Bản sắc văn hóa Chơ - ro và nỗi lo bảo tồn
Mấy năm gần đây, chất lượng cuộc sống của đồng bào Chơ - ro ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần. Song bên cạnh sự phát triển đó, dân tộc này đã và đang phải đối mặt với bài toán bảo tồn văn hóa cổ truyền.
Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ. Hiện nay, tỉnh có 8.957 hộ, 25.712 khẩu, với 38 thành phần dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Hoa, Khmer, Tày di cư từ các vùng miền khác nhau đến định cư và sinh sống xen kẽ.. Riêng dân tộc tại chỗ, có thời gian cư trú lâu đời nhất là dân tộc Chơ-ro với số dân 8.079 người.
Người Chơ-ro được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Một số tài liệu trước đây gọi người Chơ-ro là Ro, Tô, Xôp (Coop), hay Dơ Ro. Người Chơ-ro tự gọi mình là Chrau Jro với nghĩa: Chrau/ người, Jro/ tên bộ tộc. Tín ngưỡng nguyên thủy của dân tộc Chơ-ro là thờ đa thần với quan niệm mọi vật đều có linh hồn. Người Chơ-ro thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer.
Là cư dân nhóm ngôn ngữ Môn -Khmer cư trú lâu đời ở vùng Nam Đông Dương, song, do sống gần gũi với người Việt nên người Chơ - ro sử dụng thành thạo tiếng phổ thông. Cuộc sống của người dân Chơ - ro ngày càng ổn định và thu nhập ngày càng cao. Đời sống ngày càng cao thì đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cũng phong phú và tiện nghi hơn.
Trong nhà của người dân, chúng ta có thể thấy được khá nhiều đồ dùng gia đình khác nhau. Phần lớn là sản phẩm công nghiệp với các loại nguyên liệu nhôm hoặc nhựa. Một số gia đình khá giả đã sắm được đồ dùng đắt tiền như giường, tủ, đài, ti vi, xe máy...
Đến nay, 100% thôn ấp có đồng bào Chơ - ro sinh sống đã mắc đường lưới điện phục vụ người dân. Theo thống kê tại xã bàu Chinh, thị trấn ngãi Giao, Xuân Sơn, Bình Ba, Đá Bạc, từ khi có điện, 80 % hộ gia đình người Chơ - ro ở đây có ti vi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý chuộng ngoại, thích lạ làm cho các sản phẩm dân tộc ngày bị mai một.
Người dân Chơ - ro cũng biết áp dụng một số máy móc, hay nói cách khác là đưa cơ giới hoá phục vụ việc trồng trọt. Máy cày đã thay thế sức trâu bò, máy gặt lúa thay cho dao cắt lúa, liềm, máy tuốt lúa thay cho đôi tay... Các loại thuốc trừ sâu, phân bón được người Chơ - ro sử dụng thành thạo.
Đối với chăn nuôi, thức ăn cho gia súc gia cầm được thay thế dần bằng cám công nghiệp. Hình thức chăn nuôi thả chuyển sang chăn nuôi tập trung, dựng chuồng cho từng loài. Bằng cách áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, tuy còn hạn hẹp và ở bước khởi đầu, song cũng giúp cuộc sống đồng bào Chơ- ro đỡ khó khăn hơn.
Cũng trong quá trình phát triển, do nhu cầu mức sống ngày càng tăng, người Chơ - ro không còn bó hẹp với ruộng rẫy nơi mình cư trú. Nhiều thanh niên Chơ - ro đi làm cho nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài nước tại các khu công nghiệp.
Y phục và đồ trang sức của người Chơ- ro cũng có nhiều thay đổi do xu hướng của công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, quá trình giao lưu với người Việt. Ngoài việc mặc y phục như người Việt, nhiều phụ nữ Chơ - ro đã mặc váy đầm cho bản thân và cho con gái của họ, thanh niên ưa thích mặc quần jean áo thun. Các vòng cổ, vòng tay, nhẫn bằng hạt cườm, hạt nhựa, bằng đồng... truyền thống đã chuyển sang bằng chất liệu vàng với nhiều kiểu cách.
Trong các đám cưới, chú rể Chơ - ro ngày nay đi giày da, mặc Complete; cô dâu đi giày cao gót, mặc váy đầm, thậm chí y phục còn được thay đổi nhiều lần trong ngày cưới.
Người dân Chơ - ro ngày nay đã đến các cơ sở y tế của xã, huyện để khám chữa bệnh và sinh đẻ, hầu như không theo cách chữa bệnh của các bà bóng. Một số nơi, các già làng vẫn còn áp dụng các phương pháp trị bệnh truyền thống bằng các loại cây rừng như đau bụng, nhức đầu, đau mắt, chệch khớp, rắn cắn….
Nhưng hiện nay do điều kiện giao thông phát triển, họ thường chọn bệnh viện và sử dụng thuốc Tây mỗi khi có bệnh. Phương pháp nuôi con cũng theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế xã. Sức khoẻ của trẻ em và người già khá hơn nhiều năm trước đây. Tuổi kết hôn của nam nữ thanh niên cũng cao hơn. Nghi lễ trong đám ma không kéo dài rườm rà nhiều ngày mà tổ chức tiến hành nhanh gọn.
Nhưng có một điều đáng lo ngại là cuộc sống càng hiện đại thì người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh – thiếu niên bị văn hoá ngoại lai chi phối mạnh. Điều này dẫn đến nhiều thay đổi trong quan hệ xã hội, trong quan điểm thẩm mỹ, đạo đức lối sống... Thanh niên Chơ - ro mạnh dạn tham gia các sinh hoạt giải trí mới mẻ như hát karaoke; tổ chức sinh nhật với bánh kem thắp nến; vào quán uống cà phê... Họ dễ dàng tiếp thu lối sống hưởng thụ, cá nhân.
Nghệ nhân Lý Thị Nhiển cũng bày tỏ lo lắng khi lớp trẻ dân tộc Chơ - ro bây giờ chủ yếu nghe nhạc hiện đại, nói tiếng phổ thông, thậm chí nhiều nơi trẻ em không biết nói tiếng của dân tộc mình.
“Cuộc sống của người Chơ-ro đã thay đổi, các loại nhạc cụ hay dân ca Chơ-ro ít được sử dụng hơn trước, mà chủ yếu được biết đến qua các ngày lễ hội, các đợt liên hoan văn nghệ… Tôi mong thế hệ sau này nối gót ông bà ngày xưa giữ gìn được “linh hồn” người Chơ-ro là tiếng cồng, chiêng, lời ca, điệu múa dân gian”, bà Nhiển chia sẻ.
Hiện nay, xu hướng hiện đại hoá, công nghiệp hoá là nhu cầu thực tế của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, không phải cứ hiện đại hoá là có thể phủ nhận hết những giá trị truyền thống. Mà trước hết, phải tôn trọng những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, tiếp thu những cái hay, cái đẹp, cái mới và cách tân sao cho phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ phát triển và hội nhập.