Văn hóa

Lễ hội Ok Om Bok Sóc Trăng, nét đẹp tín ngưỡng đặc sắc của người Khmer

Hải Thanh 06/11/2023 - 18:59

Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 sẽ diễn ra từ 25 - 27/11. Đây là hoạt động văn hoá - thể thao thể hiện tính cộng đồng, có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào dân tộc Khmer.

Lễ hội Oóc om bóc hay Lễ hội cúng trăng thường diễn ra vào ngày rằm tháng 10 hằng năm, với các hoạt động chính như Giải đua ghe Ngo, Lễ cúng trăng, hội thi Lôi Protip (thả đèn nước) và trình diễn ghe Cà hâu.

Lễ cúng trăng được tổ chức đêm 14/10 âm lịch tại các gia đình, ngay khi trăng vừa lên. Một mâm sản vật (không thể thiếu cốm dẹp) được bày giữa sân. Gia chủ khấn nguyện cúng lên thần những sản vật của vụ mùa vừa qua.

Sau khi cháy hết tuần hương, người già và trẻ em đến ngồi xếp bằng trước ban thờ, chắp tay thành kính trước ban thờ mặt trăng. Cuối cùng mọi người hạ cỗ cùng nhau hưởng lễ vật; trẻ nhỏ nô đùa, múa hát dưới trăng. Nếu có khách đến vào ngày này thì họ sẽ có quà bằng cốm dẹp.

Sau lễ cúng trăng, các gia đình đến chùa xem thả đèn gió, đèn Lôipratip (đèn nước-hoa đăng). Bầu trời rực sáng với những chùm đèn gió bay cao, trên sông lung linh đủ màu sắc của những ngọn nến được cắm trong những con thuyền hoặc bè nhỏ kết bằng cây chuối, trang trí giấy đủ màu sắc.

Đua ghe ngo là phần hấp dẫn nhất trong Lễ hội Óoc om bóc - một trong ba lễ hội lớn của người Khmer bên cạnh Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và lễ cúng ông bà Sene Dolta. Đây được coi là hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, thể hiện sự biết ơn đối với Thần nước đã phù hợp cho người dân mùa màng bội thu.

Phong tục đua ghe ngo còn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng đối với đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống tại vùng đất trù phú Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

8.png

Xuất phát từ hình ảnh con rắn trườn đi trên mặt nước, người dân nơi đây đã tạo dáng chiếc ghe ngo như con rắn cho gọn nhẹ, dễ bơi. Ghe ngo nguyên thủy là một chiếc thuyền độc mộc, khoét ruột từ một thân cây. Ngày nay, việc tìm được cây vừa to, vừa dài rất khó khăn, người Khmer đã dùng những mảnh ván ghép với nhau để thay thế.

Mỗi chiếc ghe ngo là do một ngôi chùa, đại diện cho một hay nhiều phum sóc (cụm dân cư) người Khmer tạo ra và tham gia tranh tài. Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ. Sự thành bại của ghe ngo trong hội đua còn là niềm vinh dự, là tiếng thơm của ngôi chùa, của một địa phương tham gia thi đấu.

Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer ở Sóc Trăng gắn liền với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Khmer; phản ánh khát vọng về cuộc sống bình an, phồn thịnh thông qua việc khấn cầu vị Thần Mặt Trăng và tổ chức đua ghe.

Đồng thời, lễ hội thể hiện sự gắn bó mật thiết của con người với môi trường tự nhiên, bày tỏ lòng tri ân và cầu xin thần linh tha thứ về những việc làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đây còn thể hiện được tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết tạo thành sức mạnh vô song, niềm tự hào dân tộc. Chính hội đua ghe này đã làm nên bản sắc, đặc trưng cho cộng đồng dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.

Các hoạt động của lễ hội nhằm đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Sóc Trăng, thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia hoạt động du lịch.

Hải Thanh