Phát huy giá trị văn hóa, du lịch bắt đầu từ thế hệ trẻ
Ở huyện Con Cuông (Nghệ An), Nghệ nhân Ưu tú Lương Văn Nghiệp nổi danh không chỉ là người nắm giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái, mà còn nhiệt huyết truyền dạy các giá trị này cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn chưa nguôi trăn trở tìm cách để văn hóa truyền thống hòa nhịp, tương trợ cùng tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, giúp làm đẹp, làm giàu cho quê hương.
Trăn trở nỗi lo mai một
Tháng 8/2023, UBND xã và Đoàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) tổ chức lớp dạy cồng, chiêng cho các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Lớp học có 30 học viên đăng ký tham gia, học trong 10 buổi (vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần). Người truyền dạy trực tiếp cho các học viên là nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp (66 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca-dân vũ bản Cằng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Sau 10 buổi học tập nghiêm túc, đầy hứng thú, các học viên của lớp đã thành thạo những kỹ năng đánh cồng, chiêng của dân tộc Thái; đặc biệt là cách sử dụng cồng, chiêng, trống trong những dịp lễ, tết….
Được biết, đây là lần thứ 3, xã Môn Sơn tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ của dân tộc Thái cho thế hệ trẻ xã nhà. Việc tổ chức lớp dạy là một hoạt động thiết thực, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Gặp gỡ nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp ngay sau khi bế giảng lớp học, ông phấn khởi chia sẻ: “Rất vui là từ chỗ chưa biết gì về cách đánh cồng, chiêng, đánh trống, qua lớp học, các cháu đều đã có thể đánh một cách thành thục… Đặc biệt, các cháu đã nhận ra được cái hay, cái đẹp của các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc mình và đều có nguyện vọng được tìm hiểu, học hỏi thêm các loại nhạc cụ khác cũng như nhiều loại hình dân ca, dân vũ”.
Chia sẻ niềm vui, song đâu đó trong ánh mắt của người nghệ nhân ưu tú ấy vẫn khắc khoải nỗi niềm ưu tư. Ông Nghiệp bày tỏ: Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ. Xưa kia, ai cũng biết chơi một vài nhạc cụ. Các cụ truyền dạy theo phương thức truyền đời, cha dạy cho con, anh dạy cho em và cứ thế nối tiếp…
Nhưng vài chục năm trở lại đây, cách sử dụng các loại nhạc cụ nói riêng và âm nhạc của người dân tộc Thái nói chung dần mai một. Các loại hình văn hóa mới, âm nhạc hiện đại với sự hấp dẫn, mới mẻ đã khiến cho rất nhiều người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cuốn theo.
Người biết sử dụng các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, các nghi lễ theo thời gian cứ ít dần. Nhiều năm lại đây, các cấp, ngành, địa phương đã có sự quan tâm đầu tư, nỗ lực khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống. Dẫu đã rất cố gắng song phải nói rằng, số người có nhận thức đầy đủ cũng như có thể thực hành các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc vẫn chưa nhiều.
Trong nỗ lực gìn giữ , bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái ở xã Môn Sơn, huyện con Cuông thì ông Lương Văn Nghiệp là người hết sức tâm huyết và đi đầu. Ông Lương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, Con Cuông kể: “Lo lắng với việc mai một các giá trị văn hóa truyền thống, năm 2010, ông Nghiệp đã đề xuất xã thành lập Câu lạc bộ Dân ca-Dân vũ bản Cằng.
Với vai trò chủ nhiệm, ông Nghiệp đứng ra tập hợp các thành viên, là những người yêu thích các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ trong bản, trong xã và tổ chức sinh hoạt. Ông Nghiệp cũng chính là người sưu tầm, sáng tác, dàn dựng các tiết mục cho câu lạc bộ".
Câu lạc bộ sinh hoạt 1 tháng 1 lần, các thành viên ôn luyện những bài hát (Khắp, lăm, nhuôn, xuối) điệu nhảy (xòe, nhảy sạp, lam vông) chơi nhạc cụ dân tộc Thái (khèn bè, bí, đàn tập tinh..) và thực hành các nghi lễ. Câu lạc bộ đã nhiều lần tham gia các hội thi, hội diễn ở xã, huyện, tỉnh và đạt giải cao.
Từ chỗ ban đầu câu lạc bộ chỉ có 4 thành viên, sau ít năm đã thu hút được từ 30-40 người thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi thường xuyên tham gia sinh hoạt, trong đó, có khá nhiều thiếu niên, nhi đồng, đoàn viên, thanh niên.
Đến năm 2014, Câu lạc bộ Dân ca dân vũ bản Cằng được công nhận là câu lạc bộ mô hình văn hóa tiên tiến cấp tỉnh. Năm 2015, ông Lương Văn Nghiệp là người đầu tiên ở huyện Con Cuông được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Bản sắc văn hóa là lợi thế phát triển du lịch
Xuyên suốt quá trình hoạt động của Câu lạc bộ Dân ca-Dân vũ bản Cằng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, động viên từ các cấp, ngành. Để câu lạc bộ phát triển bền vững hơn, huyện Con Cuông, xã Môn Sơn cũng đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tích cực phối hợp với câu lạc bộ để tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc Thái phục vụ du khách; qua đó, giúp câu lạc bộ có thêm kinh phí hoạt động.
Trong những lần tổ chức biểu diễn phục vụ du khách, nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp nhận thấy, các chương trình dân ca, dân vũ, biểu diễn nghi lễ truyền thống dân tộc Thái rất được du khách hoan nghênh, hưởng ứng. Du khách đặc biệt yêu thích văn hóa cồng, chiêng, nhảy sạp,... và đều có mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa.
Do đó, có thể thấy, bên cạnh những danh lam, thắng cảnh thì chính các giá trị văn hóa truyền thống là yếu tố hết sức quan trọng để thu hút, níu giữ du khách nhiều lần đến với huyện Con Cuông. Phát triển du lịch và gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống có mối quan hệ hữu cơ, nâng đỡ lẫn nhau.
Nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp chia sẻ thêm: “Từ nhận thức này, mỗi lần tham gia biểu diễn phục vụ du khách thì các thành viên câu lạc bộ luôn cố gắng thực hiện một cách tốt nhất, đầy đủ nhất để mọi người có thể hiểu thêm về mảnh đất, con người Con Cuông nói riêng và cộng đồng dân tộc Thái miền Tây Nghệ An nói chung.
Trong hoạt động câu lạc bộ, chúng tôi cũng cố gắng thu hút thêm sự tham gia của thế hệ trẻ. Quá trình truyền dạy cho các con, các cháu ở địa phương, tôi cũng cố gắng truyền đạt tất cả hiểu biết của mình về các giá trị văn hóa truyền thống; nói thêm cho các cháu hiểu về mối tương quan giữa phát triển du lịch và gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, qua đó, ý thức vươn lên đảm trách nhiệm vụ giữ vững “tài sản quý” để vận hành du lịch hiệu quả, bền vững, làm giàu cho quê hương”.
Là người trực tiếp phục vụ khách du lịch, Nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp cũng thẳng thắn chỉ rõ nhược điểm trong công tác phát triển du lịch – văn hóa ở địa phương là: Hiện tại, số lượng người trẻ có thể tham gia biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ du khách là chưa nhiều; người làm du lịch ở địa phương thông thạo ngoại ngữ và văn hóa bản địa có thể giới thiệu cho du khách quốc tế về các nét đặc trưng truyền thống gần như không có.
Các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bằng việc mở các lớp truyền dạy; phát triển các câu lạc bộ dân ca, dân vũ; tăng cường đưa âm nhạc dân tộc Thái vào trường học; mở các lớp dạy Tiếng Anh cộng đồng cho người làm du lịch, nhất là thế hệ trẻ.
Trước đề xuất của Nghệ nhân ưu tú Lương Văn Nghiệp, Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Hoài An cho biết: “Huyện cũng đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai chiến lược đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cho người dân địa phương, nhất là kỹ năng ngoại ngữ và tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong du lịch”.