Chiếc khèn bè của nghệ nhân dân tộc Thái
Với người dân tộc Thái, chiếc khèn bè luôn gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần. Tiếng khèn bè có mặt trong những ngày vui, dịp lễ trọng đại, là giai điệu hẹn hò của chàng trai, cô gái... Ý nghĩa to lớn đó là động lực để nghệ nhân Hà Văn Tình (bản Bàn, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) nỗ lực gìn giữ, để âm vang tiếng khèn mãi đọng lại trong những ngày vui của đồng bào dân tộc Thái.
Bước chân vào căn nhà nhỏ đơn sơ của nghệ nhân Hà Văn Tình, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những chiếc khèn bè được treo ở vị trí trang trọng của ngôi nhà, đủ biết tình yêu của chủ nhà dành cho nhạc cụ này.
Chúng tôi đến đúng lúc ông đang chế tác khèn bè, xung quanh ngổn ngang những ống nứa và các vật dụng mà chỉ riêng ông mới gọi được tên cũng như hiểu rõ công năng của chúng. Ở tuổi 64, đôi tay nghệ nhân vẫn rất chắc chắn và khéo léo để nắn chỉnh, chế tác ra những chiếc khèn bè. Khi biết chúng tôi tới tìm hiểu về khèn bè, ông Tình tỏ ra hưng phấn, vừa duy trì công việc, ông vừa chia sẻ về cái duyên gắn bó với khèn bè.
Ông kể: “Người Thái chúng tôi nghe tiếng khèn bè từ trong bụng mẹ. Tiếng khèn bè được sử dụng rất đa dạng theo từng hoàn cảnh khác nhau trong những dịp lễ, tết, chúc mừng, đón khách, cưới xin... Tiếng khèn đã trở thành giai điệu hò hẹn, nhắn gửi yêu thương của biết bao chàng trai, cô gái”.
Càng kể ông Tình càng trở nên vui vẻ, câu chuyện đưa chính ông và chúng tôi trở lại miền ký ức xưa, nơi đó có tiếng khèn da diết, sâu lắng như kể câu chuyện tình yêu của chàng Văn Sinh và cuộc đời bất hạnh của mình (sự tích ra đời của chiếc khèn bè của người Thái ở Mường Ca Da.
Ông Tình chia sẻ: “Thuở đó, bất cứ chàng trai người Thái Mường Lát nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lên nương thì cũng biết cầm khèn để thổi. Với họ, học thổi khèn không chỉ để giải trí, mà còn là phương tiện để thể hiện tài nghệ của mình và là chiếc cầu nối để họ tìm cho mình một người bạn đời thích hợp”.
Và cũng như bao chàng trai, cô gái người Thái khác, ông Tình và vợ Lương Thị Húng cũng nên duyên từ tiếng khèn.
Đến khi trưởng thành, niềm đam mê của ông Tình dành cho khèn bè vẫn nguyên vẹn, ông còn mong muốn học cách chế tác. Nhưng thời điểm đó trong làng, xã không ai biết làm khèn.
“Tôi nhờ người thân ở Sơn La mua một cây khèn bè, rồi về tự tháo tung, xem xét nghiên cứu, tự lắp vào. Dựa trên nguyên mẫu, tôi tự tìm nguyên liệu, tìm hiểu cách làm, mất gần 1 tháng mới hoàn thiện”, ông Tình tâm sự.
Cũng từ ngày đó, ông đi khắp nơi để sưu tầm các điệu múa, dân ca của người Thái chuyển hóa thành âm sắc của tiếng khèn. Càng thổi ông càng hăng say trong việc tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái, cảm nhận được nét đẹp, giá trị văn hóa của dân tộc mình. Và càng thổi ông càng yêu tiếng khèn của mình. Tình yêu đó, vẫn luôn vẹn nguyên đến tận bây giờ.
Thông thường, khèn bè của người Thái được làm từ nứa, gồm 14 ống với độ dài khác nhau. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu (hay còn gọi là Pố) khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu ông Tình chọn làm khèn bằng cây mạnh pao, loại cây có thân gần giống cây nứa song nhỏ và ống dài hơn, âm thanh phát ra cũng trong và vang hơn. Loại cây này sinh sống ở vùng đồi cao, vì vậy mỗi lần làm khèn ông Tình phải đi cả tuần, vào rừng cách nhà khoảng 5 km lấy nguyên liệu.
Điểm mấu chốt để làm nên một cây khèn có âm sắc là phần lưỡi khèn. Lưỡi khèn được làm bằng đồng hoặc bạc trắng, đánh mỏng như tờ giấy để gắn vào trong các ống khèn, phía trên bầu hơi có dùi những nốt bấm.
Âm thanh của khèn phụ thuộc vào cách cài những lưỡi khèn và độ chính xác về khoảng cách của những nốt bấm. Khèn bè chia thành 2 loại, loại dùng cho thanh niên ngắn và nhỏ, còn khèn bè dài, tiếng to, trầm được dùng cho người già. Từ chiếc khèn đầu tiên làm trong vòng 1 tháng, đến nay chế tác một chiếc khèn hoàn chỉnh với ông Tình chỉ cần khoảng 5 ngày.
Nhìn chiếc khèn bè đơn giản, nhưng lại phát ra những thanh âm mê đắm, lúc da diết, cháy bỏng, lúc lại ngân nga trong sáng như tiếng suối reo, tiếng gió hát... Và để chứng minh cho lời nói, ông Tình liền thổi ngay một bài dân ca của người Thái. Tiếng khèn cất lên âm thanh vui tươi, rộn ràng khiến người nghe không thể ngồi yên mà phải đứng lên nhún nhảy theo điệu múa.
Hiện tại, ông Tình không chỉ là người hiếm hoi ở huyện Mường Lát biết thổi và chế tác khèn bè mà ông còn thuộc rất nhiều bài dân ca cổ của người Thái.
Ông Tình tự hào: “Tôi phải cám ơn chiếc khèn, vì đam mê khèn nên tôi tự tìm hiểu, ghi nhớ nhiều bài dân ca của đồng bào mình, nhất là những điệu dân ca cổ rồi đưa vào tiếng khèn. Được thổi lên những bài dân ca của người Thái bằng chiếc khèn là niềm vui của tôi bấy lâu nay”.
Bởi vậy, gia đình trong bản có việc vui, xã có sự kiện, dù đường sá xa xôi, phải lội qua mấy con suối, đi qua mấy con đèo thì ông Tình đều mang thanh âm vui vẻ của tiếng khèn đến góp mặt. Trách nhiệm và nhiệt tình, nỗ lực và tân tâm, đó là cách mà những nghệ nhân như ông Tình giữ gìn giá trị văn hóa, cũng là cách ông mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với người dân.
Say sưa với văn hóa dân tộc, bởi vậy mỗi khi gặp người có cùng niềm đam mê sưu tầm, chế tác nhạc cụ dân tộc Thái và muốn học hỏi, ông Tình như “bắt được vàng” mà tận tình chỉ dạy. Đã có những lúc ông đến từng nhà, vận động mọi người học khèn và sẵn sàng tặng khèn miễn phí cho họ.
Ông biết người trẻ bây giờ không mặn mà với khèn bè nhưng trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của đồng bào dân tộc Thái không thể không có tiếng khèn bè. Bởi vậy, ông không ngại khó, ngại khổ đem tiếng khèn bè đến gần hơn với cộng đồng người Thái, để nâng cao nhận thức của người trẻ trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã mở các lớp tập huấn truyền dạy khèn bè dân tộc Thái cho những người có nhu cầu. Hoạt động với sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, đưa làn điệu khèn bè ngày càng thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở xứ Thanh.