Gương sáng

Nghệ nhân đam mê với nghề truyền thống đan lát mây tre

Văn Hà 31/10/2023 - 07:27

Gặp nghệ nhân A Dip (75 tuổi ở thôn Rơ Wăk, xã Đăk Năng, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) chúng tôi mới thấu hiểu và trân trọng hơn về những giá trị, trăn trở và cố gắng trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của những nghệ nhân nơi đây.

Trong cơn mưa rả rích không ngớt của những ngày mưa bão, chúng tôi đến thăm ông A Dip theo sự dẫn đường của bà con trong thôn. Nhắc đến A Dip, ai cũng khen ông là tấm gương sáng trong nếp sống giản dị, hòa đồng, bên cạnh đó là sự đam mê mãnh liệt với đan lát, cồng chiêng và luôn ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống ấy không để mai một.

Khi chúng tôi đến, nghệ nhân A Dip đang miệt mài trước hiên nhà chuẩn bị nguyên liệu mây, tre. Đôi tay ông rắn rỏi, khéo léo trong từng nhát dao để chẻ, gọt thân tre lớn thành nhiều nan tre, sợi lạt nhỏ hơn để làm nguyên liệu.

a1-4-.jpg
Nghệ nhân A Díp say mê với nghề đan lát mây tre.

Nghệ nhân A Dip cầm lên những chiếc gùi mới đan xong còn thơm mùi tre nứa, lần lượt giới thiệu từng chi tiết, góc cạnh cũng như kỹ thuật đan gùi cho chúng tôi chiêm ngưỡng.

Ông cho biết, ngày nay người ta còn tận dụng nhựa kết hợp với mây tre để làm nguyên liệu, qua đó giúp tăng độ bền và sự thẩm mỹ hơn. Mỗi chiếc gùi nghệ nhân A Dip làm tầm 2 – 3 ngày là xong và bán với giá từ 200 nghìn đồng/chiếc.

Để có được một sản phẩm chất lượng và đẹp phải trải qua nhiều công đoạn công phu đòi hỏi người nghệ nhân phải cẩn thận, tỷ mỉ. Nếu làm quen, biết cách thì có thể rút ngắn nhiều bước đan và chọn nguyên liệu thì cũng sẽ cho sản phẩm chất lượng.

anh-22.jpg
Để tạo ra một sản phẩm từ mây tre đòi hỏi người nghệ nhân phải say mê, có năng khiếu.

Nghệ nhân A Dip đến với nghề đan lát mây tre như một cái duyên từ khi mới 10 tuổi. Ngày ấy, vì đam mê, nhiều lần ông tự quan sát cha ông mình làm và cố gắng học theo, càng nhìn càng thích thú đến lạ nhưng ông vẫn chưa làm theo ngay được.

Thế rồi ông dần ít đi chơi với bạn bè cùng trang lứa để tranh thủ thời gian theo cha, ông mình vào rừng học cách chọn tre, nứa chất lượng làm nguyên liệu. Lần nào đi rừng về ông cũng chọn cho mình những thân tre non, nhỏ nhắn để về tập cách chẻ, chuốt nan cho quen tay.

Ban đầu ông làm các đồ chơi bằng mây tre như chong chóng, cầu mây, cung tên, hình nộm... để chơi và tặng cho bạn bè. Thời gian rảnh, ông phụ cha mình chuốt nan, chẻ sợi để làm gùi.

Khi A Dip 12 tuổi, ông xin cha mình chỉ dạy những kỹ thuật đan gùi nâng cao. Háo hức và tự tin rằng mình sẽ làm được, nhưng A Dip nhiều lần hụt hẫng, bỏ cuộc vì bị tre nứa cứa vào đôi bàn tay non nớt làm chảy máu thường xuyên, nhiều lúc phải nghỉ cả tháng trời.

Thế rồi, với niềm đam mê của mình ông vẫn miệt mài ngày này qua tháng nọ, không bỏ cuộc, hàng ngày phụ cha chuẩn bị nguyên liệu và làm các công đoạn từ dễ đến khó.

anh-333.jpg
Những sản phẩm mà nghệ nhân A Díp làm ra đều bán rất đắt hàng.

Đôi tay của ông theo thời gian cũng dần rắn rỏi, những vết cứa của tre cũng không còn làm tay ông chảy máu được nữa. Kỹ năng ngày càng tốt hơn, trong từng động tác làm dứt khoác và nhanh nhẹn như những nghệ nhân thực thụ. Làm thành thạo gùi là động lực để A Dip học thêm những môn khác.

Khi còn trẻ, trong lúc tham gia bộ đội và phải đi hành quân chiến đấu nhiều ngày trong rừng, ông cũng tranh thủ chặt tre rừng mang theo và ngồi đan lúc cả đội nghỉ ngơi. Lúc còn là thành viên của Hội Cựu chiến binh xã, ông còn đứng ra phát động nhiều phong trào liên quan đến văn hóa truyền thống, vận động các em nhỏ trong làng đi học đan lát, cồng chiêng.

Giờ đây mắt đã mờ chân cũng đã chậm, nghệ nhân A Dip không còn đi xa được như ngày xưa nữa nhưng khi trong làng có lễ hội gì thì đều không thể thiếu ông. Những lúc ấy, ông đi vận động, tuyên truyền những đứa trẻ và thanh niên trong làng tập hợp lại để phụ giúp, chuẩn bị những phần việc từ lớn đến nhỏ. Với những em nhỏ tham gia các đội nghệ nhân nhí thì ông chỉ bảo, răn dạy từng cháu.

Theo ông, mặc dù các em chưa thật sự đam mê với những bộ môn truyền thống nhưng đã chịu tập, chịu chơi, chịu nghe lời những người già trong làng thì đã là mừng lắm rồi.

“Tôi tận dụng những lúc rảnh rỗi ngồi đan lát để dạy dỗ thêm cho các cháu nhỏ, tránh đam mê sa đà vào những trò tiêu khiển hiện đại, đầy cám giỗ mà quên hết những giá trị truyền thống của cha ông. Nhìn các cháu nghe lời vậy tôi cũng thấy rất vui” – Nghệ nhân A Dip tâm tình.

Chia tay chúng tôi ra về, nghệ nhân A Dip không quên nhắn nhủ, gửi lời mời chúng tôi quay lại vào dịp lễ hội gần nhất để xem các nghệ nhân trong làng biểu diễn. Hy vọng rằng nghệ nhân A Dip cùng những lớp nghệ nhân già nơi đây sẽ luôn giữ trọn niềm đam mê với văn hóa truyền thống để truyền cảm hứng cho lớp trẻ.

Văn Hà