Văn hóa

Lời tự tình trên đá

T.Thành - T.Anh 11/11/2023 07:22

Mỗi dân tộc thường có những loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình, hết sức đặc trưng. Có những nhạc cụ tiêu biểu và riêng biệt đến nỗi chỉ cần nhắc đến, người ta có thể biết đó là “linh hồn văn hóa” của dân tộc nào. Và người Mông cũng vậy. Ngoài cây khèn, cây sáo, họ còn có cây đàn môi để tự hào.

Phương tiện truyền tải tình yêu

Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Mông là một dân tộc giàu bản sắc văn hóa. Trong đời sống của đồng bào, âm nhạc luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng, nhất là những loại hình âm nhạc dân gian truyền thống.

Âm nhạc dân tộc Mông nói chung và các nhạc cụ của dân tộc Mông nói chung thể hiện sâu nặng chất trữ tình, đằm thắm. Từ âm thanh cho đến giai từ đều mang tải vẻ đẹp tự nhiên của vùng cao bao la, hùng vĩ, cũng như mang nét tươi sáng, hồn hậu, giản dị và phóng khoáng như chính tâm hồn của tộc người này.

anh-bai-loi-tu-tinh-tren-da-1.jpg
Nghệ nhân Sùng A Páo

Chính vì thế, âm nhạc và nhạc cụ của dân tộc Mông chiếm được cảm tình không những của người Mông, mà còn làm say lòng công chúng trong cộng đồng các dân tộc anh em. Đặc biệt là những người làm nghệ thuật âm nhạc.

Trong rất nhiều loại nhạc cụ của người Mông, phải kể đến khèn, sáo và đàn môi. Nếu như khèn là loại nhạc cụ thổi chủ yếu trong các phong tục, tín ngưỡng, thì sáo hay đàn môi lại là những loại nhạc cụ được sử dụng chủ yếu để giải trí, bộc bạch cảm xúc, yêu đương, thương nhớ của các chàng trai, cô gái đương độ xuân thì.

Ngay cả những người già Mông cũng không hề biết đàn môi có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng từ thuở ấu thơ đã được nghe cha ông mình thổi vào những dịp lễ hội hay những đêm trăng.

Đàn môi được làm từ một lá đồng nhỏ, dài từ 5-7cm, có hình giống lá lúa, một đầu cuốn lại hoặc làm dẹt để cầm, một đầu vát nhọn để gảy. Ở chính giữa là cái lưỡi gà dùng để thổi. Nhìn qua thì đơn giản, nhưng để chế tác ra một chiếc đàn môi là cả sự kỳ công của người thợ và không phải ai cũng có thể làm được.

Ông Sùng A Páo, ở bản Tà Là Cáo (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), một trong số những nghệ nhân hiếm hoi hiểu biết, chế tác và sử dụng thành thạo chiếc đàn môi ở Tủa Chùa chia sẻ: Trước đây, đàn môi thường được các chàng trai hay cô gái Mông thổi vào những dịp tết hay các lễ hội để gửi gắm tình yêu, tình thương đến người mình thích.

Đặc biệt, một người thanh niên Mông được xem là trưởng thành, ngoài “giỏi đi rừng, thạo việc nương” ra thì còn phải biết chơi một số loại nhạc cụ của dân tộc mình, như khèn, sáo, đàn môi... Bởi có biết thổi khèn, thổi sáo, thổi đàn môi thì mới tỏ tình được với người yêu.

Chính vì quan niệm và suy nghĩ đó mà khèn, sáo hay đàn môi gần như là vật bất ly thân của mỗi chàng trai. Khi đi chơi hội hay xuống chợ, gặp được người con gái mình thích mà chưa thể thổ lộ, tối về, các chàng trai sẽ tìm đến nhà cô gái, đứng bên ngoài bờ rào, mượn tiếng đàn môi để bày tỏ nỗi lòng. Nếu người con gái cũng biết thổi đàn môi, thì họ sẽ thổi đáp lại. Qua những giai điệu, hai bên sẽ hiểu được tâm tình đối phương.

“Ngày trước, những chàng trai Mông đến tuổi đi tìm hiểu, đêm về không được phép vào nhà con gái. Dùng khèn thổi thì sợ động đến giấc ngủ của người khác. Thế nên, con trai Mông thường chọn đàn môi để gửi gắm tâm sự.

Lúc đầu, chàng trai chỉ dám đứng từ đầu ngõ hay ngoài cổng nhà cô gái để thổi. Tiếng đàn nỉ non tràn qua bờ rào đá, qua cửa sổ, qua khe hở thưng vách gỗ... lọt vào tai cô gái. Cứ thế, cho đến một ngày cô gái cảm thấy có thể tin tưởng được đối phương thì mới đẩy cửa đi ra ngoài ngồi tình tự...”, ông Páo chia sẻ.

anh-bai-loi-tu-tinh-tren-da-2.jpg
Ông Páo là một trong số ít những người biết chế tác đàn môi ở Tủa Chùa

Cũng theo ông Páo thì có chuyện “thổi đàn môi gọi bạn” là bởi ngày xưa, các cô gái Mông sống khuôn phép, rất ít ra khỏi nhà mỗi khi màn đêm buông xuống. Thế nên các chàng trai đành phải tìm nhà người con gái mà mình thích, rồi mượn tiếng đàn môi để tỏ bày: “Ơi em, anh sợ nhà em lắm rào/Ơi em, anh lo nhà em nhiều cửa/Có thương anh, kéo rào mở cửa anh vào”.

Cứ thế, qua chiếc đàn môi, lời tỏ tình, làm quen của chàng trai được cất lên một cách hết sức thi vị, trữ tình. Còn cô gái, cũng dùng chính tiếng đàn môi để đáp lại cũng như thổ lộ lòng mình: “Ơi anh, nhà em không có rào/Ơi anh, nhà em cửa không cao/Ơi anh, anh cứ vào, cứ vào...”.

Tiếng đàn nên vợ thành chồng

Đàn môi của người Mông có hai loại, loại uốn hình lòng máng và loại hai mặt phẳng. Đàn là một mảnh lá đồng vừa dòn lại vừa dai có hình dáng giống lá lúa, có cuống để cầm trên tay, phần trên đầu vát nhọn để gảy. Ở chính giữa, người ta tạo ra một cái lưỡi gà, khi gảy đàn, lưỡi gà có độ rung. Khoang miệng của người thổi chính là cái bầu rỗng cộng hưởng phát ra tiếng to nhỏ, thanh trầm, luyến láy theo ý của người thổi.

Âm sắc của đàn môi mô phỏng theo làn điệu dân ca Mông, tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo. Đó là lời tâm tình thủ thỉ, yêu thương, trìu mến mà chỉ người nghe ở gần (bạn tình) mới hiểu được nội dung của bài đàn.

Theo ông Sùng A Páo, làm đàn môi đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ tới từng chi tiết. Nếu không kiên trì thì khó có thể thành công. Quy trình làm một cây đàn môi cũng rất công phu và hoàn toàn theo hình thức thủ công. Đồng để làm đàn được lựa chọn rất kỹ, sau đó nấu chảy và đổ ra khuôn thành từng lá đồng nhỏ, để nguội rồi đưa lên đe tán mỏng, đặc biệt là phần giữa lá đồng. Bởi đây là khâu quan trọng nhất trong việc tạo lưỡi gà.

dan-moi-2.jpg
Làm đàn môi đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ

“Tán lưỡi gà vừa phải thật mỏng, nhưng cũng phải thật đều, vì nếu mỏng quá sẽ dễ gãy. Như thế thì sau này thổi, lưỡi mới có độ rung ngân, tiếng phát ra mới trong. Một điều cũng hết sức quan trọng là khi cắt lưỡi gà phải căn chỉnh cẩn thận để làm sao cho thật khít. Bởi nếu không khít thì khi thổi sẽ không phát ra âm thanh. Chính vì vậy đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao”, ông Páo chia sẻ.

Để bảo quản đàn môi, người ta làm một cái ống nứa để đựng. Ống nứa vừa có tác dụng giữ cho âm sắc của đàn môi không thay đổi, vừa tạo sự thuận tiện khi cho vào túi áo, túi quần mà không sợ bị hư hỏng.

Cũng theo ông Páo thì làm đàn môi công phu là vậy, nhưng để thổi được cũng không hề đơn giản, bởi nó không phải là một nhạc cụ dễ sử dụng. Chỉ những ai có đam mê và khổ luyện thực sự mới chơi hay được.

Để thổi đàn môi, quan trọng nhất là phải biết giữ hơi. Sau khi đặt chiếc đàn lên môi và thổi nhẹ, người ta dùng ngón tay trỏ gảy trên đầu lưỡi của đàn và di chuyển qua lại giữa hai hàm răng. Bấy giờ cuống họng mới bắt đầu phát ra các âm thanh bản thân người thổi muốn gửi gắm, tâm sự. Đây cũng chính là điều đặc biệt của đàn môi – loại nhạc cụ tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo. Đó là lời tự tình, thủ thỉ, yêu thương. Và cũng chỉ có hai người yêu nhau mới có thể hiểu được nội dung của bài đàn.

anh-bai-loi-tu-tinh-tren-da-3.jpg
Giờ rất ít thanh niên nam nữ người Mông đam mê với đàn môi

“Ngày xưa, vào mỗi dịp lễ hội, nhất là tết đến xuân về, bản người Mông vui lắm. Ngày xem ném pao, thổi khèn, đêm nghe trai gái thổi đàn môi tự tình. Có rất nhiều cặp đã nên vợ thành chồng từ những đêm tự tình như thế. Thế nhưng bây giờ buồn lắm! Ngày càng có ít người biết thổi đàn môi”, ông Páo tâm sự.

Ngay cả ở Sính Phình, quê ông Páo, số người trẻ chơi được đàn môi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Họ vẫn nghe nhạc Mông, hát các bài dân ca Mông, các chàng trai khi lớn lên vẫn học múa khèn, thế nhưng có một điều đáng buồn là không mấy người tìm học đàn môi.

Nguyên nhân thì có nhiều, song cơ bản là do một phần kỹ thuật thổi đàn môi khó, đòi hỏi sự kiên trì, khổ luyện, một phần là do xu hướng sống hiện đại tác động đến lối sống của những người trẻ. Nếu như xưa kia, đàn môi là một “phương tiện” để trai gái gửi gắm tâm sự thì ngày nay lớp trẻ có nhiều phương thức khác để tiếp cận nhau. Thời đại công nghệ thông tin, mọi lời tâm tình đều có thể gửi đi dễ dàng chỉ với một tin nhắn hay một cuộc gọi.

Ông Páo kể: “Khoảng chục năm về trước, số người chơi và sử dụng đàn môi còn nhiều, mỗi năm tôi thường làm từ 500 chiếc trở lên. Thế nhưng mấy năm gần đây, người sử dụng đàn môi ngay càng ít đi. Có khi làm ra cả tháng không có người mua ấy chứ! Giờ tôi chỉ làm khi có ai đặt hàng thôi. Mà cũng phải chờ người ta đặt đủ 10 đến 20 chiếc tôi mới nhóm lò”.

Gắn bó với đàn môi từ khi tóc xanh, giờ tóc bạc, mong muốn và cũng là ước ao lớn nhất của ông Páo là làm sao thắp được ngọn lửa đam mê trong giới trẻ đối với loại nhạc cụ truyền thống này. Bởi theo ông, chiếc đàn môi vừa là biểu tượng, vừa mang tải lớp lang văn hóa tộc người. Nếu mất nó, bản Mông sẽ vơi đi khí sắc Mông. Và mỗi khi tết đến xuân về, người ta sẽ còn không được nghe lại những lời tự tình trên đá.

T.Thành - T.Anh