Bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc ở Lai Châu
Nằm ở vùng biên viễn, Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, với hơn 86% đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên một kho tàng văn hóa đặc sắc, độc đáo của các dân tộc. Những năm qua, tỉnh Lai Châu luôn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc, góp phần xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, bền vững.
Độc đáo bản sắc các dân tộc
Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều có những giá trị bản sắc văn hóa độc đáo được thể hiện qua trang phục truyền thống, không gian kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, các nghề truyền thống, ẩm thực và văn hóa văn nghệ.
Đặt chân đến mảnh đất Lai Châu, khách du lịch bị thu hút bởi những bộ trang phục truyền thống rực rỡ được dệt bởi đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ. Mỗi dân tộc lại có trang phục truyền thống đặc trưng nhưng đều rực rỡ sắc màu, được làm trên nền vải dệt tự nhiên. Mỗi đường chỉ thêu, họa tiết đều gói ghém bề dày của thời gian, thể hiện góc nhìn của các dân tộc về đời sống như: Chiếc váy xòe với vô số những nếp gấp của dân tộc Mông; những bộ trang phục sặc sỡ xanh, đỏ, vàng, trắng, đen của các cô gái Hà Nhì hay bộ trang phục có đầy đủ yếm, khăn, áo và thắt lưng của người Dao…
Kiến trúc nhà ở của các dân tộc Lai Châu cũng có sự đa dạng và độc đáo: Nhà sàn của dân tộc Thái bên dòng Mường So (huyện Phong Thổ), nhà sàn dân tộc Lự (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), nhà trình tường dân tộc Dao (xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ)… Mọi đồ dùng, vật dụng hay từng ngóc ngách của căn nhà đều mang giá trị văn hóa, phản ánh tư duy mỗi dân tộc.
Bên cạnh nét văn hóa kiến trúc nhà ở của dân tộc Mông, trong đời sống hàng ngày, phụ nữ các dân tộc Lai Châu còn có những phong tục, tập quán rất hấp dẫn. Nếu như phụ nữ Giáy có tục vấn khăn trên đầu, phụ nữ Dao đỏ đội mũ hình nón, thì phụ nữ người Lự có một nét riêng trong việc làm đẹp là tục nhuộm răng đen.
Để có thể khám phá trọn vẹn về nét văn hóa đặc sắc của Lai Châu, du khách phải hòa mình vào các lễ hội văn hoá nơi đây, cùng đắm chìm và các làn điệu dân ca, tưng bừng cùng các nhạc cụ dân tộc thú vị. Mảnh đất Lai Châu có vô số các lễ hội truyền thống như Tết Nguyên đán, tết thanh minh, tết nguyên tiêu, tết cơm mới… và các lễ hội văn hóa đặc sắc như: lễ hội Kin Pang then, lễ hội Nàng Han, lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu… Đây cũng chính là thế mạnh để thu hút và giữ chân khách thập phương đến với Lai Châu.
Tỉnh Lai Châu có 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều là các nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu của các dân tộc. Đó là: Nghệ thuật múa Xòe; trò chơi kéo co của dân tộc Thái; lễ Tủ Cải của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Bên cạnh đó, Di sản hát Then của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bảo tồn văn hóa song song với phát triển kinh tế
Các văn hóa vật thể từ ẩm thực, trang phục, kiến trúc đến các văn hóa phi vật thể như các điệu múa xòe, hát Then, các lễ hội, diễn xướng… vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, sau hơn 2 năm triển khai quyết liệt, Nghị quyết 04-NQ/TU đã đạt được những kết quả ban đầu khá khả quan. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết cơ bản đều được cụ thể hóa, đã có 5/6 mục tiêu cụ thể được triển khai, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Lựa chọn, xác định những giá trị văn hóa đặc sắc của 13 dân tộc thiểu số có số lượng dân số đông, sinh sống thành cộng đồng để bảo tồn và phát huy ở từng địa điểm. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trên địa bàn tỉnh được bảo tồn, đã có 13/13 dân tộc cư trú thành cộng đồng văn hóa truyền thống tốt đẹp; xây dựng 2 hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể quốc gia, 30/39 bộ sưu tập hiện vật của 10/13 dân tộc cư trú thành cộng đồng; xây dựng phim tư liệu vùng văn hóa dân tộc Thái phục vụ trưng bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều đội văn nghệ thôn bản, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, không gian văn hóa trong trường học được xây dựng, duy trì thường xuyên; một số địa phương có cách làm sáng tạo, lan tỏa những bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong cộng đồng, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và ngoài nước...
Nhằm phục vụ trưng bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch, tỉnh chỉ đạo xây dựng 1 bộ phim tư liệu về vùng văn hóa dân tộc Thái. Lựa chọn, định hướng, hỗ trợ xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Giáy, Lự. Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ đạt sản phẩm du lịch OCOP 3 sao và “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.
Triển khai 4 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; phục dựng 10 lễ hội, duy trì tổ chức 34 lễ hội; tổ chức 22 lớp truyền dạy về nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, kỹ thuật tạo hình trang phục; phục dựng không gian kiến trúc nhà truyền thống của 11 dân tộc; khôi phục quy trình sản xuất 1 nghề thủ công truyền thống.
Đặc biệt, quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học, 100% các nhà trường duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng không gian văn hóa các dân tộc tiêu biểu, 45 trường học thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hoá các dân tộc.
Các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào văn hoá văn nghệ trong quần chúng nhân dân không ngừng phát triển, toàn tỉnh có 88,6% đội văn nghệ thôn bản và 24 đội văn nghệ xã, 16 câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa văn nghệ dân gian xã phường, thị trấn hoạt động thường xuyên, hiệu quả.
Đội ngũ trí thức, lực lượng văn nghệ sỹ được xây dựng, phát triển cả về số lượng và chất lượng, tích cực động viên, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật và tham gia các cuộc thi sáng tác về văn học, nghệ thuật. Coi trọng việc xét tặng, tôn vinh, khen thưởng các nghệ nhân, chủ thể văn hóa có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Các nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản tích cực, chủ động tham gia trao truyền các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp thông qua các lớp truyền dạy, các hoạt động của đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa tại cộng đồng.
Tỉnh đã chú trọng các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, 3 tỉnh Bắc Lào và liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các vùng Trung - Nam bộ thông qua các sự kiện. Nhiều sự kiện văn hóa quy mô khu vực, toàn quốc được tổ chức thành công đã góp phần quảng bá thế mạnh phát triển cũng như hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Lai Châu, từng bước đưa Lai Châu trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, nhiều tiềm năng. Đến nay, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân đạt 39,6%/năm; tổng doanh thu ước đạt 1.207 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả tích cực trên, Lai Châu đã dành nguồn lực đáng kể cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc. Từ năm 2021-2023, tỉnh đã phân bổ 72,8 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp và gần 140 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực văn hóa.
Ngoài ra, tỉnh cũng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác để huy động thêm nguồn lực cho văn hóa. Trong đó, đã huy động 57,5 tỷ đồng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Với truyền thống đoàn kết, cùng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Lai Châu hoàn toàn có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục khai thác hiệu quả văn hóa truyền thống, biến nguồn lực văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.