Đời sống xã hội

Thoát nghèo với mô hình chăn nuôi heo

Văn Hà 02/11/2023 08:57

Nhằm tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều năm qua UBND xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đã triển khai mô hình nuôi heo sọc dưa với đầu tư chuồng trại bài bản và áp dụng khoa học kỹ thuật, mở ra hướng mới để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Trong năm 2021, xã Ya Tăng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy triển khai mô hình nuôi heo sọc dưa và tiến hành lựa chọn 15 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn để hỗ trợ tham gia mô hình để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó người dân có thể học hỏi, rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình chăn nuôi này trong các hộ DTTS trên địa bàn.

Theo UBND xã Ya Tăng, mỗi hộ dân được hỗ trợ 4 con heo giống (trọng lượng mỗi con đạt từ 8-10kg) cùng 640kg thức ăn (gồm bột tổng hợp, gạo, bắp) để cho heo ăn trong thời gian 3 tháng và các loại thuốc phòng dịch bệnh.

Qua 2 năm thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả. Từ 15 hộ được hỗ trợ giống heo ban đầu, đến nay toàn xã có 50 hộ dân tham gia và các hộ dân đã chấp hành tốt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhờ vậy tỷ lệ sống của tổng đàn heo đạt 95% và trọng lượng hiện tại đạt từ 30-40kg/con.

a2-4-.jpg
Đàn heo của ông Tim phát triển tốt giúp gia đình tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Là một trong những hộ dân tham gia mô hình, ông A Tim (ở làng Lút) cho biết, để nuôi tốt đàn heo, gia đình ông đã dành một mảnh đất cuối vườn rộng khoảng 400m2 và xây tường gạch, rào lưới B40 bao quanh với tổng kinh phí hơn 10 triệu đồng. Gia đình ông thả nuôi 4 con heo giống do xã hỗ trợ, trong đó có 3 heo cái và 1 heo đực.

Sau 8 tháng nuôi, đàn heo đã sinh sản lứa đầu được 10 heo con. Chỉ sau thời gian ngắn, trừ chi phí thức ăn, gia đình đã bán có lãi khoảng 20 triệu đồng. So với trồng trọt thì số lãi này gần bằng sản xuất 0,5ha mì trong vụ vừa qua.

Hiện tại, gia đình ông A Tim có 15 con heo, trong đó 8 heo trưởng thành và 7 heo con. Với đàn heo này, nếu nuôi bài bản, cho ăn đầy đủ thì 1 năm heo đẻ khoảng 2 lứa, gia đình ông sẽ có một khoản thu nhập thêm đáng kể.

a1-5-.jpg
Heo sọc dưa có sức đề kháng tốt, được người dân nuôi và cho hiệu quả cao.

“Từ con giống đến kỹ thuật nuôi, gia đình tôi đều được xã Ya Tăng và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ, hướng dẫn nên rất thuận lợi và yên tâm. Giống heo này rất dễ ăn uống, chuồng trại lại cũng đơn giản. Bên cạnh đó, gia đình cũng cho heo ăn thêm rau muống, thân cây chuối nấu với cám. Mặc dù nó lớn chậm nhưng bù lại giá cao nên cũng rất hiệu quả. Từ ngày nuôi heo sọc dưa đến nay kinh tế gia đình tôi ổn định hẳn, có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình”, ông A Tim phấn khởi nói.

Ông A Nam (ở làng Trấp) cũng được hỗ xã trợ 4 con heo sọc dưa. Theo ông Nam, việc nuôi heo không tốn quá nhiều thời gian bởi có thể tranh thủ thời gian rảnh hoặc tận dụng các đồ ăn, rau củ trong gia đình là đủ. Heo sọc dưa đẻ một năm hai lứa, mỗi lần 6 - 8 con. Gia đình ông bán cho người dân trong vùng làm giống với giá từ 700.000 - 800.000 đồng một con. Còn heo lớn từ 20kg trở lên giá từ 100.000 -120.000 đồng/kg.

Ông Nam cho hay: “Gia đình tôi có một chiếc máy thái rau cho heo, nhờ vậy mà ít tốn công trong quá trình chăn nuôi. Đối với heo sọc dưa, lâu nay bà con ở đây chủ yếu nuôi với hình thức thả rông là chính, heo tự kiếm ăn.

Nuôi heo nhốt trong chuồng sẽ tốt hơn, heo được ăn đầy đủ, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại tiện cho việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cũng dễ dàng hơn. Nhưng để đảm bảo chất lượng thịt, gia đình tôi nuôi với hình thức bán thả rông. Mô hình này rất phù hợp và nhiều hộ chăn nuôi đã áp dụng rất hiệu quả”.

Bà Tạ Thị Thùy Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Tăng cho biết, mô hình nuôi heo sọc dưa phù hợp với trình độ sản xuất của nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã. Có gia đình nuôi từ 2-3 cặp, cũng có gia đình nuôi đến vài chục con. Cộng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đời sống của bà con nơi đây đã phần nào ổn định. Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh để bà con yên tâm tái đàn.

Văn Hà