Những "nhịp cầu" gắn kết ý Đảng lòng dân
Người có uy tín và lực lượng cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được ví như “nhịp cầu” gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người có uy tín và lực lượng cốt cán còn giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; phát triển kinh tế, góp sức xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Nói dân tin, làm dân theo
Từ năm 2016 đến nay, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trên 100 ha của gần 100 hộ dân để triển khai dự án sân gol Vinpearl Tuyên Quang, Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm. Đóng góp một phần vào thành quả đó là ông Trần Đức Dục, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Mỹ Lâm.
Bằng vai trò của người cốt cán, cùng với hệ thống chính trị các cấp, ông Dục không ngại khó, ngại khổ để gần gũi, nắm chắc diễn biến tư tưởng của từng hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu, tự giác chấp hành, không có đơn thư khiếu nại trong quá trình tổ chức thực hiện.
Phường có trên 40% hộ dân tộc Cao Lan, ông Dục đã thường xuyên phối hợp với các tổ dân phố, vận động tuyên truyền đồng bào chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường nhằm thực hiện văn minh đô thị. Đồng thời, xóa bỏ các hủ tục trong việc tang, giảm thời gian tổ chức tang lễ từ 7 ngày xuống còn 3 ngày.
Gần 20 năm làm cán bộ chủ chốt của thôn, 10 năm liền, ông Hà Đức Tăng, thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu (Hàm Yên) được UBND tỉnh công nhận là người có uy tín. Ông Tăng luôn tiên phong trong phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình ông có 3 ha cây cam Sành, 1,5 ha chanh tứ mùa. Mỗi năm, mô hình kinh tế của ông cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Năm 2021, hưởng ứng xây dựng thôn Nông thôn mới kiểu mẫu và dự án “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày thôn Pác Cáp” gắn với phát triển du lịch cộng đồng, gia đình ông Tăng là hộ đầu tiên tự đầu tư trên 2 tỷ đồng và vận động 9 hộ khác tự đầu tư trên 1 tỷ đồng/hộ để làm homestay.
Nhờ uy tín của ông Tăng, người Tày ở Pác Cáp tích cực phát triển kinh tế. Thôn có 65 hộ, 317 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Tày. Hết năm 2022, thôn đạt gần 56 triệu đồng/người/năm; nhân dân đóng góp gần 550triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Pác Cáp là thôn duy nhất của xã không có hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
Giai đoạn 2018 - 2022, UBND tỉnh Tuyên Quang đã công nhận 5.846 lượt người có uy tín; trong đó có 3.467 lượt người uy tín là đảng viên. Thông qua người có uy tín, lực lượng cốt cán, hệ thống chính trị các cấp của tỉnh kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào DTTS để tham mưu, kịp thời giải quyết, đáp ứng được nguyện vọng mong muốn của người dân.
“Điểm tựa của mọi điểm tựa”
5 năm qua, người có uy tín và lực lượng cốt cán trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách về phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, vận động con cháu, cộng đồng làm theo. Nhiều mô hình kinh tế đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Bản thân người có uy tín, lực lượng cốt cán luôn còn quan tâm, giúp đỡ hướng dẫn nhân dân địa phương phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 27,81% xuống còn 9,03%; tương đương 16.183 hộ gia đình đã thoát nghèo.
Người có uy tín, lực lượng cốt cán đã tích cực vận động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Trong 5 năm, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt. Toàn tỉnh hiện có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời đang triển khai làm hồ sơ công nhận 8 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Đội ngũ người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng từ cơ sở. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, người có uy tín và lực lượng cốt cán đã tích cực vận động đồng bào chấp hành các quy ước thôn, bản; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Với sự hiểu biết về văn hóa truyền thống, nhiều người có uy tín, lực lượng cốt cán đã không ngừng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, truyền dạy cho các thế hệ trẻ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, trọng tâm là bảo tồn các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và nghề truyền thống.
Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, người có uy tín, lực lượng cốt cán là “điểm tựa của mọi điểm tựa” khác. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ này. Đồng thời, chú trọng đổi mới công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, thực hiện tốt chính sách cho người có uy tín, lực lượng cốt cán.
Toàn tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đề cao, phát huy vai trò của người có uy tín, lực lượng cốt cán qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến là người có uy tín, lực lượng cốt cán.