Sống xanh ở Tây Giang
Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Hiện địa phương đang tích cực phát triển du lịch xanh, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đặc biệt, người dân tộc Cơ Tu không chỉ giữ rừng, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn vận động cháu con sống theo pháp luật, không vướng vào các tệ nạn.
Chạm tay vào mây
Mấy năm trở lại đây, nhiều người ưa thích du lịch đã chọn Tây Giang để thực hiện những chuyến “phượt” đầy hào hứng. Đặc biệt là trải nghiệm săn mây trên Đỉnh Quế, cách trung tâm huyện lỵ 17 km. Đến đây, du khách thỏa sức chụp ảnh với thiên nhiên. Giữa điệp trùng mây núi, cảm giá có thể chạm tay đến mây trời lơ lửng, là thật mà như ảo.
Con thác Ra-ai nằm phía trên Đỉnh Quế, chảy ngày đêm từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa hùng vĩ trở thành một điểm nhấn của nơi này. Bạn Đặng Huyền Thanh, du khách từ TPHCM, chia sẻ cảm xúc: Từ lâu, nghe nói Đỉnh Quế là "Sa Pa của miền trung", nên tôi rất háo hức. Thực sự, đứng ở độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, không gian mênh mông, cảm giác phiêu lãng, mỗi người đều cảm thấy say đắm thiên nhiên.
Cũng không ít người chọn chuyến dã ngoại, cắm trại ở khu rừng pơ mu nguyên sinh, cách Đỉnh Quế 10km. Anh Huỳnh Văn Thơ, du khách đến từ Đà Nẵng bày tỏ: “Khi không còn hào hứng với việc trải nghiệm ở những nơi quen thuộc, tôi và những người cùng sở thích chọn cho mình những điểm đi mới, với trải nghiệm mới.
Trên đỉnh núi Zi’liêng có quần thể rừng pơ mu cổ với khoảng 1.200 cây, trong đó có 725 cây có độ tuổi từ khoảng 300 đến 1.000 tuổi, được công nhận là Cây di sản. Đây là điểm đến thú vị mà nhiều người đang ưa thích”.
Du khách đến Tây Giang còn có thể check - in ở cổng trời A Zứt. Đây là núi đá vôi tự nhiên khổng lồ, có hình dáng như một chiếc cổng vô cùng đẹp mắt và tráng lệ, cùng với đó là những hang động lớn nhỏ chứa đầy các khối thạch nhũ vô cùng đẹp mắt.
Tây Giang còn có địa đạo A Xòo, từng là nơi che giấu bộ đội ta trong kháng chiến chống đế quốc. Để vào được địa đạo, du khách phải đi qua con đường Trường Sơn huyền thoại với rừng cây phủ lối đi.
10 năm qua, UBND huyện Tây Giang cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam triển mô hình du lịch sinh thái, du lịch xanh để thu hút du khách đến với Tây Giang, giúp đồng bào người Cơ Tu nơi đây “sống” được nhờ rừng.
Ông Bhríu Hùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang cho biết: Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã có nhiều chủ trương, định hướng, chính sách để phát triển du lịch, đặc biệt phải dựa vào rừng, lấy màu xanh của rừng làm nhân tố gốc để phát triển du lịch. Cùng với đó, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, nhất là giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu.
Bình yên bản làng
Đến với Tây Giang, tôi còn được trải nghiệm mua sắm tại “chợ cóc” vùng cao. Người bản địa mang những thứ mình tăng gia sản xuất đến bán cho dân địa phương và du khách. Cảnh họp chợ diễn ra giản dị, không nói thách, không mặc cả. Thêm nữa, ở nơi đây bà con thực hiện cuộc vận động “người Cơ Tu dùng đồ truyền thống - nói không với rác thải nhựa”.
Xuất phát từ việc Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tây Giang phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đến từng hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn 10 xã của huyện. Các cơ sở hội ở từng xã, thôn cũng chủ động xây dựng, đăng ký thực hiện mô hình bảo vệ môi trường và nhân rộng trên địa bàn. Khuyến khích hội viên là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, tiểu thương buôn bán tại các chợ sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường thay thế túi nilon.
Theo đồng bào Cơ Tu, người dân sống dựa vào thiên nhiên, tận dụng mọi nguyên liệu tự nhiên để làm nhà cửa, giường, kể cả chiếc cốc để uống nước… Khi kinh tế phát triển, đồ nhựa mới xuất hiện. Chính vì thế, nói không với rác thải nhựa không chỉ bảo vệ môi trường mà còn vừa giữ được nét văn hóa truyền thống của đồng bào.
Ở khía cạnh khác, Trung tá Bhơnướch Đèn - Phó trưởng Công an huyện Tây Giang cho biết: Tây Giang đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ rừng. Lãnh đạo huyện luôn nghiêm túc thực hiện phương châm: Rừng còn thì Tây Giang còn; rừng suy tàn thì Tây Giang cũng suy tàn. Dưới tán rừng, người dân gắn với bảo vệ rừng là khai thác các lâm đặc sản quý hiếm để phát triển kinh tế; đồng thời cũng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Điều đáng nói, 20 năm qua, từ khi tái lập huyện đến nay, ở Tây Giang không có tội phạm thuộc loại trọng án, không có tội phạm, tệ nạn về ma túy, mại dâm, tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm.
Để đạt được kết quả này là nhờ việc phòng ngừa từ sớm, không để xảy ra tội phạm và các hệ lụy của các tệ nạn. Đặc biệt, 4 năm qua, dù địa hình hiểm trở, đường đi quanh co, nhưng Tây Giang không xảy ra tai nạn giao thông.
Trung tá Bhơnướch Đèn còn khẳng định: Ở các bản, trưởng bản, người có uy tín tuyên truyền rất tốt về việc đã uống rượu bia thì không lái xe. Nhất là ngày Tết. Trước giao thừa, tất cả chìa khóa, xe máy đều phải nộp cho già làng. Chỉ trường hợp như đi cấp cứu, chạy công việc chính đáng và không uống rượu thì mới được làng cho đi xe trong mấy ngày Tết.
Vì vậy, dẫu có uống say thì thanh niên Cơ Tu cũng không nguy hiểm đến tính mạng và gây thiệt hại cho người khác. Khi không có tai nạn giao thông, không có cờ bạc thì sẽ không phát sinh những tệ nạn khác, từ đó giúp bản làng bình yên.
Bảo tồn văn hóa
Ở Tây Giang, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được chú trọng. Trong đó, việc xây dựng nhà gươl (ngôi nhà làng truyền thống) là một thiết chế văn hóa làng Cơ Tu được đặt lên hàng đầu.
Theo tiếng Cơ Tu, gươl có nghĩa là cộng đồng. Chính cách gọi này đã phản ánh chức năng của công trình kiến trúc này. Nhà gươl là biểu tượng văn hóa cao nhất của cộng đồng nên luôn được người Cơ Tu gìn giữ. Nơi đây vừa lưu giữ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, vừa diễn ra các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống của cộng đồng.
Điều đáng mừng là ở hầu hết các thôn trên địa bàn huyện Tây Giang đều có những vị già làng, những nghệ nhân am hiểu văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống. Đây là những “báu vật sống” để mạch nguồn văn hóa được bảo tồn và phát triển trong cộng đồng.
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang, toàn huyện có 10 xã với 72 làng, thôn, bản thì đã có 63 đơn vị có nhà gươl. Ngoài ra, các trung tâm xã, trường học, cơ quan trong huyện, nhà gươl cũng được dựng lên. Mái gươl được dựng tuân thủ cấu trúc, ý niệm tâm linh.
Đặc biệt, nhiều năm qua, với chủ trương xã hội hóa, huyện Tây Giang đã đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu tại trung tâm huyện lỵ (thôn Agrồng, xã A Tiêng).
Ngoài nhà gươl, trung tâm Làng văn hóa, truyền thống Cơ Tu còn có 10 moong (nhà truyền thống) do nhân dân 10 xã trong huyện góp công sức xây dựng. Khu làng văn hóa truyền thống còn có điểm nhấn là ngôi nhà dài truyền thống của người Cơ Tu thôn Atu, xã Ch'Om (giáp nước bạn Lào), với 40 bếp còn lại duy nhất ở miền núi Quảng Nam, được đưa về phục dựng và một ngôi nhà mồ với lối kiến trúc và điêu khắc nguyên bản, đặc sắc. Làng văn hóa - truyền thống Cơ Tu giống một bảo tàng nhà làng thu nhỏ về văn hóa kiến trúc và điêu khắc.
Nghệ nhân ưu tú Bhriu Pố đã góp công rất lớn trong việc phục dựng cây nêu của người Cơ Tu. Ông chế tác cây nêu ở Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu, và đó là cây nêu có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Cây nêu được tạo tác rất kỳ công với 9 mô típ trang trí khác nhau, thứ tự từ dưới lên trên, đó là: dây thừng (bhrướt pơr lanh), dây thắt lưng phụ nữ (cơtêêng pa pát), hoa cây chi rong - mô típ này lặp lại 3 lần trên thân cột, chuỗi cườm crôl, a pac, crơ lăng, pa pa và gương.
Nghệ nhân ưu tú Bhriu Pố gắn bó lâu đời với loại nghệ thuật tạo hình này. Những nhà gươl ở vùng cao đều có bóng dáng, ý tưởng của ông. Ông tự tay chạm khắc hoặc thiết kế, vẽ mẫu rồi hướng dẫn cho các nghệ nhân trẻ, trai tráng trong làng thực hiện.
Đêm giao lưu tại Làng văn hóa, truyền thống Cơ Tu, chúng tôi được chiêm ngưỡng những màn múa đặc sắc của người bản địa, những người yêu nghệ thuật truyền thống. Sự nhiệt tình, hiếu khách, lối sống thân thiện với môi trường của người dân đang dần thu hút du khách đến với xứ núi Tây Giang.