Gần 1.000 nghệ nhân tham gia biểu diễn ở Festival văn hóa cồng chiêng tại Tuần Văn hoá-Du lịch Gia Lai
Chiều 30/10, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi họp báo, thông tin về các sự kiện trong Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai diễn ra từ ngày 11-19/11/2023.
Buổi họp báo diễn ra với sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch và lãnh đạo Sở Văn Hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Công thương, Sở Kế hoạch & Đầu tư... đại diện UBND các huyện, thành phố: TP. Pleiku, Chư Păh, Ia Grai, cùng với phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.
Theo đó, từ ngày 11-19/11/2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ diễn ra Tuần Văn hóa-Du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá đặc sắc, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh.
Nổi bật nhất trong Tuần lễ là phần trình diễn Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên theo tinh thần Chương trình hành động nhằm phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tuân thủ các nội dung đã cam kết giữa Việt Nam với UNESCO cũng như các tổ chức thế giới về văn hóa, giáo dục khác.
Đồng thời, thông qua chuỗi sự kiện này nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, chỉ số cạnh tranh PCI, môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động hợp tác, đầu tư vào tỉnh Gia Lai; tiếp tục quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh được hình thành qua quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Tại Tuần lễ, Gia Lai sẽ vinh dự được đón tiếp đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, đại biểu là Bí thư, Chủ tịch các tỉnh Tây Nguyên.
Chuỗi sự kiện có sự liên kết chặt chẽ, nối tiếp giữa các địa phương trong tỉnh như: Lễ Khai mạc Tuần Văn hoá - Du lịch Gia Lai năm 2023 diễn ra vào tối 11/11, tại Quảng trường Đại đoàn kết, TP. Pleiku. Chương trình gồm 02 phần: Phần lễ và phần hội.
Trong phần lễ có Công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và công bố bảo vật Quốc gia. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Gia Lai; nối sóng với Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chương trình Liên hoan trình diễn không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 cũng sẽ được tổ chức liên tục trong hai ngày 11-12/11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, với sự tham gia của các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai.
Song song với đó, từ ngày 11-15/11, Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai, được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Tại Hội chợ sẽ trưng bày, triển lãm, giới thiệu các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hoá, nông nghiệp đặc trưng, ẩm thực, du lịch, tổng hợp... đặc trưng của tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần lễ các sự kiện, các địa phương còn tổ chức các hoạt động hưởng ứng, bao gồm: Tuần lễ Hoa Dã Quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2023 (trọng điểm trong 03 ngày: Từ ngày 10-12/11) tại Làng Ia Gri, khu vực Núi lửa xã Chư Đăng Ya và một số địa điểm khác trên địa bàn xã Chư Đăng Ya và xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh.
Giải chạy bộ “Gia Lai city trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn” diễn ra từ ngày 17-19/11, tại Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ, khu vực núi lửa xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh và đường Anh hùng Núp, TP. Pleiku.
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hoá cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 (từ ngày 16-18/11) tại Làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, với các nội dung đặc sắc như: Đua thuyền độc mộc; Liên hoan Văn hoá cồng chiêng; Trình diễn trang phục truyền thống, thi dân vũ; Giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, gần 1.000 nghệ nhân cồng chiêng sẽ tham gia Tuần lễ. Trong đó, các đoàn nghệ nhân của tỉnh Gia Lai dự kiến khoảng 800 người, số còn lại thuộc các tỉnh của Tây Nguyên.
“Cồng chiêng hiện nay, không chỉ là cồng chiêng của người già, mà còn là cồng chiêng nhí của thiếu nhi, cồng chiêng của phụ nữ... nó có sự thích biến, sự kế thừa, sự phát triển. Hiện nay, qua các hoạt động cồng chiêng cuối tuần, nó dần trở thành hoạt động thường niên và cũng là sản phẩm đặc sắc của Gia Lai. Tất cả các làng ở Gia Lai đều có nghệ nhân cồng chiêng”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai cũng thông tin thêm, lý do vì sao giãn các sự kiện, nhằm đảm bảo việc đón khách tốt nhất ở các địa phương, tránh việc tạo ra áp lực nóng, quá tải trong một điểm thời gian, đặc biệt là nhà hàng, khách sạn nơi cư trú. Cùng với đó, sẽ xây dựng một hình ảnh, một bộ nhận diện Gia Lai thân thiện, mến khách, các nhà hàng, khách sạn, thậm chí là nhà dân nếu đảm bảo được yêu cầu thì sẽ đồng hành với Ban tổ chức dán nhận diện logo để du khách có thể sử dụng nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao&Du lịch cũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn có 189 cơ sở lưu trú với 3.240 phòng sẵn sàng đón khách phục vụ lễ, hội.