Đưa đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ phát huy lợi thế vùng
Để đạt được các mục tiêu trong chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đang nỗ lực đề ra các giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của các huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tại huyện Sốp Cộp, trong giai đoạn 2021 – 2023 được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện chương trình MTQG 1719. Sốp Cộp là huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, có 8 xã, 106 bản, 2 điểm dân cư, trong đó có 85 bản và điểm dân cư đặc biệt khó khăn.
Từ nguồn lực của chương trình, huyện hỗ trợ 44 hộ mua téc, bồn chứa nước; xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Gần 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh...
Ngoài ra, huyện đã vận động đồng bào dân tộc phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu. Tuyên truyền, vận động các hợp tác xã, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch. Tập trung trồng các loại cây đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô,… ở các vùng thấp như Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang.
Các vùng địa hình cao hoặc có khí hậu mát mẻ như Mường Lèo, Nậm Lạnh, Mường Lạn trồng sa nhân, quế, gừng... Huyện xác định rõ mục tiêu, đưa cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng.
Còn tại huyện Phù Yên triển khai thực hiện tiểu dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư bản. UBND huyện giao Ban Quản lý Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững huyện hỗ trợ 5,2 tỷ đồng để trồng mới trên 140 ha rừng sản xuất; hỗ trợ 312 chủ rừng là các hộ gia đình, cộng đồng bản bảo vệ trên 8.280 ha rừng của 9 xã.
Tại một huyện vùng cao khác của Sơn La, huyện Bắc Yên có gần 96% là đồng bào DTTS. Tại đây người dân chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, huyện đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho người lao động, qua đó nâng cao cơ hội có việc làm, cải thiện thu nhập. Hiện nay, tỷ lệ người lao động trong độ tuổi là người DTTS được đào tạo nghề phù hợp đạt 17%. Theo kế hoạch năm 2023, huyện phấn đấu hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho khoảng 900 lao động; tạo việc làm cho trên 1.500 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.200 lao động.
Huyện miền núi nghèo Quỳnh Nhai đã đẩy mạnh thực hiện nội dung "Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi" giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, huyện Quỳnh Nhai phấn đấu thực hiện đầu tư, thu hút đầu tư xây dựng chợ đúng quy hoạch.
Thu hút nguồn lực xã hội khác ngoài ngân sách tham gia đầu tư kinh doanh chợ, cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các chợ đã có để đảm bảo các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất và hạ tầng, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.