Kinh tế

Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều khởi sắc

Kim Ngân 11/11/2023 - 08:46

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải miền Trung, có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với 39.326 hộ/173.765 khẩu sinh sống, chiếm 23,71% dân số toàn tỉnh. Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, đời sống của đồng bào DTTS tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều khởi sắc.

1jpg-2.jpg
Cán bộ BĐBP Ninh Thuận trao đổi với người dân xã An Hải, huyện Ninh Phước cách chăm sóc lúa nước. Ảnh: Lĩnh Kiên

Tín hiệu tích cực

Giai đoạn 2021-2025, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Ninh Thuận có 28 xã; trong đó có 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 12 xã khu vực I, với 71 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 32 DTTS, trong đó, 3 dân tộc có khó khăn đặc thù là Raglai, Cơ Ho, Chăm và cũng là các dân tộc có số dân đông nhất ở Ninh Thuận.

Theo bà Pi Năng Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, trong những năm vừa qua, Ninh Thuận luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh tiếp tục phát triển; kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được tiếp tục đầu tư.

Cho đến nay, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh ở vùng DTTS tỉnh Ninh Thuận đã hình thành và phát huy hiệu quả. Việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc; phát triển giáo dục, đào tạo; chính sách an sinh xã hội... được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Mạng lưới giáo dục và đào tạo các cấp ở vùng DTTS ngày càng mở rộng, phát triển đến tận xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc học tập.

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS tỉnh Ninh Thuận không ngừng được cải thiện. Năm 2022, thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào DTTS đạt 32,4 triệu đồng/người, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% so với mục tiêu đến 2025. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Số hộ nghèo DTTS là 6.974 hộ, chiếm tỷ lệ 17,73% so với tổng số hộ DTTS; hộ cận nghèo DTTS là 3.934 hộ, chiếm tỷ lệ 10% so số hộ DTTS, thấp hơn 1,66% so với năm 2021. Riêng huyện nghèo Bác Ái có 2.794 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hộ nghèo là 34,81%, giảm 5,28% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, tỉnh Ninh Thuận có 2 huyện là huyện Ninh Phước và Ninh Hải đạt chuẩn nông thôn mới, có 13/31 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. 100% số thôn, xã vùng đồng bào DTTS được phủ kín điện lưới quốc gia, trên 90% hộ đồng bào DTTS sử dụng điện thắp sáng, tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 95%. Hiện, cơ bản các thôn, xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đều có đường giao thông đi lại thuận tiện.

Phấn đấu giải ngân hiệu quả các nguồn vốn năm 2023

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Qua đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành và địa phương triển khai kịp thời các chính sách sớm đến với người dân. Đến nay toàn tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân đạt 45,5%, trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 73%, vốn sự nghiệp đạt 25,5%.

2jpg-1.jpg
Đồng bào Chăm thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn với cán bộ BĐBP Ninh Thuận. Ảnh: Lĩnh Kiên

Trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận được phân bổ kinh phí 10,419 tỉ đồng để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc (bao gồm 1,238 tỉ đồng vốn năm 2022 chuyển sang và 9,191 tỉ đồng tổng vốn năm 2023); trong đó, vốn sự nghiệp là 8,101 tỉ đồng, vốn đầu tư phát triển là 1,090 tỉ đồng. Tính đến ngày 20/10/2023, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân được gần 1,579/10,429 tỉ đồng, đạt 15,14% kế hoạch.

Do Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là Chương trình mới thực hiện từ năm 2022, một số thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương chậm ban hành.

Cũng như nhiều địa phương khác, kết quả giải ngân vốn, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện chương trình tại tỉnh Ninh Thuận hiện chưa đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, kết quả thực hiện một số dự án do Ban Dân tộc làm chủ đầu tư có những điểm sáng, ước hoàn thành 100% kế hoạch năm 2023.

Cụ thể, với sự vào cuộc quyết liệt, trong 9 tháng năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân được hơn 241 triệu đồng/361 triệu đồng vốn sự nghiệp được phân bổ để thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9, đạt 66,92% kế hoạch. Cơ quan này đã cấp phát hơn 10.800 quyển sổ tay và tờ rơi tuyên truyền cho các địa phương của 6 huyện và 4 trường học; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình để tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng vùng đồng bào DTTS.

Đồng thời, lắp đặt 9 bảng pa nô tuyên truyền tại 3 trường dân tộc nội trú và 6 xã khu vực III trên địa bàn tỉnh. Sắp tới, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị mở 1 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật tuyên truyền tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ước tính đến hết năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận sẽ hoàn thành giải ngân 100% kinh phí dành cho tiểu dự án 2, Dự án 9.

Đối với dự án 10, truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận được phân bổ 3,578 tỉ đồng. Kết quả giải ngân đến tháng 10/2023 là gần 1,201/3,578 tỉ đồng, đạt 33,56% kế hoạch. Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận ước tính đến cuối năm sẽ hoàn thành 100% kế hoạch Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 10.

Để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, từ nay, đến hết năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục rà soát các chính sách dân tộc thực hiện tại vùng DTTS và miền núi liên quan tới đồng bào DTTS; đề xuất tiếp tục, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hoặc bãi bỏ các chính sách (văn bản) không còn phù hợp để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách trong giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành và địa phương kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2023.

Kim Ngân