Những sứ giả kết nối văn hóa vùng cao
Trong hơi thở của nhịp sống hiện đại, trước sự ảnh hưởng của quá trình hội nhập ngày càng lớn, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có dấu hiệu bị mai một. May mắn thay chúng ta vẫn có những bạn trẻ mang trong mình khao khát giữ lửa cho bản sắc văn hóa dân tộc.
Lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc
Với mong muốn quảng bá hình ảnh dân tộc mình đến với người dân cả nước và du khách quốc tế, các bạn trẻ, đặc biệt các hot Tiktoker, youtuber vùng cao đã và đang hiện thực hóa những dự định của mình, trở thành một "cây cầu nhỏ" góp phần đưa văn hóa dân tộc đồng bào thiểu số được lan tỏa và được nhiều người biết đến hơn.
Nhắc đến Tiktoker là người dân tộc thiểu số, không thể không nhắc đến cái tên Thảo Nguyên Farmer (Hoài Thương), Lộc Ánh Thu. Họ đã sáng tạo nhiều nội dung mang đậm chất văn hóa của người Tày ở Hà Giang.
Không quá cầu kỳ, nội dung trong mỗi clip đều được Thảo Nguyên Farmer, Lộc Ánh Thu chọn cách khai thác giản dị để toát lên tối đa chất mộc mạc, đúng với phong cách của người Tày.
Chìm đắm vào những thước phim của cô nàng thôn nữ Lộc Ánh Thu, người xem còn được nhìn thấy trực quan nhiều nét văn hóa đặc trưng khác của dân tộc vùng cao như lối sống quây quần làng xóm đùm bọc giúp đỡ nhau, tiếng Tày cơ bản mà nhiều người dân nơi đây vẫn duy trì sử dụng trong giao tiếp như nét đẹp văn hóa đầy tự hào. Hay những kiến trúc nhà sàn đa dạng từ mái lá lợp đầy rêu xanh đã tồn tại suốt vài chục năm đến cao ráo rộng rãi nhưng vẫn vẹn nguyên màu sắc cổ xưa. Các lễ hội lớn được nhiều bạn trẻ miền xuôi quan tâm như lễ hội Lồng Tồng, Mèo Vạc, Đồng Văn,… cũng được Ánh Thu mở ra trong những tuyến nội dung nhuốm màu dân tộc của mình.
Hay những câu chuyện về hành trình lên nương, đặc biệt là văn hóa ẩm thực, giới thiệu những món ăn đặc biệt nơi vùng đất Hà Giang như bánh trứng kiến, món nhộng ong… đều được Hoài Thương chia sẻ qua những clip hết sức dung dị, đời thường. Giản dị nhưng không có nghĩa nhàm chán, những nội dung đều được họ khai thác qua lời kể hóm hình, qua đó lôi cuốn và giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa vùng sơn cước.
Cũng giống như Tiktoker Thảo Nguyên Farmer, Lộc Ánh Thu, bằng kênh youtube Hướng Giáy Sa Pa, cô gái dân tộc Giáy Vũ Thị Ngọc Hướng đã sáng tạo nhiều nội dung mang đậm chất văn hóa của người dân tộc Giáy xã Tả Van và các dân tộc tại quê hương Sa Pa với mong muốn phát triển du lịch, dịch vụ.
Với Hướng, phát triển kênh youtube đơn giản là muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa dân tộc Giáy nói riêng và các dân tộc sinh sống trên địa bàn thị xã Sa Pa nói chung. Những video bình dị về cuộc sống, văn hóa của người Giáy như làm bánh chưng đen người Giáy những ngày đầu xuân, mâm cơm cúng truyền thống của người Giáy, trang phục của người Giáy… hay những clip kể chuyện, hát dân gian bằng tiếng Giáy, thông qua những video đó đã giúp người xem cảm nhận được một cuộc sống yên bình, một bản Tả Van đẹp thơ mộng và mong muốn được đến đây vào một ngày nhất.
Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số luôn chứa đựng những giá trị tốt đẹp. Nếu không được đẩy mạnh quảng bá, những giá trị ấy sẽ thiếu sức lan tỏa và dần mai một. Không phải ai cũng có điều kiện lên tận vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu văn hóa của bà con. Do đó, việc làm clip quảng bá như vậy sẽ giúp mọi người có thể hiểu ít nhiều về văn hóa, đời sống vùng cao; tạo sự kết nối giữa cộng đồng các dân tộc. Xa hơn là đưa văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến với bạn bè quốc tế".
Nâng tầm nông sản miền núi
Từ một thạc sĩ lâm nghiệp chuyên làm nghiên cứu về quản lý tài nguyên rừng bền vững, Chảo Thị Yến (dân tộc Dao ở Bát Xát, Lào Cai) chuyển hướng sang kinh doanh. Nhận thấy bán hàng qua các kênh mạng xã hội rất tiềm năng, Yến mạnh dạn cùng người dân bản địa tiếp cận thương mại điện tử để bán các mặt hàng đặc sản quê hương như nông sản, dược liệu, bài thuốc của người Dao…
Với kiến thức chuyên môn được đào tạo bài bản về quản lý tài nguyên rừng bền vững, Yến luôn chú trọng truyền đạt cho người nông dân cách khai thác nông sản bản địa theo hướng bền vững và đạt chuẩn chất lượng. Khi khai thác nguyên liệu cho bài thuốc lá tắm của người Dao, Yến đề nghị mọi người chỉ khai thác cành lá, không được lấy rễ và phần thân gỗ, không khai thác tận diệt để cho cây tồn tại và phát triển.
Cô tuyên truyền người dân không đi lấy mật ong rừng ngay sau khi trời mưa vì sẽ không đảm bảo chất lượng của mật. Nếu ai vẫn cố tình đi thu hoạch sớm, cô kiên quyết không mua lại.
Tìm kiếm trên mạng xã hội với cụm từ khóa "Đại Bắc Kạn" của vợ chồng anh Lường Quang Đại (người Tày) và chị Lý Thị Xuân (người Dao), ai cũng có thể dễ dàng nhận ra những clip thú vị, cuốn hút dù có nội dung vô cùng mộc mạc về cảnh 2 vợ chồng trẻ lên rừng bắt cua, hái măng, đào củ rồi quây quần bên mâm cơm giữa trùng điệp sơn cước. Giản dị là vậy, nhưng có những clip đạt tới 6-7 triệu lượt xem cùng hàng loạt bình luận tích cực, ca ngợi cuộc sống hạnh phúc, truyền cảm hứng của anh chị.
Các clip giản đơn đó chính là nền tảng giúp nhà nông sinh năm 1990 có được bước ngoặt về kinh doanh vào cuối năm 2022. Từ 1 clip quay đồi quýt của gia đình, anh Lường Quang Đại đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng thông qua mạng xã hội và thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ chỉ sau vài ngày.
Có thêm kinh nghiệm, anh mạnh dạn mang nông sản quê hương đi bán ở nhiều địa phương trên cả nước như Yên Bái, Bắc Giang, Đồng Tháp..., đồng thời bắt tay vào livestream kinh doanh nhiều mặt hàng như măng khô, trà giảo cổ lam, trà hoa đu đủ, miến dong...
Họ chỉ là trong số rất nhiều bạn trẻ thời gian qua đã dùng mạng xã hội để lan tỏa văn hóa truyền thống tới bạn bè trong nước và quốc tế. Còn nhiều tiktoker, youtuber đã tận dụng sự phát triển của công nghệ hiện đại, giới thiệu nhiều điểm du lịch ở vùng cao, nét văn hóa truyền thống, món ăn độc đáo, như Mai Tây Bắc, Huân Đậu Đậu, Alăng Prắc…
Với họ, sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống với những nét hiện đại được sáng tạo trong cuộc sống, dù khác nhau về hình thức, cách thức thực hiện nhưng có một điểm chung là xuất phát từ tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc, muốn dung dưỡng và lan tỏa nét đẹp đó vào đời sống đương đại.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “TikTok là kênh truyền thông rất được giới trẻ mến mộ. Việc một số TikToker trẻ tuổi làm nội dung quảng bá văn hóa vùng miền, DTTS chứng tỏ thế hệ trẻ không hề quay lưng lại với văn hóa dân tộc, chỉ là chúng ta chưa biết cách khơi dậy tình yêu đó. Việc làm này đang giúp những giá trị truyền thống của nước nhà có thêm sức sống trong bối cảnh mới”.
Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho biết thêm, Việt Nam là quốc gia có kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc. Đây là tài sản vô giá của dân tộc. Nếu biết cách phát huy, khối tài sản ấy không chỉ giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn lan toả giá trị sang những lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
“Đã có nhiều giải pháp để thực hiện điều này nhưng sự xuất hiện của TikTok đã giúp chúng ta có thêm phương tiện để làm tốt hơn, tạo sức lan toả mạnh mẽ. Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của một bộ phận bạn trẻ làm clip về nội dung này. Họ đã trở thành cầu nối, đưa văn hóa vùng miền, DTTS đến gần hơn với người xem. Cách làm như vậy rất đáng khích lệ và cần được nhân rộng.
Việc tăng cường quảng bá văn hóa trên không gian mạng còn là cách để chúng ta lấy cái đẹp dẹp cái xấu và có thêm nhiều người nhận thức đúng đắn, hành vi tích cực với văn hóa đất nước. Bất kỳ ai không có trong mình kiến thức về văn hóa quốc gia đều là những “bản sao mờ” thiếu sức sống, vong bản của văn hóa nước ngoài”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, những bạn trẻ yêu mến văn hóa dân tộc mình và muốn lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp đó đến mọi người xung quanh thông qua mạng xã hội, đó là một điều đáng biểu dương và hoan nghênh.
Khi mỗi cá nhân làm những Video giới thiệu về quê hương phải trung thực, khách quan và phải hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, góp phần bảo tồn và làm giàu văn hóa các dân tộc của nước ta. Tránh việc lạm dụng, hoặc chỉ khai thác những điều lạ lẫm, nhạy cảm, tạo sự hiểu lầm, kì thị về văn hóa dân tộc.