Phát huy vai trò của trưởng dòng họ, người uy tín trong việc đẩy lùi hủ tục lạc hậu
Phong tục tập quán là linh hồn của người dân, là đặc trưng quan trọng để xác định thành dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những tập quán truyền thống tốt đẹp phải tuân theo như một cách hữu hiệu để bảo tồn bản sắc văn hoá thì vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu đi ngược lại với xu thế xã hội, không mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, tinh thần của đồng bào. Để xoá bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã dựa vào trưởng dòng họ, người uy tín để thay đổi tư duy, suy nghĩ của người dân trong việc xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc.
Ông Già Khua Già là trưởng dòng họ Già và cũng là người có uy tín trong cộng đồng ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Gia đình ông thuộc gia đình cơ bản, 6 người con của ông đều được học hành đến nơi đến chốn, trong đó 3 người là công chức nhà nước. Dòng họ Giàng ở Khâu Vai có 39 hộ, 3 hộ nghèo, để tuyên truyền cho người trong dòng họ xoá bỏ hủ tục đã ăn sâu bén rễ trong tư tưởng của bà con là một việc khó khăn, bởi nếp sống của bà con bao đời khó bỏ.
Để tuyên truyền, vận động người trong dòng họ thực hiện tốt nếp sống văn minh, xoá bỏ hủ tục lạc hậu theo Nghị Quyết 27 của Tỉnh uỷ… trước tiên, ông Già bắt đầu từ chính gia đình, con cháu mình. Hàng ngày, ông thường xuyên nhắc nhở con cháu, phân biệt, nhận rõ đúng sai trong phong tục tập quán lạc hậu của dân tộc mình và luôn muốn con cháu trong dòng họ xoá bỏ nó.
Là người nhanh nhẹn, năng nổ, hiểu biết, ông và gia đình luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào của thôn, xã, nêu gương trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình mình. Do vậy, gia đình ông Già trở thành hình mẫu trong thực hiện nếp sống văn minh ở thôn.
Nhìn thấy tận mắt, tai được nghe tận nơi, những hộ dân trong dòng họ Già lần lượt học tập và ủng hộ chủ trương xoá bỏ hủ tục ra khỏi đời sống, nhất là trong việc cưới, việc tang, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Do đó, dòng họ Già đã nghiêm túc thực hiện theo nội dung trong Nghị quyết 27.
Anh Già Mí Già, Bí thư Chi bộ thôn Ha Cá, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc chia sẻ: ''Cả dòng họ Già đều nghe theo bác trưởng dòng họ. Khi họp họ, bác cũng triển khai luôn các văn bản của cấp trên đến với bà con, hay mỗi khi dòng họ có việc bác đều bàn bạc, phân công mọi người trong dòng họ một cách hợp lý nhất, bác bảo mình làm cái gì thì mình làm cái đấy.
Từ khi em còn nhỏ đến lớn lên, nhận biết được tâm ý của bác trưởng họ là luôn mong muốn con, cháu trong dòng họ được đi học thành người, ít nhất phải học hết lớp 12, rồi học một trường trung cấp, cao đẳng nào đấy.
Bản thân em cũng nhờ bác động viên, giúp đỡ em cũng học xong trường trung cấp nghề ở Hà Giang. Các anh, chị trong gia đình bác đều đi học cao đẳng, đại học, trở về quê đều làm công chức nhà nước nên em cũng cố gắng học tập theo''.
Ông Già Khua Già chia sẻ: Muốn xoá bỏ triệt để các hủ tục lạc hậu của dân tộc mình, điều quan trọng nhất là phải đi học, có kiến thức nhìn nhận nhiều vấn đề của xã hội thì con người mới có thể thay đổi tư tưởng, tư duy và hành vi của mình. Lúc đó, mọi cái xấu, các lạc hậu sẽ tự hoàn toàn bị xoá bỏ. Do đó ông đã vận động con cháu trong dòng họ tích cực học tập, không được bỏ học giữa chừng, không được lấy vợ lấy chồng sớm, nên trong dòng họ Già không xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Còn ở xã Lũng Phù, huyện Mèo Vạc có 12 thôn, chủ yếu là dân tộc Mông, có 67,8% là hộ nghèo. Ở xã Lũng Pù có 4 hủ tục nặng nề nhất chính là: Tang ma dài ngày, mổ nhiều gia súc, tảo hôn và ốm đau không đi khám bệnh.
Nhờ sự vào cuộc tuyên tuyền của dòng họ Giàng và dòng họ Lầu mà tình trạng tảo hôn trong xã đã giảm, điển hình năm 2022, ở hai dòng họ không xảy ra vụ tảo hôn nào, khi những năm trước mỗi năm xảy ra gần 20 vụ. Điều này cho thấy vai trò của trưởng dòng họ, người uy tín với công tác tuyên truyền, vận động ở nội dung này rất quan trọng và hiệu quả.
Mỗi khi dòng họ có việc, ông Lầu Xía Pó, trưởng dòng họ Lầu, người có uy tín ở xã Lũng Pù, sẽ tập hợp chủ gia đình, thanh niên trong dòng họ để phổ biến, trao đổi về công việc của dòng họ, những chính sách từ xã, huyện đưa xuống. Thậm chí, ông còn trao đổi thẳng thắn với từng người, việc giải đáp các thắc mắc của mọi người, giải thích cặn kẽ khiến các hộ trong dòng họ luôn cảm thấy hài lòng với những điều được thông tin, chia sẻ. Con cháu trong dòng họ tin tưởng tuyệt đối vào trưởng dòng họ, tôn trọng với những quyết định ông.
Anh Lầu Mí Lùng, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc cho hay: ''Bác trưởng họ nói là tang ma chỉ để 48 tiếng, không giết mổ gia súc nhiều. Còn đám cưới, ở gần thì cưới trong ngày, ở xa thì cưới 2 ngày, không cho thách cưới quá cao, không để tảo hôn xảy ra trong dòng họ, người ốm phải đi bệnh viện. Bác còn tuyên truyền cả dòng họ phải thực hiện nếp sống mới, vận động bà con tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu".
Ông Sùng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín là người rất có tiếng nói trong cộng đồng. Đây là những nhân tố then chốt nhất để làm cơ sở tuyên truyền, vận động, phối hợp cùng với cấp uỷ, chính quyền sẽ xoá bỏ dần những hủ tục lạc hậu trên địa bàn trong thời gian tới.
Người có uy tín, trưởng các dòng họ ở trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã và đang làm rất tốt vai trò trách nhiệm của mình, nhiều người tâm huyết mong muốn đưa dòng họ của mình thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu như Trưởng dòng họ Già Khua Già. Do đó các cấp, các ngành của huyện cần phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản trong cuộc vận động, tuyên truyền bà con xoá bỏ hủ tục lạc hậu của dân tộc mình, hướng tới xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá. Nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt hoàn hủ tục lạc hậu trên địa bàn huyện biên giới Mèo Vạc trong thời gian tới.