Du lịch văn hoá bản địa ở Bình Liêu, sức hút từ sự khác biệt
Được ví như “bản tình ca bốn mùa” với lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, Bình Liêu hấp dẫn du khách bởi những trải nghiệm riêng có.
Sau chuyến du lịch Bình Liêu - Quảng Ninh, chị Elizabeth (du khách người Anh) cảm thấy mình thật may mắn vì đã đến được vùng đất này. Ghé thăm chợ Đồng Văn, ra ruộng gặt lúa cùng bà con người Dao, nghỉ tại homestay của người dân bản địa, thưởng thức các món ăn lạ lẫm như phở xào, đốt lửa trại, nghe hát pả dung… - là những trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến hành trình.
Nữ du khách còn đặc biệt ấn tượng khi tham dự lễ hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, xem nam - nữ hát giao duyên, xem các cô gái mặc váy đá bóng…
Không chỉ mới lạ với du khách nước ngoài, Bình Liêu cũng được nhiều bạn trẻ, những người yêu xê dịch tìm đến. Anh Văn Tài (Hải Phòng) chia sẻ, anh đã đến Bình Liêu lần thứ 3, khi thì tham gia hội Soóng cọ, khi thì trải nghiệm hội Kiêng gió kết hợp khám phá “sống lưng khủng long”… Anh đặc biệt thích thú với các nghi lễ của người dân tộc thiểu số như: lễ mừng cơm mới, lễ cầu may…cũng như cùng gia đình trải nghiệm các phong tục tập quán địa phương như làm bánh coóc mò, xôi nếp lá gừng…
Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những rừng hồi, quế, sở, những thửa ruộng bậc thang, những cao nguyên trùng điệp trải dài tầm mắt, nhất là vẻ đẹp tự nhiên, hùng vĩ của các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử như: thác Khe Vằn, đình Lục Nà, bãi đá thần - núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc A…
Không chỉ thế, với đặc thù có 96% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, Bình Liêu còn có nhiều lễ hội, nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, đa dạng: nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của người Sán Chỉ, lễ hội đình Lục Nà, hội hát Sán cố của người Dao, các chợ phiên hằng tuần vào ngày chủ nhật...
Đây là những điểm khác biệt, những tiềm năng, nguồn tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biên giới, du lịch cộng đồng... với bản sắc riêng có.
“Thương hiệu” mới trên bản đồ du lịch Quảng Ninh
Thực hiện chủ trương của tỉnh Quảng Ninh về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển từ "nâu" sang "xanh", đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Bình Liêu đã tập trung khai thác các lợi thế riêng có về cảnh quan, thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, từ đó tạo sản phẩm du lịch mới cho tỉnh, trở thành điểm đến với nhiều giá trị khác biệt, hấp dẫn du khách.
Những năm qua, Bình Liêu dồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng riêng; xây dựng đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; xúc tiến quảng bá phát triển sản phẩm và thu hút đầu tư vào du lịch; triển khai các chương trình kích cầu du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng các điểm, tuyến du lịch.
Từ một huyện miền núi biên giới với kinh tế chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp, du lịch của huyện Bình Liêu đã có nhiều khởi sắc, với bức tranh toàn cảnh về môi trường thiên nhiên, địa lý và văn hóa cuốn hút. Đến nay, Bình Liêu đã tạo dựng được thương hiệu điểm đến du lịch biên giới, du lịch thu đông với các sản phẩm nổi trội như Hội mùa vàng, Hội hoa sở… góp phần phát triển du lịch bốn mùa, từng bước khẳng định vị thế của một điểm đến mới không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Quảng Ninh.
Những năm qua, lượng khách và doanh thu du lịch của huyện tăng đều từng năm. Nếu như năm 2015, Bình Liêu chỉ đón trên 33.000 lượt khách thì đến năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt trên 85.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ liên quan du lịch đạt trên 26 tỷ đồng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến với Bình Liêu khoảng 42.000 lượt. Theo ông Hoàng Ngọc Ngò - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, mặc dù lượng du khách năm nay đến với Bình Liêu tăng gấp 170 lần so với năm 2022 nhưng huyện vẫn đang quan tâm nâng cao dịch vụ, sản phẩm du lịch để níu chân du khách ở lại lâu hơn.
“Huyện đang nỗ lực khôi phục lại các lễ hội truyền thống gắn với sự tham gia của người dân. Đồng thời, sưu tầm một số nét văn hóa, món ăn, nguyên liệu, dược liệu theo mùa, theo vùng để bảo tồn và chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch đặc sắc”, ông Ngò cho biết.
Trong chiến lược phát triển du lịch, huyện Bình Liêu xác định phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế sự trùng lặp với các địa phương có tiềm năng tương đồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, tạo ra sự hấp dẫn và chất lượng, làm gia tăng giá trị và thương hiệu du lịch của Bình Liêu.
Ngành du lịch Bình Liêu đặt mục tiêu đến năm 2025, đón 221.900 lượt khách tới du lịch, đạt tổng doanh thu 152,7 tỷ đồng; đến năm 2030, đón 648.000 lượt khách tới du lịch, đạt tổng doanh thu 554,3 tỷ đồng, đóng góp 20,3% vào tăng trưởng kinh tế của huyện.