Kinh tế

Đẩy mạnh chính sách khoán bảo vệ rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thùy Dương 31/10/2023 - 20:16

Nhiều chính sách được tỉnh Bình Thuận triển khai, hỗ trợ, đầu tư cho vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, nâng lên.

screen-shot-2023-10-30-at-105057-am-6111.png
Bình Thuận hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận

Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, với trên 100.000 người, chiếm gần 8,4% dân số của tỉnh. Trong đó, đông nhất là đồng bào Chăm có hơn 40.000 người, chiếm gần 40,5% đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú xen kẽ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm của vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn thấp, địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số phân tán rộng, hơn 50% số hộ sinh sống ở miền núi, xa trung tâm, điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ thiết yếu còn khó khăn.

Mặt khác, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy đúng mức; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; sự tác động của biến đổi khí hậu… làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của đồng bào DTTS.

Qua kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, cho thấy hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chiếm 13% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 31,61% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.

Căn cứ thực trạng tại địa phương, đồng thời nhằm thực hiện tốt Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Nghị quyết quy định nội dung, định mức, cơ chế thực hiện chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư, tiêu thụ nông sản để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS.

Các đối tượng được hỗ trợ là hộ đồng bào DTTS đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp, có nhân khẩu trong độ tuổi lao động, có khó khăn về nguồn vốn, có nhu cầu đầu tư ứng trước tại 11 xã thuần đồng bào DTTS vùng cao và 21 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc các xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh. Hộ gia đình đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhận khoán bảo vệ rừng, trừ đối tượng áp dụng chính sách theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg và đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả từ tiền dịch vụ môi trường rừng…

Theo đó, đối với chính sách giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng. Đối tượng áp dụng là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhận khoán bảo vệ rừng; định mức: 300.000 đồng/ha/năm; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu hàng năm bằng 7% trên tổng kinh phí khoán bảo vệ rừng. Chi phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/5 năm.

Đối với chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất; đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống và có đất sản xuất nông nghiệp, có lao động, có khó khăn về vốn, có nhu cầu đầu tư ứng trước tại 11 xã thuần vùng cao và 21 thôn dân tộc thiểu số xen ghép thuộc xã miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh.

screen-shot-2023-10-30-at-104403-am-6207.png
Mô hình trồng bắp lai tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận

Mặt hàng thực hiện đầu tư ứng trước, gồm: giống bắp lai, giống lúa nước, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại, cụ thể như sau:

Đối với đầu tư ứng trước bắp lai: tối đa không quá 03 ha/hộ/vụ. Trong nội dung hỗ trợ, chi phí làm đất được tính theo giá thị trường; giống bắp lai không quá: 15 kg/ha; phân bón các loại không quá: 550 kg/ha; thuốc bảo vệ thực vật: 08 kg (hoặc 08 lít)/ha.

Đối với đầu tư lúa nước, theo diện tích gieo trồng thực tế của từng hộ và tối đa không quá 02 ha/hộ/vụ. Hỗ trợ chi phí làm đất theo giá thị trường; giống lúa không quá: 160 kg/ha; phân bón các loại không quá: 550 kg/ha; thuốc bảo vệ thực vật: 04 kg (hoặc 04 lít)/ha.

Thông qua các chương trình hỗ trợ trên, sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng đồng bào DTTS. Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ tham gia nhận khoán. Cùng với đó, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép ảnh hưởng môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Thùy Dương