Lào Cai: Đa dạng giải pháp đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết
Năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; giảm 30% số vụ tảo hôn; giảm 30% phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022. Điều này cho thấy, các giải pháp, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang mang lại hiệu quả.
Duy trì các mô hình điểm, công tác tuyên truyền
Theo đánh giá của các ngành chức năng tại Lào Cai, tới nay, ngay cả 4 huyện còn khó khăn của tỉnh là Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã được ngăn chặn.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai đã luôn duy trì thực hiện 17 mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với thực hiện “Dân vận khéo về cải tạo tập quán lạc hậu”.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả nhiều mô hình “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Điển hình là các mô hình: Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống xã Lùng Cải, Tả Củ Tỷ huyện Bắc Hà; Thanh thiếu niên nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Pa Cheo, Dền Thàng, huyện Bát Xát; Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng thôn bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Tả Gia Khâu, Dìn Chin, huyện Mường Khương; Câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Thái Niên, Phong Niên, huyện Bảo Thắng; Cha mẹ đồng hành cùng con, nói không với tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Phìn Hồ xã Tả Phời, thành phố Lào Cai; Làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại phường Sa Pả và xã Tả Van, thị xã Sa Pa; Công an tỉnh Lào Cai đồng hành cùng thôn bản nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Thào Chư Phìn, Sán Chải, huyện Si Ma Cai.
Từ quan điểm chỉ đạo các ngành, các địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai công tác. Điển hình như Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho các em học sinh.
Tại các buổi truyền thông, các em được nghe các Trợ giúp viên pháp lý phổ biến và giải thích về các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý; về chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho các đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giúp các em hiểu chính bản thân các em là một trong 14 nhóm đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí; phổ biến những tác hại của tục lệ kéo vợ, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phổ biến các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, về điều kiện kết hôn, độ tuổi kết hôn hay việc chung sống với nhau như vợ chồng…
Em Mùa Seo Mẩy, học sinh trường Trung học cơ sở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa cho biết: “Em được biết một số bạn mới học lớp 8, lớp 9 nhưng bố mẹ đã giục về đi lấy chồng. Từ kiến thức được trang bị, em sẽ trao đổi thêm với các bạn để các bạn hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để từ đó phòng, tránh cho thật hiệu quả”.
Huyện Si Ma Cai cũng đang nỗ lực “thanh toán” hôn nhân cận huyết thống và đẩy lùi tảo hôn. Với mong muốn đưa thông tin về cơ sở, mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai phối hợp với huyện Si Ma Cai, tổ chức hội nghị tập huấn về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Lùng Thẩn. Các học viên được giảng viên truyền đạt nội dung về thực trạng, hậu quả, nguyên nhân và các biện pháp can thiệp để phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kỹ năng và phương pháp truyền thông trực tiếp, cách thức xây dựng và triển khai các hoạt động tại mô hình điểm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể, sân khấu hóa… Những thông tin này hết sức hữu ích để thay đổi quan niệm về hôn nhân của một bộ phận đồng bào DTTS.
Do đặc thù của xã có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, nên Phìn Ngan (huyện Bát Xát) đặc biệt coi trọng vai trò của các thầy mo, trưởng dòng tộc (trong thực hành nghi lễ cưới của đồng bào người Dao không thể thiếu các thầy mo). Chính vì thế, xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các thầy mo để họ cùng vào cuộc giúp xã chống tảo hôn.
Hàng năm, Phìn Ngan đều tổ chức cho các thầy mo, trưởng các dòng họ ký cam kết về phòng, chống tảo hôn và nhận được sự phối hợp rất tích cực. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã đã chỉ đạo người đứng đầu phải nêu gương cao nhất, nếu để trong dòng họ có trường hợp tảo hôn sẽ chịu kỷ luật nghiêm.
Ngoài ra, từ đầu năm, xã cử cán bộ tư pháp phối hợp với các trưởng thôn xây dựng danh sách các thanh niên đến tuổi xây dựng gia đình. Nếu phát hiện trường hợp có dấu hiệu tảo hôn sẽ mời gia đình đến trụ sở UBND xã để tuyên truyền và ký cam kết không cho con em tảo hôn.
Phòng, chống tảo hôn từ trường học
Việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống có những trường hợp xảy ra khi các em đang trong độ tuổi đến trường, còn đang đi học thì bỏ về lấy chồng, lấy vợ... Chính vì vậy, ở những trường học vùng cao, học sinh được truyền đạt thông tin về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sàng Ma Sáo của huyện Bát Xát, nơi con em đồng bào dân tộc thiểu số đã giảng dạy ngoại khóa cho 500 học sinh về vấn đề này. Tại đây, các em học sinh được cung cấp các thông tin về tình yêu, giới tính, các biện pháp tránh thai và thấy được tác hại của việc tảo hôn là vi phạm pháp luật cũng như hôn nhân cận huyết thống sẽ để lại những hệ quả khôn lường.
Đặc biệt, việc truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng tiểu phẩm giúp các học sinh nắm bắt nhanh các thông điệp. Qua đó, chính các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tại các địa phương nơi thôn bản mình sinh sống. Các em được tham gia các trò chơi, xử lý tình huống xoay quanh vấn đề phòng chống tảo hôn. Các em được nói lên cảm nhận của mình về tình trạng tảo hôn tại thôn bản, nơi các em đang sinh sống, được bày tỏ quan điểm cá nhân với các vấn đề như bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, định hướng nghề nghiệp trong tương lai…
Đặc biệt, các xã, thị trấn rà soát lại các mô hình dân vận khéo về phòng chống tảo hôn để có những đánh giá sát thực trong việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các mô hình; xây dựng mô hình điểm để triển khai nhân rộng; tổ chức các sân chơi lành mạnh cho các em học sinh trong hè và quản lý học sinh, đổi mới hoạt động tuyên truyền, diễn đàn thanh niên nói không với tảo hôn; tăng cường công tác tư vấn, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản…
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho Nhân dân, cơ bản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai chấp hành theo đúng quy định Luật Hôn nhân và Gia đình; nhận thức của nhân dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được nâng lên, góp phần giảm đáng kể số lượng các vụ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Những tín hiệu ghi nhận được vừa qua cho thấy, Lào Cai hoàn toàn có thể “xóa sổ” tình trạng hôn nhân cận huyết thống ngay trong năm nay, cùng với đó là đẩy lùi nạn tảo hôn.