Đời sống xã hội

Xóa bỏ dần hủ tục

Ái Vân 30/10/2023 - 13:23

Trong đời sống hôn nhân của người Việt Nam có quan niệm, trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Đối với người Việt xưa, lễ cưới là một trong 4 nghi lễ quan trọng nhất của đời người. Ngày nay, phong tục này dần được cải thiện đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Dao đỏ của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

24-10-23-le-ruoc-dau-ve-nha-chong-cua-nguoi-dao-do.jpg
Lễ rước dâu về nhà chồng của người Dao Đỏ

Phong tục thách cưới của người Dao có từ rất xa xưa. Dẫu nhà trai giàu hay nghèo thì phần sính lễ mang sang nhà gái là nhất định không thể thiếu.

Anh Triệu Tà Sếnh, thôn Ông Hạ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: "Năm 2019 tôi cưới vợ, theo phong tục của người Dao đỏ, cỗ cưới ăn 2 ngày 2 đêm. Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, không có điều kiện về kinh tế, khi tôi lấy vợ hầu như vay hết, vay anh em, họ hàng, hàng xóm. Tính sơ sơ vào khoảng 200 triệu đồng. Sau 3, 4 năm tôi mới trả nợ được hơn 100 triệu đồng, bây giờ còn nợ khoảng 100 triệu đồng nữa tôi cũng chưa biết khi nào mới trả hết".

Chị Phàn Mùi Mứu, vợ anh Triệu Tà Sếnh cũng cho biết: ""Phong tục của dân tộc em, khi gả con gái đi phải có sính lễ 25 đồng bạc trắng, ngoài ra còn phải có thịt lợn, gà cho bố mẹ hai bên là 24 kg, ông bà nội ngoại mỗi bên 6 kg. Anh chị vợ, họ hàng thân thích, những người đến giúp làm cỗ cưới ai cũng có phần. Đông lắm, không tính được hết".

Gia đình ông Triệu Chòi Khiền, thôn Trung Thành, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì cưới vợ cho con từ năm 2015. Nhà nghèo nên toàn bộ tiền lấy vợ cho con ông phải vay bao gồm: 50 triệu tiền mặt, 800kg lợn, 70 kg gà, 5 can rượu. Tính ra tiền mặt khoảng 300 triệu đồng.

Sau đám cưới, vợ chồng anh Sơn con ông Khiền phải miệt mài lao động kiếm tiền để trả nợ cho ngày hạnh phúc của mình. Anh Sơn cho biết, lợn thì vợ chồng anh tự nuôi, tiền thì anh phải đi làm thuê, làm mướn, bốc vác, ai thuê gì làm đấy để trả nợ dần.

24-10-23-lay-vo-no-day-.jpg
Cô dâu người Dao đỏ rực rỡ trong ngày cưới

Nhận thấy những bất cập trong việc tổ chức cưới hỏi của đồng bào, chính quyền và các cơ quan đoàn thể huyện Hoàng Su Phì đã tích cực vào cuộc. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.

Mấy năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền xã Hồ Thầu đã tìm nhiều cách cải tiến đơn giản hoá việc cưới xin để giảm bớt gánh nặng cho người dân. Lãnh đạo xã đã trực tiếp gặp gỡ những người có uy tín trong làng, xã để lấy ý kiến về việc đơn giản hoá việc cưới, việc tang, bài trừ hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong đám cưới của người Dao đỏ. Sau đó thống nhất trong việc cưới là: Nếu nhà trai và nhà gái cùng xã thì ăn cùng một bữa cơm, ở khác xã thì ăn một bữa chính, còn các bữa phụ có gì ăn đấy. Nhà xa ngủ lại một đêm. Trước đây, đồ sính lễ phải có 15 đồng bạc trắng, 80 kg thịt lợn, bây giờ giảm xuống còn 5 đồng bạc trắng, 30 kg thịt lợn hoặc có thể quy ra tiền theo giá trị hiện hành…

24-10-chu-re-nguoi-dao-do-lay-vo-no-day-.jpg
Chú rể người Dao đỏ với trang phục truyền thống trước khi cử hành hôn lễ

Chính nhờ sự vào cuộc của chính quyền và các cơ quan đoàn thể, đồng bào Dao nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì nói chung đã và đang dần xoá bỏ những phong tục, hủ tục lạc hậu, nhất là trong việc cưới hỏi, tránh gây lãng phí, tốn kém trong cuộc sống hàng ngày để xây dựng đời sống văn minh.

Ái Vân