Gương sáng

Những tấm gương tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ngân Sơn

Hà Mai 30/10/2023 - 10:57

Thôn Bản Duồi, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn có 42 hộ, với hơn 170 nhân khẩu, gồm dân tộc Tày, Nùng, Dao cùng sinh sống. Từ nhiều năm trước, người dân thôn Bản Duồi đã cần cù trong lao động sản xuất, canh tác diện tích đất ruộng, đất rẫy. Với vai trò là trưởng thôn, nguời có uy tín Bà Hoàng Thị Thoa cùng với cấp uỷ, chính quyền thôn tích cực vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Tích cực vận động Nhân dân sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chỉ tính từ năm 2020 đến năm 2022, thôn Bản Duồi đã chuyển đổi hơn 5 ha diện tích đất ruộng, đất nương rẫy sang trồng cây ăn quả; năm 2023 thôn đăng ký thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 4 ha. Số diện tích này chủ yếu chuyển từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả và đất nương rẫy trồng ngô sang trồng cây dẻ.

Đến nay, toàn thôn có 21 ha các loại cây ăn quả như dẻ, lê ta, trong đó một phần diện tích đã cho thu hoạch, bước đầu tạo thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. 2 năm nay, bà con cũng chuyển đổi hơn 1,5 ha diện tích đất ruộng sang trồng cây kiệu. Cùng với đó, hàng năm ở vụ xuân thôn duy trì thực hiện khoảng 20 ha diện tích cây thuốc lá.

Chị Hoàng Thị Thoa (ở giữa ảnh), đang hướng dẫn cho nhân dân chăm sóc cây ăn quả

Bà Hoàng Thị Thoa, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Bản Duồi, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn cho biết: "Với trách nhiệm của mình, nhận thức được những hạn chế của bà con trong thực hiện phát triển kinh tế, tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển cơ cấu cây trồng và tuyên truyền cho bà con hiểu được những giá trị và lợi ích khi tham gia chuyển đổi mô hình sản xuất.

Trong những năm gần đây, bà con cũng đã chuyển đổi diện tích cây trồng giá trị thấp để chuyển sang trồng cây dẻ có giá trị kinh tế cao. được bà con tin tưởng, bằng sự trách nhiệm của mình có những cách làm hay phương pháp nào hiệu quả thì mình cũng chuyển tải đến bà con, vận động bà con cùng nhau thực hiện để đạt được hiệu quả cao nhất".

Bà Lý Thị Dung, thôn Bản Duồi, xã Đức Vân cho biết: "Chị Thoa là một người năng động, sáng tạo, luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của thôn, nhất là trong phát triển kinh tế, chúng tôi luôn học tập chị Thoa, chị tuyên truyền rất tốt đến bà con những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động chị em thi đua lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi nữa".

Cùng với tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà Hoàng Thị Thoa còn tích cực trong thực hiện, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Ông Hà Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Vân cho biết: "Những năm qua, người có uy tín thôn Bản Duồi đã tham gia tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện kinh tế, xã hội. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương trong đó có thôn Bản Duồi thực hiện cơ bản đồng bộ, được bà con đồng tình ủng hộ và làm theo, chị Hoàng Thị Thoa, dù còn trẻ, chị có năng lực vận động, tuyên truyền người dân phát triển kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các hoạt động xã hội khác ở trong thôn".

Ông Hoàng Văn Slín, Tiểu khu trưởng tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn là điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số về phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế gia đình và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ông Slín còn cho biết: "Các ban ngành cùng đoàn thể và tôi đã tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học vào sản xuất và chăn nuôi, nói chung bà con nhiệt tình trong phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất. Trước bà con chăn nuôi trâu, bò để kéo cày và nuôi thương phẩm nhưng giá trị kinh tế thấp, nay tôi vận động để bà con chuyển sang chăn nuôi ngựa đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn, do vậy ở trong thôn hiện nay có 80% số hộ nuôi ngựa".

Mô hình nuôi ngựa bạch của gia đình ông Hoàng Văn Slín ở Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

Từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao

Năm 2019, khi phong trào nuôi ngựa bạch phát triển, giá trị của mỗi con ngựa bạch lên đến 70 đến 90 triệu đồng, ông Slín đã đầu tư vốn chăn nuôi ngựa bạch. Hiện nay đàn ngựa của gia đình ông là 8 con, nuôi theo hình thức ngựa vỗ béo và ngựa sinh sản. Không chỉ bản thân ông Slín mà phong trào này đã lan rộng toàn tiểu khu, người dân chuyển từ nuôi trâu bò sang nuôi ngựa bạch. Đến nay, tiểu khu Đèo Gió có gần 100 con ngựa bạch, giá trị kinh tế lên đến gần chục tỷ đồng.

Không dừng ở đó, ông Slín cùng 3 hộ dân khác ở thôn đã đi đầu thực hiện trồng thí điểm mô hình cây lê VH6. Với sự ham học hỏi, không ngừng và áp dụng linh hoạt vào quá trình canh tác, vườn lê VH6 của ông Slín rộng gần 1 ha, giá bán dao động từ 45 - 50.000 đồng/kg đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho gia đình.

Gần 15 năm liên tục, ông Slín luôn được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, rồi khi sáp nhập thôn Cốc Lùng và Đèo Gió thành tiểu khu Đèo Gió, ông Slín tiếp tục được bà con tín nhiệm cao bầu làm Tiểu khu trưởng.

Ông Bàn Tiến Quang, Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn cho biết: "Ông Slín là người chịu khó, ông vừa nuôi ngựa, vừa chăm sóc vườn lê, vườn đào, là một người gương mẫu không chỉ vận động bà con phát triển kinh tế gia đình mà ông còn tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi năm, gia đình ông có thu nhập rất ổn định từ nguồn chăn nuôi và vườn cây ăn quả, ông Slín là người có uy tín đáng để chúng tôi học tập và làm theo".

Bằng sự tận tuỵ, trách nhiệm, gương mẫu của mình, ông Hoàng Văn Slín cùng cán bộ, đoàn thể tiểu khu Đèo Gió đã truyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hoá. Đến nay, tiểu khu Đèo Gió có trên 100 hộ, với gần 470 nhân khẩu, trong đó hầu hết các hộ dân đều có nhà xây kiên kiên cố; hơn 20 hộ có ô tô. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm 16%; nhiều năm liền đạt khu dân cư văn hoá.

Hiện nay, toàn huyện Ngân Sơn có hơn 31 nghìn người, gồm 06 thành phần dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa cùng sinh sống và một số ít dân tộc khác, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 93,78 %. Toàn huyện có 173 người có uy tín. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín huyện Ngân Sơn đã thực sự phát huy vai trò của mình ở khu dân cư, thôn, bản và cộng đồng người dân tộc thiểu số. Nhiều người uy tín đã trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, là tấm gương sáng trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực học tập, lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư....

Ông Nông Bình Cương, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Cấp uỷ, chính quyền huyện Ngân Sơn đánh giá rất cao vai trò của người có uy tín của huyện trong thời gian qua. Người có uy tín đã tích triển khai, truyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân; là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đến cấp uỷ, chính quyền các cấp. Cấp uỷ, chính quyền huyện Ngân Sơn sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, để người có uy tín thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình trong phát triển kinh tế, xã hội, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế của huyện nhà.

Những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện trong thời gian qua không thể không nhắc đến sự nỗ lực, gương mẫu, đầy trách nhiệm, những đóng góp tích cực của những người có uy tín, trưởng thôn nói riêng và đội ngũ cán bộ thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện nói chung.

Hà Mai