Văn hóa

Sách lá - Báu vật của người Khùa

Thúy Hạnh 01/11/2023 - 19:50

Người Khùa (một nhóm nhỏ thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều) cư trú chủ yếu ở thượng nguồn sông Gianh, thuộc địa phận hai xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Họ tập trung sinh sống trên dãy núi Giăng Màn của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Văn hóa của người Khùa còn nhiều bí ẩn cần được khám phá, tìm hiểu như: Điệu hát “khắp”, tục cưới vợ 3 lần, chuyện đánh ghen, chuyện thờ thần núi Cu Lông... Đặc biệt nhất là sách lá - Báu vật hàng trăm năm nay của người Khùa.

Do nguồn gốc sinh sống ở nước bạn Lào, vốn không có chữ viết riêng, nên trước khi được học chữ quốc ngữ, người Khùa phải vay mượn chữ viết cổ của người Lào. Để lưu truyền lại cho đời sau biết về văn hóa, lịch sử của tộc người mình, người Khùa đã ghi lại trên những quyển sách lá.

25-10-23-sach-la-cua-nguoi-khua-ho-phoong.png
Sách lá của người Khùa

Sách lá, thuộc kho tàng sách văn học dân gian. Đây là những bộ sách cổ được xem như là những di sản vô giá, quý hiếm của người Khùa ở huyện vùng cao Minh Hóa. Hiện nay, số sách lá của người Khùa còn được lưu giữ không nhiều. Hơn nữa, số người già biết tiếng Lào cổ để đọc được sách lá ngày càng hiếm. Vì thế, những giá trị nội dung và nghệ thuật của sách lá không thể nào đánh giá hết, nên càng ngày càng mai một dần. Nội dung trong cuốn sách độc đáo của người Khùa, khiến nhiều người dân tò mò về cuộc sống trước đây của cha ông.

Cho đến bây giờ, người ta vẫn không thể giải thích được, vì sao mà sự tồn tại của sách lá đó có thể vượt qua sự hủy hoại ghê gớm của thời gian từ hàng trăm năm nay? Những quyển sách này vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn, cần đến sự nghiên cứu của các nhà khoa học và ngôn ngữ học.

Không biết bộ sách lá này có từ bao giờ, do ai viết, nhưng những dòng chữ cổ viết trên các mảnh lá rừng vẫn còn đậm màu và rõ nét. Ông Hồ Phoong là người còn giữ lại hai quyển sách lá cuối cùng của tộc người Khùa ở Minh Hóa (Quảng Bình). Đó là một quyển dài khoảng 50cm, có 150 trang, mỗi trang rộng chừng 5cm, có 5 dòng chữ viết, được Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Quảng Bình mượn tham khảo. Quyển còn lại dài khoảng 60cm, có 200 trang, mỗi trang có 4 dòng chữ viết được ông Hồ Phoong giao cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo nghiên cứu.

Hai bìa sách được làm bằng hai thanh gỗ hình mái nhà và được trang trí rất công phu. Họ dùng dây để xâu các trang sách lại với nhau. Điều đặc biệt là loại sách lá này có thể ngâm trong nước mưa mấy ngày liền vẫn không phai, nhòe chữ viết.

25-10-ong-ho-phoong-ben-quyen-sach-la-co.png
Ông Hồ Phoong bên quyển sách lá cổ

Ông Hồ Phoong cho biết, sách này do đời sơ (đời cố) của ông để lại cho ông nội, cha rồi truyền lại cho ông. Thời niên thiếu, Hồ Phoong được ông nội và bố kể cho nghe về nội dung của bộ sách lá. Trong đó là những từ kinh Phật khuyên răn chúng sinh làm điều lành, tránh điều dữ, hoặc những câu chuyện dân gian gắn bó với lịch sử của người Khùa.

Ông cho biết, ông nội của ông là Hồ Văn, trước lúc đi về với tổ tiên đã gọi bố ông và ông lại dặn dò phải gìn giữ cẩn thận hai bộ sách lá đã hơn 100 năm tuổi.

Theo quân ngũ và giữ nhiều trọng trách nên khi ông nghỉ hưu và mất chỉ kịp để lại cho ông Phoong hai bộ sách mà không thể truyền lại cách đọc và viết theo thứ chữ cổ. Dù không đọc được chữ trong đó nhưng trải qua bao nắng mưa, thiên tai lũ lụt với hàng chục lần chuyển nhà nhưng ông Hồ Phoong vẫn tiếp tục cất giữ nguyên vẹn hai bộ sách lá.

Sách được người Khùa xem là báu vật, không chỉ bởi nó quý giá về tuổi đời mà còn ở sự kỳ công để tạo nên nó và đặc biệt là nội dung ẩn chứa bên trong. Theo lời ông Hồ Phoong, sách được viết bởi thứ chữ Lào cổ do các nhà sư Lào xa xưa thường dùng để viết kinh Phật. Tộc người Khùa trước kia vốn định cư bên đất bạn Lào, đã tiếp thu thứ văn tự này để truyền lại cho các thế hệ sau.

Người viết được những cuốn sách như thế này, phải là người có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực và phải mất hàng năm trời mới viết xong một cuốn. Công đoạn chuẩn bị cũng hết sức công phu, bởi loại lá để viết sách phải được buộc ủ, đủ một năm trời mới đem sấy khô và viết được chữ lên đó.

Để chữ viết có thể tồn tại hàng trăm năm không phai mờ và sắc nét đến từng nét, mực để viết lên lá được dùng bằng mực tàu trộn với mật của loại cá chỉ sống ở khe suối.

25-10-23-ho-phoong-ben-quyen-sach-la-co.png
Ông Hồ Phoong lật trang sách lá cổ

Những người cao tuổi của người Khùa cho rằng, sách lá được tẩm một loại chất gì đó mà họ vẫn không biết. Nên đến nay vẫn gần như mới nguyên, không hề bị mối mọt, chữ viết vẫn còn sáng màu mực. Trước kia, bộ sách lá cổ này chỉ có những người cao tuổi trong vùng mới đọc được và đến nay, họ vẫn chưa quên những nội dung đã được sách lá cổ ghi lại.

Theo ông Đinh Thanh Dự, Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Sách lá cổ của người Khùa được ghi chép bằng tiếng Lào. Tôi đã từng gặp một số già làng người Khùa, biết được nội dung của sách lá cổ đó là ca ngợi những vị anh hùng tài giỏi trong đánh giặc, giúp dân, cứu nước, hay là những câu chuyện về lòng hiếu thảo và cả những nét văn hóa của dân tộc họ”.

Giờ đây, người Khùa ở Minh Hoá vẫn dựa vào những nội dung trong những bộ sách lá ra để chỉ dạy cho con cháu phải siêng năng lao động, hiếu thảo với cha mẹ và kể lại những câu chuyện dân gian mang đậm bản sắc của người Khùa như chuyện về chàng Kalakệt, về nàng Angkhămđeng. Người Khùa sẽ tiếp tục phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình qua bộ sách lá cổ này, để truyền đạt và truyền dạy lại cho con cháu mai sau hiểu rõ hơn về văn hóa của tộc người mình.

Thúy Hạnh