Kinh tế

Nâng tầm vị thế đất sen hồng, từ tài nguyên bản địa

Thúy Hạnh 10/11/2023 - 18:32

Vươn lên từ vùng trũng, đất phèn, ra sức khai thác tiềm năng, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã tận dụng lợi thế tài nguyên bản địa từ cây sen, để kết nối, phát huy giá trị văn hóa và kinh tế.

10-11-thap-muoi-bat-ngat-hoa-sen.jpg
Tháp Mười bát ngát hoa sen

Tháp Mười đẹp nhất hoa sen. Nói đến Tháp Mười, không thể không nhắc đến sen. Ngoài giá trị làm đẹp, từ ngó sen, hạt sen, tim sen đến lá sen đều có thể sử dụng và chế biến nhiều món ăn hấp dẫn với hương vị khó quên, tốt cho sức khỏe.

Từ lâu, sen đã trở thành một loại cây vô cùng gần gũi, có sự gắn kết lạ thường đối với người dân Đồng Tháp nói chung và Tháp Mười nói riêng. Bất kỳ đâu trên vùng đất này, cũng dễ dàng bắt gặp những cánh đồng sen bạt ngàn. Đó là sự kết hợp giữa các màu sắc chủ đạo hồng, vàng, xanh đến hút mắt.

Ngoài ra, khi nhắc đến sen, người ta lại liên tưởng đến tính cách ngay thẳng của con người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nét nổi bật riêng củ một loại cây tuy mảnh mai, nhưng lại có sức sống vô cùng mãnh liệt, không khuất phục trước mọi gian khó, vươn lên để phát triển.

10-11-23-thap-muoi-bat-ngat-hoa-sen.png
“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 20 đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Trong đó, có các dân tộc thiểu số như Hoa, Khmer, Chăm, Thái, Mường, Tày… Với mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị của sen Đồng Tháp và tôn vinh hoa sen, kết hợp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, cây sen đã được nghiên cứu để chế biến thành 200 món ăn, thức uống với giá trị dinh dưỡng cùng thẩm mỹ cao.

10-11-nhung-san-pham-tu-sen-.jpg
Những sản phẩm từ sen…

Để phát huy giá trị văn hóa ẩm thực được chế biến từ sen, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tháp Mười đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn các món ăn từ sen.

Là thành viên của tổ dịch vụ nấu ăn ở xã Hưng Thạch, huyện Tháp Mười, chị Đỗ Thị Sa Ly luôn tâm huyết với các món ăn từ sen. Chị nhiều lần tìm tòi, nghiên cứu, chế biến các món ăn từ sen, để góp phần đa dạng thực đơn và quảng bá hình ảnh của địa phương.

10-11-23-duoc-che-bien-thanh-nhung-mon-an-ngon.jpg
Chế biến các món ăn từ đơn giản đến phức tạp

Khi biết tin Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp và hướng dẫn chế biến các món ăn từ tài nguyên bản địa của địa phương (các món ngon được chế biến từ sen), chị đã mạnh dạn tham gia. Tại đây, chị được xem hướng dẫn và thực hiện các món ăn từ đơn giản đến phức tạp, cách bày biện, bố trí, sắp xếp sao cho bắt mắt và phù hợp với khẩu vị, thị hiếu của thực khách.

Chị Sa Ly kể: “Trước tiên, tôi đến tham gia là với mong muốn được giao lưu, học hỏi, tìm hiểu những công thức làm cho dịch vụ của mình ngon hơn. Khi đến rồi thì tôi tiếp thu được nhiều lắm, từ cách sơ chế đến cách làm, điều mà trước đây tôi chưa được biết. Tài nguyên ở đây thì phong phú, đồ ăn cũng đa dạng nên mình cũng có nhiều cách để sơ chế. Lúc đầu, tôi làm không ngon, nhưng sau khi học, biết cách làm thì chắc chắn sẽ ngon hơn, tay nghề sẽ được cải thiện hơn”.

10-11-duoc-che-bien-thanh-nhung-mon-an-ngon.png
… được chế biến thành những món ăn ngon

Còn chị Trần Hồng Nhi, ở ấp 6B, xã Trường Xuân chia sẻ: “Tôi học được cách sơ chế thực phẩm, cách chế biến thực phẩm và cách sử dụng tài nguyên bản địa từ sen trong chế biến món ăn”.

Từng đến Tháp Mười để hướng dẫn, giới thiệu cách tận dụng tài nguyên tại địa phương, đặc biệt là chế biến các sản phẩm từ sen, trang trí các món ăn như: Cơm sen trái thơm (dứa); chân giò hầm củ sen; gỏi bắp chuối ngó sen tôm thịt… cô Phạm Thị Tươi, giáo viên nữ công Trường Trung cấp Lê Thị Riêng (thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: “Học viên tại đây rất nhiệt tình học hỏi những kinh nghiệm được truyền đat. Dù đây là những cách làm rất đơn giản nhưng khi được nâng tầm lên, vừa phục vụ gia đình, vừa tạo được kinh tế trong những dịp lễ hội, đám tiệc. Có thể ứng dụng những kỹ thuật này làm phong phú món ăn. Đồng thời, giúp giữ được màu sắc, chất dinh dưỡng, tôn lên sự hấp dẫn của cây sen”.

Cô Tươi còn cho biết thêm: “Đồng Tháp có rất nhiều sản vật phong phú và đa dạng. Với giải pháp kích cầu như hiện nay là sử dụng tài nguyên bản địa để phát triển, có thể giúp cho chị em phụ nữ khởi nghiệp. Để kinh tế phát triển hơn, người dân cần tôn vinh những sản vật của địa phương mình”.

10-11-va-giup-nang-tam-vi-the-dat-sen-hong.jpg
… và giúp nâng tầm vị thế đất sen hồng

Buổi nói chuyện giúp chị em phụ nữ đã và đang có mong muốn khởi nghiệp, hay đơn giản là những người nội trợ ở gia đình biết cách sử dụng tài nguyên bản địa. Trong đó, là các nguyên liệu từ cây sen để chế biến món ăn. Không chỉ góp phần đa dạng thực đơn hàng ngày trong gia đình mà còn giúp quảng bá thương hiệu ẩm thực từ sen, của huyện Tháp Mười nói riêng và tình Đồng Tháp nói chung.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, chỉ sau 3 ngày tổ chức lễ hội Sen Đồng Tháp, với chủ đề “Sen ngày mới” lần thứ nhất đã thu hút trên 100.000 lượt du khách, đại biểu và người dân đến tham quan, mua sắm đạt doanh thu ước tính trên 60 tỷ đồng. Nâng tầm vị thế đất sen hồng, từ tài nguyên bản địa, tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa-kinh tế. Các sản phẩm được chế biến từ cây sen, đã góp phần giúp Đồng Tháp ngày càng phát triển vươn xa.

Thúy Hạnh