Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi đã tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội toàn tỉnh Hà Giang nói chung và đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Qua hai năm triển khai thực hiện chương trình, cơ bản các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần đã được triển khai thực hiện và phân bổ vốn đến các đơn vị, các địa phương thực hiện.
Phần lớn các nội dung hỗ trợ, đầu tư của các tiểu dự án, dự án phù hợp với nhu cầu của cơ sở và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe… đã giúp người dân giải quyết được các nhu cầu khó khăn thiết yếu nhất trong đời sống, sau đại dịch Covid-19.
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao mức thụ hưởng của nhân dân. Từ đó, củng cố niềm tin của đồng bào với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đầu tư vào nhiều lĩnh vực, bao gồm phát triển nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, thủy lợi, điện lực,... qua việc đầu tư đã đem lại những kết quả tích cực, như tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân,....
Theo số liệu thống kê, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Hà Giang là 42,08%; năm 2022, tỉ lệ này giảm còn 37,08%. Về cơ sở hạ tầng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; tỷ lệ hộ dân người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 96,13%.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư trong giai đoạn dài (2021 – 2023, giai đoạn 1: 2021-2025), nên hoàn toàn có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng trưởng kinh tế địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong dài hạn.