theo người già ở Khâu Vai kể lại thì những ngày đầu mới họp, người đến chợ không nhiều. Chủ yếu là những đôi, những cặp “tình nhân cũ”. Họ đã từng yêu nhau, từng “thề non hẹn biển” song phải chia tay vì bị cấm cản, và vì cả những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Giờ tuy mỗi người đã có một mái ấm riêng, có người đã thành ông thành bà, xa nhau 3 năm, 5 năm, 10 năm hoặc vài chục năm, nhớ nhau thì họ tìm đến chợ để gặp lại “người xưa”.

Họ gặp nhau, vừa tâm sự, vừa kể cho nhau nghe về những vui buồn của mình và hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca quen thuộc. Bao nhiêu tình thương, nỗi nhớ hay giận hờn đều được gửi vào câu hát. Cứ thế, họ có thể ngồi cùng nhau suốt đêm 26, cả ngày 27/3. Họ mời nhau uống rượu, ăn cơm nắm, cơm lam, mọi cử chỉ hành động đều hoàn toàn trong sáng. Bởi nếu một trong hai người có sự sàm sỡ thì người kia coi là bị xúc phạm, bị bạn tình coi thường, tình cảm cũng vì thế mà rạn nứt, có thể không bao giờ gặp lại nhau. Chiều ngày 27/3 chợ tan, đôi “bạn tình’’ lại bịn rịn chia tay và hẹn gặp vào phiên chợ năm sau.

dt2-1626430252918.jpg
Điệu khèn gọi bạn Ảnh TB

Theo thời gian, chợ tình Khâu Vai không còn là “độc quyền” của những đôi tình nhân lỡ dở nữa mà có rất nhiều thanh niên nam nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để giao lưu và cũng để tìm bạn trăm năm. Và cũng có quá nhiều đôi đã nên vợ nên chồng từ phiên chợ tình nằm chót vót giữa biển đá tai mèo này.

Chính vì chợ tình cả năm chỉ họp có một lần, nên nó rất được mong chờ. Từ trước đó rất lâu, các cô gái tuổi 15-17 đã chuẩn bị cho mình những bộ váy áo đẹp nhất. Các chàng trai thì luyện những điệu khèn hay nhất để những mong sự tài hoa của mình sẽ làm say lòng một cô gái nào đó trong phiên chợ.

Mong chờ, háo hức là thế, nên ngày từ sáng ngày 26/3, dòng người bắt đầu rộn ràng xuống chợ. Không khí trẩy hội rạo rực lan tỏa khắp các nẻo đường chênh vênh uốn lượn. Có những người ở xa, cách chợ đến vài quả núi vẫn không hề ngần ngại, cố vượt đá tai mèo để tìm đường xuống chợ.

Sang đến ngày 27/3, chợ đã đông chật như nêm. Cả khu chợ như khoác lên mình chiếc áo rực rỡ sắc màu của các loại trang phục truyền thống. Người ta chào hỏi nhau, uống với nhau vài chén rượu, chia nhau bát thắng cố.

Khi màn đêm buông xuống, khi hơi lạnh se se từ các khe núi tràn xuống vướng vít con người và cảnh vật, không gian được dành lại cho phiên chợ tình lớn nhất trong năm. Tiếng sáo, tiếng khèn bắt đầu vang vọng, đó là lúc những nam thanh, nữ tú bắt đầu màn múa hát, kết bạn, giao duyên.

Điều thú vị là có nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đi Chợ tình Khâu Vai. Đến nơi, vợ tìm bạn của vợ, chồng tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình. Họ coi đó như sự chia sẻ với cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Nhưng những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ được phép diễn ra hết ngày chợ 27/3. Sau ngày này “cửa lòng” của mỗi người phải “đóng lại”.

Món ăn tinh thần vô giá

Từ nhiều năm nay, trong mỗi phiên chợ tình, người ta được nghe rất nhiều câu chuyện về tình yêu đôi lứa hết sức ly kỳ và cảm động. Có những người đã nên vợ thành chồng, có những mối tình dang dở, không dẫn đến hôn nhân, nhưng người ta vẫn giữ mối quan hệ bạn bè. Giờ, đến chợ tình, họ gặp lại nhau, gửi cho nhau lời thăm hỏi động viên trên bước đường đời. Cũng chính vì những dang dở ấy mà mỗi phiên chợ tình, người ta đều nghe được những tiếng đàn môi và những lời hát đối đầy da diết và khắc khoải.

Có nhiều người đã lên ông, lên bà nhưng năm nào cũng mong ngóng đến ngày này để đến chợ bởi có những câu chuyện tình, dù qua bao mùa ngô trổ bắp, mùa lúa trĩu bông mà vẫn chưa nguôi se sắt. Họ đợi mong đến phiên chợ, để gặp lại “người xưa”, để hàn huyên chuyện cũ.

Thế nên, ở phiên chợ tình Khâu Vai, không ít gia đình khi đến chợ thì bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con trai, con gái lớn đi lối riêng của mình. Họ hẹn nhau đến sáng thì đợi ở một điểm nào đó rồi cùng về bản, tuyệt nhiên không hỏi đêm qua gặp ai, ở đâu, làm gì...

lang-man-cho-tinh-khau-vai-khi-di-le-bong-khi-ve-co-doi-5-1642840148.jpg
Nhiều chàng trai, cô gái nên vợ thành chồng từ những điệu khèn hay điệu múa

Sùng A Cấu từng tìm thấy được tình yêu của mình chính tại phiên chợ này khi anh mới 18 tuổi, tức là đã hơn 10 năm trước. Khi ấy, Cấu đã lặn lội mấy chục kilomet đường núi hiểm trở từ Bảo Lâm, Cao Bằng để đến chợ tình. Lần đó, Cấu quen và đem lòng thương mến cô gái có tên là Sùa, nhà ở Thượng Phùng (Mèo Vạc, Hà Giang). Tưởng rồi sẽ nên vợ thành chồng, thế nhưng duyên số bắt hai người hai ngả, từ đó mỗi phiên chợ, dù bận dù không, dù đã có vợ và “con đàn con lũ”, Sùa đều sắp xếp thời gian để tìm đến chợ tình mong gặp “người xưa”.

“Mình là người đã có vợ rồi, và nó chắc cũng đã có chồng. Mình chỉ muốn gặp để xem nó sống có vui không thôi, xem nó có hạnh phúc như mình không thôi. Nếu nó cũng vui, cũng sướng như mình thì mình cũng vui mà. Vợ mình cũng biết là mình xuống đây tìm người yêu cũ, nhưng nó cũng chả nói gì đâu, nó chỉ bảo đi thì nhớ đường mà về thôi...”, Cấu tâm sự. Và cuối cùng niềm mong mỏi gặp lại “người xưa” của Cấu cũng được đền đáp. Trong phiên chợ tình diễn ra vào năm 2015, anh đã gặp lại Sùa năm xưa....

img_4154(1).jpg
Một góc chợ Khâu Vai

Không chỉ những người như Cấu, như Sùa mới mong đến chợ tình, mà ngay cả những cụ ông, cụ bà cũng gánh tuổi tác của mình lên chợ tình. Họ đến, cốt chỉ để tìm gặp lại bạn xưa, như trường hợp của bà Sùng Thị Sá (71 tuổi, ở Lũng Chinh) và ông Vàng A Hay (73 tuổi, ở Xín Cái). Xưa kia, hai ông bà cũng từng “phải duyên” nhau ở chợ tình này, nhưng ngặt vì ngăn núi cách sông mà không nên vợ, thành chồng.

Thế là từ đó hai người đành hẹn nhau khi nào rảnh thì đến phiên chợ, cùng ngồi nhìn mây, nhìn người, ôn lại chuyện xưa. Những đuôi mắt đã trĩu màu thời gian ấy cứ lặng lẽ nhìn theo dòng người xuống chợ. Họ chẳng có gì để bán mua, càng chẳng phải có nhu cầu thưởng thức món ngon, nhưng năm nào cũng vậy, khi đám trẻ rục rịch chuẩn bị cho chợ phiên thì họ cũng phải đi. Bà Sá bảo: “Tôi sẽ đi, tới chừng nào cái đầu gối lỏng ra, không gạt được mây, không vượt được dốc mới thôi...”.

Thế mới thấy được chợ tình Khâu Vai nó ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao. “Văn hóa chợ tình”, nó giống như bản tình ca của núi, vang vọng qua những nếp nhà thô mộc, từ đời này sang đời khác. Cứ thế, những tiếng khèn, câu hát, những chén rượu mềm môi, bát thắng cố đượm mùi núi rừng ở cái phiên chợ giữa mây xanh ấy như muốn níu chân người.

Thế nhưng, cuộc vui nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Hội tan chợ vãn, đồng bào rậm rịch rủ nhau về. Những bịn rịn, luyến lưu vẫn còn đượm trong từng ánh mắt, trong từng cái nắm tay thật chặt và trong từng lời ước hẹn. Tất cả tạm chia tay, nhưng những kỷ niệm sâu nặng về tình yêu, tình anh em, bạn bè sẽ còn mãi trong tâm hồn mỗi người dân miền sơn cước.

T.Thành