Phong tục ở rể của người Thái đen ở Sơn La
Đồng bào dân tộc Thái, đặc biệt là người Thái đen cư trú ở tỉnh Sơn La có một nền văn hóa hết sức đặc sắc, từ nhà ở, trang phục, ẩm thực cho đến các phong tục ma chay, cưới hỏi. Trong đó đặc biệt phải kể đến tục ở rể. Đây là một tục lệ có từ lâu đời và cũng phần nào thể hiện tính nhân văn của tộc người này.
Bà Lò Thị Lào, 76 tuổi, trú tại bản Nặm Ban, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chia sẻ: “Phong tục ở rể của người Thái đen ở Tây Bắc đã có từ lâu đời. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, những nhà giàu thì người con trai có thể phải ở rể đến 9 năm, bình thường nhất cũng phải 3 năm, chỉ hoàn cảnh đặc biệt mới được ở rể 1 năm”.
Cũng theo bà Lào thì đây là một phong tục độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Việc chàng trai ở rể một thời gian bắt buộc ở nhà gái cùng tham gia các công việc hàng ngày, phải làm lụng tất cả các công việc từ việc nhẹ đến nặng nhọc là một cách để trả ơn sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ cô gái.
Đồng thời, trong khoảng thời gian đó, cô gái cũng trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, may chăn đệm, mùng màn để khi về nhà chồng thì mang theo làm của hồi môn.
Còn chàng trai, ngoài thời gian làm lụng, đỡ đần cho gia đình vợ thì ngày tranh thủ đi rừng chặt gỗ, tre, nứa để chuẩn bị sau khi hết thời gian ở rể thì có thể dựng nhà ở riêng, còn tối về chẻ đóm cho vợ đồ xôi và chẻ nan để đan lát các đồ dùng vật dụng hàng ngày.
Chính vì phải tự tay chuẩn bị mọi đồ dùng, vật dụng cho gia đình của mình sau này nên từ thời xa xưa, người con gái Thái đã nổi tiếng đảm đang, vén khéo và giỏi thêu thùa, may vá. Còn những người con trai Thái thì giỏi đan lát, chế tạo nông cụ, đồ đi rừng, thậm chí là dựng nhà dựng cửa.
Ngày xưa, khi phong tục này còn nặng nề thì chàng trai thời gian đầu đến ở rể phải ngủ ở giường dành cho khách, gọi là “Khưới quản”. Sau một thời gian thử thách, khi đã tạo được lòng tin cũng như nhận được sự chấp thuận của gia đình vợ thì anh ta mới chính thức được coi như thành viên của gia đình, chính thức là con rể, hay còn gọi là “Lục khưới”.
Để chàng trai được đến ở rể thì nhà trai phải làm một lễ cưới gọi là “Đoong khửn”, tức là “cưới lên”. Lễ gồm có lợn, gà, nồi xoong, củi, mắm, muối... Đồ lễ đó sau khi mang sang nhà gái sẽ được chế biến để thết đãi người thân, họ hàng của cô gái.
Trong thời gian ở rể, chàng trai phải cùng vợ làm tất cả các công việc hàng ngày, như sáng dậy thì giã gạo bằng cối giã bằng chân dưới gầm sàn. Giã xong, trong lúc vợ sàng sẩy thì đi gánh nước làm sao cho đủ để gia đình dùng trong 1 ngày. Khi vợ nấu ăn sáng thì anh ta tranh thủ mang dao, cuốc, xẻng ra mài lại để cả ngày lên nương hoặc xuống ruộng sử dụng...
Sau thời gian ở rể, nhà trai một lần nữa lại phải chuẩn bị như đám cưới, gọi là “Đoong lông”, để chính thức đón dâu về nhà chồng. Thời gian ở rể làm cho tình cảm của con rể với nhà vợ gắn bó hơn, bố mẹ vợ luôn coi con rể như con trai.
Ông Quàng Văn Bình (57 tuổi), Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: “Thế hệ chúng tôi cách đây gần 30 năm thì phải ở rể khoảng 1 năm. Nhưng bây giờ với con cháu chúng tôi thì phong tục ở rể chỉ còn là tượng trưng. Ví dụ nhà trai chỉ đưa một số tiền nhỏ để làm cỗ mời nhà gái, còn ở rể thì gần như không còn”.
Như vậy, phong tục ở rể của người Thái đen ở Tây Bắc tuy được cải biến cho phù hợp với điều kiện của đời sống hiện tại, nhưng nét đẹp văn hóa ở phong tục này vẫn còn nguyên vẹn. Đó là việc báo hiếu cho cha mẹ của các cô gái trước và ngay cả sau khi đi lấy chồng. Đồng thời, phong tục đó cũng phần nào khẳng định vai trò của nữ giới, đảm bảo quyền bình đẳng giới trong cộng đồng người dân tộc Thái ở Tây Bắc.