Khẩn cấp ngăn chặn nạn tự tử và xâm hại trẻ em
Để khắc phục, hạn chế tới mức thấp nhất nạn tự tử và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Hà Giang đã yêu cầu các sở, Ban, ngành, huyện, tập trung thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Hà Giang, thời gian gần đây nổi lên vấn đề rất đáng quan ngại trên địa bàn tỉnh đó là nạn tự tử và tội phạm xâm hại trẻ em. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng, trực tiếp tác động, ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân, quyền và lợi ích của trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực trong dư luận xã hội. Do đó, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, mọi tầng lớp nhân dân chung tay giảm thiểu vấn nạn này.
Địa bàn xảy ra các vụ tự tử chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân ở những nơi này còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử là do nạn nhân thiếu bản lĩnh trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống, bế tắc trong quan hệ tình cảm, hôn nhân, gia đình, bạn bè; tiêu cực do mắc bệnh nan y, hiểm nghèo. Đặc điểm tính cách, tâm lý của số người này là bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, mặc cảm, thường sống khép kín, khi phát sinh mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời hoặc bế tắc trong cuộc sống, họ thường nghĩ ngay đến cái chết. Do những yếu tố khách quan tác động, suy nghĩ giản đơn, không lường hết hậu quả.
Đáng chú ý là tình trạng sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt hàng ngày còn mang tính phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nạn tự tử...
Còn nguyên nhân chủ yếu của tội phạm xâm hại trẻ em là do công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ trẻ em còn chưa hiệu quả. Các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu sự nhận biết về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em. Tác động của phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại trên mạng internet. Nhận thức, kỹ năng của trẻ em về pháp luật, xã hội còn hạn chế, nhiều trẻ em chưa cảnh giác, chưa biết bảo vệ bản thân khỏi thủ đoạn của tội phạm xâm hại trẻ em.
Để khắc phục, hạn chế tới mức thấp nhất nạn tự tử và phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn. Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, thành viên, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như tiếp tục đẩy mạnh quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, quan tâm đầu tư các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT-XH, nhất là thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng DTTS. Tạo việc làm ổn định tại chỗ, hạn chế tình trạng thất nghiệp gắn với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; xác định “phát triển KT-XH, nâng cao dân trí” là giải pháp cơ bản và lâu dài để hạn chế nạn tự tử, tội phạm xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, trường học, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân biết quý trọng cuộc sống, nhận thức đầy đủ hơn về các vấn đề xã hội, trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, nhận thức sâu sắc hậu quả do nạn tự tử gây ra. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trực tiếp tại cộng đồng về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, chú trọng các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn xã hội, địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng DTTS.