Đời sống xã hội

Tục “Đi sim” của người Vân Kiều ở Quảng Trị

Thúy Hạnh 31/10/2023 - 07:21

Văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, có không ít giá trị mang đậm tính nhân văn, mỹ tục. “Đi sim” là một tập tục lâu đời, thể hiện khát vọng tự do yêu đương của những chàng trai, cô gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng của các dân tộc thiểu số nơi dãy Tây Trường Sơn hùng vĩ. Trong đó, có đồng bào Vân Kiều của tỉnh Quảng Trị. Đó là cách tìm người yêu và tin vào tình yêu mà mình chọn lựa sau những lần hò hẹn, “đi sim”.

26-10-23-co-gai-bru-van-kieu-den-tuoi-dung-vo-ga-chong.jpg
Vào mùa trăng sáng, chàng trai, cô gái Bru - Vân Kiều đến tuổi dựng vợ, gả chồng lại hẹn gặp nhau để cùng trò chuyện

Lẽ ra, tục “đi sim” là một nét đẹp văn hóa rất lãng mạn đáng được trân trọng và phát huy. Thế nhưng, cơn lốc của cuộc sống hiện đại đã làm biến tướng giá trị truyền thống tốt đẹp đó. Do thiếu kiến thức, kỹ năng về cuộc sống đã để lại những hệ quả đáng buồn cho các em gái sau những lần “đi sim”.

Mỗi dân tộc đều có những cách bày tỏ tình yêu và hôn nhân khác nhau. Vào những đêm trăng sáng, thanh niên nam, nữ người Vân Kiều đến tuổi dựng vợ, gả chồng lại đi tìm người yêu cho mình, qua những lần hẹn hò “đi sim”. Họ ngóng đợi mùa trăng, ngóng đợi nhau, để rồi được phép đến ngủ ở những ngôi nhà trên rẫy hoặc trong rừng như một lẽ tự nhiên không thể thiếu.

Ông Hồ Văn Van (dân tộc Bru – Vân Kiều, 67 tuổi, già làng Bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ), bồi kể lại cho chúng tôi nghe về những ký ức đẹp: “Hồi đó, cứ những đêm trăng sáng là trai gái trong bản rủ nhau đến những căn chòi nằm riêng biệt trên rẫy để tâm tình, đối đáp giao duyên, gọi là đi sim. Suốt đêm, con trai thổi khèn, sáo, hoặc gảy đàn ta lư. Thiếu nữ hát các bài dân ca Vân Kiều như Xà oát, Tà Oải, Cha Chập. Đêm đại ngàn ngân vang, rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát. Bao đêm đi sim mộc mạc, trong sáng như thế, đôi lứa mới nên duyên vợ chồng”.

26-10-23-ho-nen-vo-nen-chong-tu-nhung-buoi-di-sim.jpg
Họ nên vợ, nên chồng từ những buổi đi sim.

Luật tục “đi sim” cũng có những quy định nghiêm khắc. Trong mọi trường hợp, con chưa được sự đồng ý của cha mẹ, tự ý thực hiện những điều không được phép làm sẽ bị ghép vào tội bất hiếu. Đồng bào Vân Kiều quan niệm, khi chưa là vợ chồng thì tuyệt đối không được quan hệ tình dục. Vì như vậy sẽ làm vẩn đục danh dự của dòng họ và làm kinh động đến thần linh. Nếu đôi nào đã lỡ mà chưa được phép của gia đình, trưởng bản thì sẽ bị phạt rất nặng. Thậm chí, có thể bị đuổi khỏi bản.

Tuy nhiên hiện nay, với bối cảnh hội nhập toàn cầu. sự phát triển và “bùng nổ” công nghệ thông tin khiến người dân thay đổi nhận thức. Tập tục “đi sim” cũng thay đổi theo, không còn giữ được giá trị tốt đẹp truyền thống.

Đi ngược lại với giá trị văn hóa tốt đẹp từ tục “đi sim”, là tình trạng tảo hôn biến tướng. Đây là vấn đề đang trở thành vấn nạn nhức nhối, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Đồng thời, tảo hôn cũng là vòng luẩn quẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm giống nòi, chất lượng dân số, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, sự nghèo đói, thất học, bỏ học, không có việc làm ổn định, nhu cầu có thêm người lao động trong gia đình cũng là nguyên nhân gia tăng tình trạng tảo hôn.

26-10-23-buoi-tuyen-truyen-van-dong-nguoi-dan.jpg
Một buổi tuyên truyền vận động người dân phòng tránh tảo hôn tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tảo hôn, trong đó có những đêm “đi sim” biến tướng. Các đối tượng xấu đã lợi dụng việc “đi sim” để tán tỉnh, trao quà, hẹn ước rồi quan hệ tình dục với các em nữ. Hậu quả, các em nữ phải nghỉ học sớm, mang thai lúc chưa đủ tuổi, cơ thể chưa sẵn sàng làm mẹ và thậm chí phải làm mẹ đơn thân từ khi mới 15-16 tuổi, khi đối tượng xấu lợi dụng quan hệ tình dục rồi bỏ trốn.

Điển hình ở xã Tà Rụt, là H.T.B (bản A Đăng) sau những lần “đi sim”, khi 16 tuổi đã có con. Đau lòng hơn, là "người tình" của B trong lần “đi sim” đó thẳng thừng từ chối cái thai. Hoặc như H.T.S (thôn Tà Rụt 1) gánh trách nhiệm làm vợ lúc vừa tròn 15 tuổi.

“Thấy mấy chị em trong thôn 14- 15 tuổi là lấy chồng rồi, mẹ em cũng bắt em lấy chồng sớm. Bây giờ cả hai vợ chồng không có việc làm, lại đông con”, S chia sẻ.

26-10-thuc-hien-phuong-cham-di-tung-ngo-go-cua-tung-nha-.jpg
Thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để nâng cao nhận thức về tảo hôn ở thị trấn Krong Klang, huyện Đăkrông (Quảng Trị).

“Đi sim” là phong tục thể hiện sự tự do, tự nguyện trong tình yêu. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, lợi dụng tục “đi sim” để ép cưới, dù trẻ vị thành niên nam hay nữ không đồng ý kết hôn. Tình trạng này sảy ra với các em gái nhiều hơn. Bởi, vì trình độ, nhận thức hạn chế, quan niệm trọng nam khinh nữ và đời sống khó khăn, cha mẹ nhà gái vẫn sẽ nhận lễ “bỏ của” và đồng ý cho con gái kết hôn, dù em gái có muốn hay không.

Ngoài ra, chính việc thách cưới cao cũng là một nguyên nhân dẫn tới hủ tục “nối dây” ở một số đồng bào dân tộc tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Đây là một chuyện buồn chưa thể giải quyết dứt điểm.

26-10-23-thuc-hien-phuong-cham-di-tung-ngo-go-cua-tung-nha-.jpg
Giữ gìn phát huy phong tục tập quán có giá trị tốt đẹp và nhân văn để nâng cao nhận thức về tảo hôn ở thị trấn Krong Klang, huyện Đăk Rông (Quảng Trị).

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, bà Hồ Thị Hằng cho biết: “Do ảnh hưởng văn hóa độc hại bên ngoài, nên tục “đi sim” đang dần trở thành một tệ nạn đáng báo động. Đặc biệt là dẫn tới tình trạng tảo hôn. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp xử lý. Nhưng, vì là vùng dân tộc nên họ viện nhiều lý do, thậm chí khai gian tuổi, hoặc tổ chức cưới lén lút. Rồi hậu quả dẫn đến là sự nghèo đói của nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ. Sắp tới, chúng tôi sẽ quyết tâm cố gắng hơn nữa, thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tệ nạn đau lòng này”.

Vấn nạn tảo hôn gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chung tay xóa bỏ những hủ tục, quan niệm lạc hậu và giữ gìn phát huy những phong tục tập quán có giá trị tốt đẹp và nhân văn. Đây là giải pháp thiết thực để giúp những em gái vùng dân tộc thiểu số loại bỏ dần những lời ru buồn phía sau các bản làng mù sương. Đồng thời, giúp các em thực hiện được những ước mơ còn dang dở, tạo cơ hội để phát triển bản thân và trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội./.

Thúy Hạnh