Gặp mặt nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất tại tỉnh Lai Châu, năm 2023, chiều 3/11, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức gặp mặt các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham dự Ngày hội.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cùng chủ trì buổi gặp mặt.
Cùng dự buổi gặp mặt có đông đảo các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của các dân tộc Lự, Mảng, Si La, Cống, Bố Y, Lô Lô, Pà Thẻn, Brâu, Rơ Măm, Chứt, Cờ Lao, Ngái, Ơ Đu… đến từ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Tuyên Quang, Kon Tum, Quảng Bình…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; đặc biệt là văn hóa của đồng bào các dân tộc rất ít người.
Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được khẳng định trong các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật… về tôn vinh, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc rất ít người.
Gần đây nhất, nhiều nội dung, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người nói chung và công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của những dân tộc này nói riêng.
Về phía Bộ VHTTDL, trong nhiều năm qua, Bộ đã có những chỉ đạo đặc biệt nhằm xây dựng những chính sách, hoạt động cụ thể trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Trong đó, chính sách, hoạt động về bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc rất ít người; triển khai dự án bảo tồn làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số… được Bộ đặc biệt chú trọng.
Đặc biệt với Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ VHTTDL triển khai thực hiện là xây dựng những chính sách, chương trình phục dựng trang phục truyền thống các dân tộc rất ít người.
Thứ trưởng tiếp tục khẳng định, việc tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, công tác phát triển chính sách, văn hoá, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; cũng như tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nghệ nhân, các cá nhân có nhiều đóng góp khi đã gác lại các công việc cá nhân và gia đình, không ngại đường xá xa xôi, hiểm trở tại vùng cao để đi tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ đó đã góp phần giúp những “di sản vô giá” của đồng bào các dân tộc rất ít người được trao truyền từ đời này đến đời sau; góp phần vào công cuộc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong phát huy truyền thống văn hoá dân tộc; củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, NNƯT Hù Cố Xuân (dân tộc Si La, tỉnh Lai Châu) thể hiện sự xúc động khi nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc rất ít người: “Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trang phục, nghề truyền thống cùng nhiều giá trị văn hoá khác của đồng bào các dân tộc Si La đã được bảo tồn, phát huy. Mỗi dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc anh em đều mang trong mình những giá trị văn hoá truyền thống quý giá, cần được trao truyền qua các thế hệ. Do đó, tôi mong các Ban, Bộ, ngành tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến công tác dân tộc; nhất là việc khôi phục các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc rất ít người”.
NNƯT Lồ Lài Sỉu (dân tộc Bố Y, tỉnh Lào Cai) cho hay thời gian qua, đồng bào các dân tộc Bố Y đã nỗ lực sử dụng ngôn ngữ của mình để trao truyền các giá trị văn hoá cao quý cho thế hệ kế cận. NNƯT Lồ Lài Sỉu mong muốn Nhà nước tiếp tục ban hành những chính sách cụ thể, tạo động lực cho bà con dân tộc Bố Y bảo tồn, phát triển văn hoá.
Phát biểu kết luận tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải nhấn mạnh buổi gặp mặt lần này chính là dịp để các nghệ nhân, những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc rất ít người có cơ hội kết nối, học hỏi, tương trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển.
Ông Tống Thanh Hải cũng mong muốn các nghệ nhân, những người có nhiều đóng góp thuộc cộng đồng các dân tộc rất ít người sẽ tiếp tục là những đầu tàu gương mẫu; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, vận động và trao truyền cho con em mình, đồng bào mình kho tàng văn hóa quý báu của dân tộc. Những mong muốn của các nghệ nhân tại buổi gặp mặt sẽ được tiếp thu, nghiên cứu, làm cơ sở cho công tác tham mưu ban hành chính sách trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ và ông Tống Thanh Hải đã trao quà cho các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy và trao truyền văn hoá của 14 dân tộc tham dự Ngày hội.