Gương sáng

Người nặng lòng với văn hóa Mường trên mảnh đất Tây Nguyên

Văn Hà 10/11/2023 - 09:54

Với mong muốn giữ gìn, phát huy văn hóa của dân tộc Mường, nghệ nhân Đinh Văn Thiệu (56 tuổi, ở thôn Hào Phú, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã dành nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và đưa văn hóa, phong tục tập quán dân tộc lên Tây Nguyên.

Ở thôn Hào Phú, người dân và các thành viên của đội văn nghệ thôn đều yêu mến và kính trọng nghệ nhân Thiệu. Nếu như không có nghệ nhân Thiệu, chắc không thể có được dàn nhạc dân tộc Mường ở trên mảnh đất Kon Tum như hôm nay.

Với người dân nơi đây, giai điệu của cồng chiêng, sáo và đàn nhị du dương đậm đà nét văn hóa dân tộc Tây Bắc đã trở thành thân quen với bà con. Các giai điệu này được nghệ nhân Đinh Văn Thiệu cùng các thành viên trong đội văn nghệ thôn tự dàn dựng và biểu diễn phục vụ người dân trong thôn, cũng như biểu diễn tại các hội thi, văn nghệ của xã, huyện.

Nghệ nhân Đinh Văn Thiệu sinh ra và lớn lên ở huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) nơi cộng đồng Mường cổ có văn hóa truyền thống lâu đời. Theo các thành viên của đội văn nghệ, nếu như không có nghệ nhân Thiệu, chắc không thể có được dàn nhạc dân tộc Mường ở trên Kon Tum.

Theo lời kể của ông Thiệu, từ thửa nhỏ, ông đã học hát dân ca và sử dụng thành thạo nhạc cụ dân tộc như thổi sáo, kéo nhị, đánh chiêng,…Khi thôn, xã thành lập đội văn nghệ, ông cùng người cha của mình tham gia đi giao lưu văn hóa, văn nghệ ở nhiều nơi trong tỉnh.

anh-1.jpg
Nghệ nhân Thiều say xưa chơi đàn nhị.

Đến năm 1993, ông cùng gia đình vào huyện Ngọc Hồi theo chế độ di dân lòng hồ sông Đà. Thời điểm vào Ngọc Hồi, đời sống còn khó khăn, ông Thiệu ngày ngày làm việc để nuôi gia đình và chưa nghĩ đến việc tiếp nối văn hóa dân tộc Mường ở nơi đây.

Sau vài năm, cuộc sống ổn định, ông đã cùng nhiều người Mường trong thôn tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa Mường tại Nhà văn hóa với mong muốn phát huy và lưu giữ nét đẹp bản sắc của dân tộc mình.

Với mong muốn lưu truyền, phát huy giá trị truyền thống nên mỗi khi có dịp, ông đều giới thiệu các nét văn hóa của dân tộc mình với bạn bè thuộc các dân tộc khác ở Kon Tum.

aaa2.jpg
Bằng niềm đam mê và lòng nhiệt huyết của mình, nghệ nhân Thiều (bên trái) luôn muốn truyền dạy cho mọi người.

Bắt đầu từ ý thức gìn giữ văn hóa, ông bắt tay nghiên cứu, tìm tòi mua các nhạc cụ dân tộc Mường để tập luyện. Sau đó ông đã mất 2 năm mới có thể chơi thành thạo lại được các loại nhạc cụ. Ngoài ra, ông còn liên hệ với các nghệ nhân ở quê để học sáng tác bài hát đúm, hát mời trầu…

Khi chơi lại thành thạo ông đã mở các lớp dạy chiêng, hát dân ca, nhạc cụ dân tộc miễn phí cho cộng đồng người Mường tại thôn Hào Phú và thôn Hòa Bình (xã Đăk Kan). Mong muốn duy nhất của ông là làm sao lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ người Mường trong vùng và những người yêu thích nhạc cụ dân tộc.

Ông không chỉ truyền đạt cho cộng đồng dân tộc của mình những kỹ năng cơ bản về nhạc cụ, mà còn truyền cả niềm đam mê cho họ về cách thổi sáo, kéo nhị, đánh chiêng, cách làm thế nào giữ được âm thanh thánh thót của sáo, tiếng vang vọng, ngân nga của nhị, giọng hát trong trẻo trong bài hát dân ca.

“Với những thanh âm đa dạng, các nhạc cụ có thể diễn tả được hầu hết các cung bậc của cảm xúc con người, có thể đệm được cho nhiều thể loại âm nhạc, từ những khúc hát dân ca đến những bài hát thời hiện đại. Cồng chiêng, đàn nhị, sáo, hát dân ca đã làm nên bản hòa tấu rộn ràng, náo nức, thể hiện niềm lạc quan, yêu đời và tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mường ở huyện Ngọc Hồi qua nhiều thế hệ”, ông Thiều vui mừng.

Chị Xa Thanh Chúc - Đội trưởng đội chiêng thôn Hòa Bình (xã Đăk Kan) cho biết: Nghệ nhân Đinh Văn Thiệu mở lớp dạy cồng chiêng, hát dân ca và nhạc cụ dân tộc Mường được nhiều người trong thôn Hòa Bình hưởng ứng đăng ký học, từ già đến trẻ, ai cũng hăng hái, tích cực học. Đến nay, lớp đã thu hút hơn 30 học viên.

a3(2).jpg
Các thành viên của đội văn nghệ xã cùng nhau tập luyện.

“Nhờ được ông Thiệu truyền dạy, tôi và nhiều người trong thôn đã biết đánh chiêng và ai cũng đều rất vui khi được tham gia cùng đội cồng chiêng của thôn biểu diễn tại các sự kiện của địa phương ”, chị Chúc chia sẻ.

Ngoài chiêng và nhạc cụ truyền thống, ông Thiệu còn nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi phục dựng nhiều lễ hội dân tộc như lễ Pôồn Pôông, ăn cơm mới,… Bên cạnh đó, các điệu múa, trò chơi dân gian của người Mường cũng được ông Thiệu khôi phục lại. Nhiều năm qua, ông đã đem điệu múa sạp, múa xòe và trò chơi ném còn, đánh đu của dân tộc đến các sự kiện, lễ hội của địa phương khiến nhiều du khách thích thú, hào hứng tham gia.

Trong Chương trình Liên hoan đàn và hát dân ca các dân tộc huyện Ngọc Hồi lần thứ nhất vào tháng 7 vừa qua, nghệ nhân Đinh Văn Thiệu đã tham gia tiết mục hát dân ca và đạt giải Ba. Ông còn tham gia tiết mục phục dựng lễ hội Pôồn Pôông của dân tộc Mường tại chương trình và cũng đạt giải Nhì. Đồng thời, ông còn được Ban tổ chức chương trình trao chứng nhận là Nghệ nhân hát dân ca xuất sắc nhất huyện Ngọc Hồi năm 2023.

Những việc làm đầy ý nghĩa của nghệ nhân Thiều đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, để nhạc cụ dân tộc Mường ở huyện Ngọc Hồi trường tồn mãi với thời gian.

Văn Hà