Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở Đồng Nai
Với số dân khoảng 3,2 triệu người, toàn tỉnh Đồng Nai có trên 50 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số như: Chơ ro, Chăm, Khmer, Mạ, S’tieng, Tày, Nùng, Mường, Hoa, Thái… có trên 198.784 người, chiếm 6,42%.
Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm với phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, thu nhập của đồng bào được cải thiện và nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ hộ khá, hộ giàu tăng, tỷ lệ nghèo giảm.
Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bảo tồn, phát huy, các thiết chế văn hóa được xây dựng, đầu tư, trang bị, tạo được những chuyển biến tích cực trong hưởng thụ văn hóa của đồng bào. Cộng với đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển, khối đại đoàn kết dân tộc được nâng lên và giữ vững. Đồng bào yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh được giữ vững.
Nói về nghề dạy nghề đan lát, dệt vải truyền thống, bà Ka Điều dân tộc Mạ (ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú), chia sẻ: “Nghề truyền thống của đồng bào Mạ, S’tiêng ở Tà Lài mang lại thu nhập không cao nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày không xa, nó sẽ khởi sắc. Tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi khi có đơn hàng giúp các gia đình trong ấp vừa có thêm thu nhập vừa gìn giữ vốn quý của dân tộc mình”.
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời, phân bố rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa. Mỗi dân tộc đều có văn hóa, truyền thống riêng về ngôn ngữ, trang phục, tập quán, lễ hội. Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, UBND tỉnh triển khai thực hiện triển khai nhiều chính sách nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để phục dựng, khôi phục và tổ chức hàng năm như: Sayangva, Sayangvri (dân tộc Chơ ro), Yang Bơ nơm, Yang Koi (dân tộc Mạ), Vía Quan Ông Thánh Đế, lễ hội Chùa Ông … (người Hoa), Cholchnamthmay, Sendolta, Ocomboc (dân tộc Khmer), Ramandan, Roya Haji (dân tộc Chăm), Lồng Tồng (dân tộc Tày, Nùng), Khai Hạ, Xuống Đồng (dân tộc Mường), Cấp Sắc (dân tộc Dao)… tạo nên bản sắc đặc trưng mang đậm sắc thái truyền thống của từng dân tộc, tạo được không khí tươi vui và đoàn kết tại các địa phương.
Hiện tỉnh đã nghiên cứu sưu tầm và lưu giữ hơn 170 hiện vật văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số. Trong đó lưu giữ 20 hiện vật của người Thái, 23 hiện vật của người Cơ họ, 23 hiện vật của người Mạ, 40 hiện vật của người Mường, 46 hiện vật của người Hoa, 18 hiện vật của người S’tiêng. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể như hát kể tăm-pớt của dân tộc Mạ, tín ngưỡng và lễ hội dân gian của người Hoa, chuyện kể của người Mạ và người Chơ ro... Khôi phục, bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống của người Mạ, tổ chức lớp truyền dạy biểu diễn cồng chiêng... Sưu tầm, khôi phục nghệ thuật múa, hát dân ca các dân tộc thiểu số (Chơ ro, Mạ), cồng, chiêng và trang phục của các dân tộc được đồng bào hưởng ứng mạnh mẽ.
Trước đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2528/QĐ-UBND ngày 12/8/2013 phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2025. Đồng thời, cho xuất bản sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, như “Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai”, xuất bản năm 2019 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì; “Văn hóa Đồng Nai góp nhặt cát bụi”, xuất bản năm 2019 do Phó Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Tới chủ biên; “Sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai, xuất bản năm 2021, do Ban Dân tộc chủ trì.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 15 nhà văn hóa dân tộc Stiêng, Chơ ro, Mạ, Chăm, Mường... thuộc 06 huyện (Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu và Thống Nhất) nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, duy trì và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã trang bị 2 đợt gồm: 16 bộ cồng, 15 bộ chiêng, 8 bộ trống, 3 bộ chập chạ, 2 bộ ngũ âm... cho các Nhà văn hóa dân tộc và nơi có đồng bảo dân tộc sinh sống.
Hiện nay, Nhà văn hóa dân tộc đã trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng, dạy hát múa dân ca bằng tiếng dân tộc, dệt thổ cẩm, đan lát cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. 170/170 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có trung tâm học tập cộng đồng và đang từng bước phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa vùng đồng bảo dân tộc thiểu số được đẩy mạnh.
Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động việc dạy sử dụng cồng chiêng, dàn ngũ âm của dân tộc Khmer. Năm 2018, tại nhà dài ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai, UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức tập huấn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chơ ro về dạy hát một số bài dân ca truyền thống của người Chơ ro, diễn tấu chiêng, bắn ná và giao lưu ẩm thực.
Dòng chảy thời gian tiếp nối, những tác động của đời sống hiện đại đang làm phai mờ dần những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Trước những thách thức đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta càng cần phải chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vì sự phát triển bền vững của đất nước.