Nhà sàn dài - kiến trúc độc đáo của người Ê Đê
Tây Nguyên được biết đến là vùng đất chứa đựng kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc. Trong kho tàng văn hóa ấy, kiến trúc nhà dài của người Ê Đê nổi lên như một công trình sáng tạo vô cùng đặc biệt. Nó không chỉ là nơi sinh hoạt chung của đại gia đình, mà còn thể hiện nét đặc trưng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống của người Ê Đê, tạo nên những nét văn hóa độc đáo của họ nơi xứ sở đại ngàn.
Nhà sàn dài – công trình kiến trúc độc đáo
Nhà dài hay còn gọi là nhà sàn dài của người Ê Đê là một phần không thể thiếu trong văn hóa Tây Nguyên. Nó không chỉ là biểu tượng về kiến trúc độc đáo mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống và tư tưởng của cộng đồng.
Những ngôi nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt hằng ngày mà còn là trung tâm của các hoạt động văn hóa, tôn giáo, lễ hội. Đó là nơi những câu chuyện dân gian được kể lại, và các bữa tiệc văn hóa dân gian được diễn ra.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, nhà dài của người Ê Đê là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống hằng ngày, tín ngưỡng và tâm linh, là một công trình sáng tạo văn hóa vật chất đầy ấn tượng.
Trong xã hội cổ truyền của người Ê Đê, nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Ngôi nhà thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất. Người con trai lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì. Thông thường ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc Ê Đê có từ 7 - 9 cặp vợ chồng chung sống.
![nha-san-dai-kien-truc-doc-dao-cua-nguoi-e-de-o-tay-nguyen.hinh-2.jpg](https://cly.1cdn.vn/2023/10/22/nha-san-dai-kien-truc-doc-dao-cua-nguoi-e-de-o-tay-nguyen.hinh-2.jpg)
Già làng Ama Jeny, buôn Akô Dhông (P. Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nhà sàn dài của người Ê Đê thường làm bằng tre nứa và bằng gỗ, mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây bương hay thân tre già đập dập, mái lợp cỏ tranh. Nhà dài thường được lợp bằng cỏ tranh. Tranh lợp từng cụm, ngọn thả xuôi mái, gốc bẻ gập xuống vào bên trong.
Người Ê Đê thường làm nhà theo hướng Bắc - Nam. Nhìn từ xa ngôi nhà có hình dáng một cái thuyền. Khi nói đến chiều dài thì nói đến số lượng dầm ngang (đê) tương ứng với một đôi cột. Nhà có bao nhiêu đê là có bấy nhiêu gian.
Không gian nhà dài Ê Đê theo chiều dọc gồm hai phần rõ rệt. Từ cửa chính đi vào là một phần rộng, chiếm 1/3 gọi là Gah, phần còn lại gọi là Ôk. Gah là nơi tiếp khách, có bếp cho khách và là nơi sinh hoạt chung của gia đình, là nơi cúng thần, là chỗ ngủ của con trai chưa vợ, là nơi đặt nhiều đồ vật quý. Gah và Ôk được ngăn bởi vi cột Kmeh Kpăng có khắc hình, trong đó cột phía đông là cột chủ, bên cạnh kê một bộ phản để người đứng đầu gia đình ngồi khi hội họp, trong khi đó cột phía Tây là cột trống nơi có đặt chiếc trống cái trên ghế Kpan cao 0,50m, dài từ 10 - 20m để nhạc công ngồi đánh chiêng, trống, cồng. Gầm ghế thường là nơi để cồng chiêng. Sát vách phía sau hàng cột phía đông là nơi để hàng ché. Bên cạnh bếp khách còn có bếp nấu ăn khi có lễ nghi.
Phía trước cửa nhà của người Ê Đê có hai cầu thang, một dành cho khách và một dành cho người nhà khi lên xuống, mỗi cầu thang có khoảng 5-7 bậc, làm bằng gỗ quý, được đẽo bằng tay và phía đầu cầu thang nơi tiếp giáp với hiên nhà được tạc hình mặt trăng lưỡi liềm, dưới hình lưỡi liềm được tạc hai bầu vú căng tròn, tượng trưng cho uy quyền của người phụ nữ trong gia đình. Dưới mái nhà dài là không gian diễn xướng cồng chiêng, không gian lễ hội, hát kể sử thi, dệt thổ cẩm, sinh hoạt cộng đồng...
Trong ngôi nhà dài truyền thống, các nét điêu khắc, trang trí, tạo hình đều phỏng theo mô típ chế độ mẫu hệ, tín ngưỡng phồn thực. Không gian nhà dài bố trí ghế Kpan ngồi đánh chiêng, bếp lửa sinh hoạt, các sản vật thể hiện sự giàu có của gia chủ như: chiêng, ché, sừng trâu, trống, rượu cần,…
“Trong mỗi ngôi nhà dài, người Ê Đê chạm khắc rất nhiều hình con vật như voi, cua, cá... Sự giàu có của chủ nhà được thể hiện trên những hoa văn đó. Ví dụ như hoa văn hình con voi thì phải những gia đình nào sở hữu những con voi thật thì mới có quyền chạm khắc hoa văn hình con voi ở trên đấy”, già Ama Jeny nói.
Bảo tồn và phát huy giá trị của nhà dài Ê Đê
Nhà dài là nét đẹp văn hóa rất tiêu biểu của dân tộc Ê Đê. Ngôi nhà mang những giá trị, sắc thái, đậm ý nghĩa nhân văn của văn hóa truyền thống từ ngày xưa cho đến bây giờ, góp phần quan trọng làm đa dạng hơn cho truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa người Việt Nam.
Mang trong mình ý nghĩa và tầm quan trọng nhất định trong bản sắc văn hóa dân tộc Ê Đê là thế, nhưng trước những tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, hình ảnh những ngôi nhà dài đang dần thay đổi, không còn giữ được nét truyền thống như xưa, thậm chí có nguy cơ bị mất dần.
![nha-san-dai-kien-truc-doc-dao-cua-nguoi-e-de-o-tay-nguyen.hinh-1.jpg](https://cly.1cdn.vn/2023/10/22/nha-san-dai-kien-truc-doc-dao-cua-nguoi-e-de-o-tay-nguyen.hinh-1.jpg)
Việc thay đổi hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê có thể đe dọa sự tồn tại và tính bền vững của văn hóa dân tộc. Ngày nay, tại nhiều buôn làng, những căn nhà dài truyền thống đang dần bị thay thế bằng những ngôi nhà xây, chỉ còn lại một số ít buôn làng còn giữ lại một số ngôi nhà dài.
Tuy vậy, hình dáng ngôi nhà dài cũng thay đổi khá nhiều, cả chiều rộng, chiều dài, cầu thang và cách bài trí trong nhà cũng không còn giữ được nét truyền thống như xưa nữa, một số ít ngôi nhà dài cũ với kiến trúc truyền thống thì đang ngày một xuống cấp.
Theo đánh giá của già làng Ama Jeny, những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê dần bị mai một thì việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của các buôn làng sẽ bị ảnh hưởng theo. Các thế hệ mai sau sẽ không thể hình dung ra được ông bà mình ngày trước sống, sinh hoạt như thế nào.
Để những giá trị về văn hóa nhà sàn dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê được lưu giữ trong sự phát triển của xã hội hiện đại, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần đề ra những giải pháp đồng bộ thiết thực và khả thi. Trong đó, cần chú trọng đến việc xây dựng các việc làm ngắn, dài hạn về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Ê đê nói riêng và các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung.
Cần đẩy mạnh việc phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với việc phục dựng bảo tồn kiến trúc giá trị văn hóa nhà dài Ê Đê, đưa văn hóa dân tộc Ê Đê trở lại phục vụ cộng đồng để nâng cao ý thức tự giác của đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa
Đồng thời, tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách và nâng cao chính sách đãi ngộ đối với những người quản lý, khai thác di sản, cũng như đối với các nghệ nhân là một phần quan trọng trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Ê Đê và các dân tộc bản địa khác.
Thực tế, bảo tồn và phát huy giá trị của nhà sàn dài Ê Đê là cách bảo vệ di sản văn hóa, đảm bảo sự bền vững của cộng đồng Ê Đê, góp phần vào việc bảo tồn văn hóa, truyền thống và bản sắc của dân này.
Bảo tồn và phát huy giá trị của nhà dài Ê Đê là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo rằng di sản văn hóa của họ được truyền cho thế hệ sau một cách bền vững.